Thứ Hai, 17/04/2023 09:06

ĐHĐCĐ DCL: Việc bồi thường 58 tỷ cho Bộ Y tế ảnh hưởng kinh doanh ra sao?

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long, HOSE: DCL) được tổ chức vào sáng ngày 17/04/2023 ở thành phố Vĩnh Long theo hình thức trực tuyến, bỏ phiếu biểu quyết điện tử.

ĐHĐCĐ thường niên DCL năm 2023 diễn ra trực tuyến sáng 17/04/2023. (Ảnh chụp màn hình).

THẢO LUẬN

Mong ban lãnh đạo chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2023?

TGĐ Lương Trọng Hải: Năm 2022, DCL đã vượt kế hoạch. Chúng tôi cam kết với các cổ đông là dù tình hình thị trường có thế nào, vẫn phải tăng trưởng và tăng ở mức hợp lý, sát mức tăng trưởng của ngành, đạt hoặc vượt kế hoạch.

Quý 1/2023, dù chưa chính xác, nhưng kế hoạch doanh thu dự kiến đạt được 240 tỷ đồng. Về lợi nhuận, trong quý 1 có nhiều thời điểm nghỉ lễ Tết, chi phí vẫn phải trả trong thời gian này, nhưng về cơ bản vẫn đáp ứng được tiến độ cũng như kế hoạch đề ra.

Tình hình COVID-19 trong thời gian tới dường như đang có diễn biến phức tạp. Ban lãnh đạo có nhận định như thế nào, và tình hình này sẽ tác động ra sao đến kết quả kinh doanh của Công ty?

TGĐ Lương Trọng Hải: Khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong năm 2021 - 2022, DCL vẫn đảm bảo hoạt động xuyên suốt. Chúng tôi cũng đánh giá có thể dịch bệnh sẽ có diễn biến, nhưng Công ty đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực, chi phí hợp lý, công tác phòng chống dịch để đảm bảo dù có dịch bệnh xảy ra, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, để về đích với những kế hoạch đề ra.

Khoản bồi thường 58 tỷ đồng sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến tình hình hoạt động của Công ty? Có phải đây là một trong những nguyên nhân khiến Công ty không chia cổ tức năm 2022?

Phó TGĐ Nghiêm Xuân Trường: Trên quan điểm tuân thủ phán quyết toà án, DCL nghiêm túc thực hiện điều này. Nhưng trên thực tế, DCL là đại diện để nộp vì bản chất tiền này nằm ở giai đoạn trước. Sau khi hoàn thành nộp, chúng tôi sẽ xử lý thông qua các vụ kiện khác để thu hồi. Việc này chỉ ảnh hưởng đến tổng tài sản trên BCTC, còn kế hoạch sản xuất kinh doanh 20023 sẽ không ảnh hưởng. Bản thân Công ty cũng đã chuẩn bị, dự liệu từ trước, có những phương án về vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm để tránh xảy ra điều tương tự gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.

TGĐ Lương Trọng Hải bổ sung: Kể từ khi tập đoàn FIT đầu tư vào năm 2015, doanh thu và lợi nhuận DCL đều có tăng trưởng, nhưng các đại hội năm trước đều thống nhất không chia cổ tức.

Nguyên nhân do DCL tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, sau khi cổ phần hoá cần phải chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng để sống sót và tồn tại trên thị trường.

Với cổ tức 2022, chúng ta có những dự án cần được ĐHĐCĐ thông qua. Hiện tại, chúng tôi đã chuẩn bị đầu tư máy móc thiết bị cho nhà máy capsule giai đoạn 5. Với mặt hàng này, chúng tôi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nên để đảm bảo chất lượng và năng lực cung ứng thì cần phải đầu tư mở rộng.

Giai đoạn 4, vào cuối năm 2021 - 2022, tăng trưởng doanh thu mảng capsule là rất mạnh. Thị trường còn chỗ trống, bắt buộc phải đầu tư. Quy mô đầu tư dự án khoảng 230 tỷ đồng, chúng tôi phải chuẩn bị nguồn vốn là đúng.

Chúng tôi cũng phải đầu tư vào nhà máy vật tư y tế, vì năng lực nhà máy bây giờ đã rất cũ rồi, nên để cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi phải mở rộng. Dự án này chúng tôi đã chuẩn bị xong thiết kế, giấy phép, dự tính hoàn thành vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Dự án sẽ cung cấp hoạt động vật tư y tế với tiêu chuẩn xuất khẩu. Tổng mức đầu tư dự định là 370 tỷ đồng.

Việc mở rộng cơ sở vật chất hiện tại, cụ thể là nhà kho, nên chúng tôi cũng đầu tư dự án mở rộng kho và toà nhà nghiên cứu R&D, tổng mức đầu tư dự kiến 85 tỷ đồng. Khi đưa vào hoạt động, sẽ đảm bảo được cung ứng, dự trữ hàng hoá với chất lượng chuẩn của ngành.

Công tác R&D của công ty như DCL cũng phải được quan tâm, vì chất lượng thuốc phải cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường và có sản phẩm mới để tăng cạnh tranh.

Chúng tôi đầu tư nhà máy mới theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất ngành dược. Với khả năng thị trường còn mở rộng, phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu, chúng tôi phải đầu tư nhà máy mới hoàn toàn, đầu tư từ đầu. Mức đầu tư dự án này là trên 1,000 tỷ đồng.

Mong các vị cổ đông thông cảm về việc chưa chia cổ tức. Công tác tái đầu tư thật sự rất quan trọng, khi tình hình tài chính cho thấy lãi suất tăng cao. DCL chưa có khó khăn gì, nhưng việc dự phòng, chuẩn bị là quan trọng.

Công ty giải thích thêm về việc xoá nợ trên BCTC trước năm 2015. Sau này nếu thu hồi được nợ, Công ty có thực hiện hạch toán cụ thể hay không?

Phó TGĐ Nghiêm Xuân Trường: Đây là các khoản nợ cũ, là các khoản nợ khó đòi từ trước, vốn đã được trích lập dự phòng 100% trên chi phí. Theo các quy định của Nhà nước, chúng ta cần bỏ các khoản nợ này ra riêng để đảm bảo đánh giá các chỉ số tài chính, phát triển của DCL đúng như quy định.

Tuy là ngoài bảng, nhưng các khoản nợ sẽ được theo dõi, hạch toán đầy đủ. Khi đòi được nợ, tất cả sẽ được ghi vào lợi nhuận. Chúng tôi cũng đang tích cực trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước để tiến hành thu hồi các khoản nợ, chứ không phải không tiến hành xử lý nữa. Khi hạch toán chúng tôi sẽ đảm bảo theo quy định của Nhà nước.

Tại sao Công ty không triển khai ESOP như đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022?

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Sang: Việc phát hành cổ phiếu ESOP là một trong những mục đích quan trọng của DCL để khuyến khích ban lãnh đạo và cá nhân công ty đóng góp xuất sắc, và là biện pháp giữ chân nhân tài. Tuy nhiên do năm qua, có nhiều thủ tục hành chính giữa DCL và cơ quan quản lý, dẫn đến việc làm không kịp. DCL xin đề nghị năm 2023 hoặc sang năm 2024, chúng tôi sẽ phát hành bổ sung để động viên cho cán bộ nhân viên.

Kết thúc đại hội thông qua tất cả tờ trình.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 13%, không chia cổ tức 2022

Tại ĐHĐCĐ, DCL đặt kế hoạch doanh thu 2023 đạt 1.15 ngàn tỷ đồng, tăng 13.2% so với năm 2022. Lãi gộp đạt 373.8 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 160 tỷ đồng, tương ứng tăng 32.5% và 13.1% so với năm trước.

Công ty đặt ra một số mục tiêu ứng với từng khối ngành hoạt động của Doanh nghiệp.

Kế hoạch kinh doanh 2023 của DCL
Nguồn: DCL

Với khối ngành dược phẩm, năm 2023, DCL dự kiến tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh và cung ứng dược phẩm, đồng thời hợp tác phân phối thêm các sản phẩm nhập khẩu nhằm đóng góp thêm doanh thu cho Công ty. Ngoài ra, nhà máy sản xuất dược phẩm mà DCL nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư vào cuối tháng 06/2022 hiện đang trong giai đoạn cuối của việc đàm phán hợp đồng theo hình thức chìa khóa trao tay, dự kiến khởi công trong quý 3/2023. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 1.03 ngàn tỷ đồng, quy mô 50,000 m2, công suất 1.6 tỷ sản phẩm/năm.

Đối với khối ngành sản xuất dụng cụ y tế, DCL đang đầu tư thêm 1 nhà máy sản xuất mới bên cạnh nhà máy sẵn có. Nhà máy này sẽ hoàn thành và đi vào vận hành trong quý 3/2023, có diện tích 10,846.6 m2, vốn đầu tư xấp xỉ 15 triệu USD.

Đối với khối ngành sản xuất viên nang rỗng, DCL cho biết đang đầu tư mở rộng giai đoạn 5 với mức vốn đầu tư 232.5 tỷ đồng, công suất 2.8 tỷ nang/năm, dự kiến quý 3/2023 sẽ đi vào hoạt động.

Hai dự án đầu tư mở rộng capsule và xây mới Nhà máy sản xuất thiết bị y tế sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự kiến vào năm tiếp theo (2024), doanh thu hợp nhất của DCL đạt 1,400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 180 tỷ đồng.

Công ty cũng không có kế hoạch chia cổ tức 2022, do đang trong giai đoạn đầu tư, mở rộng hệ thống sản xuất kinh doanh.

DCL không có kế hoạch chia cổ tức năm 2022
Nguồn: DCL

DCL trình đại hội thông qua việc giữ nguyên thù lao chi trả cho HĐQT và BKS. Cụ thể, HĐQT gồm 5 thành viên, được chi tổng cộng 252 triệu đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT nhận 5 triệu đồng/tháng, các thành viên nhận 4 triệu đồng/người/tháng. BKS gồm 3 thành viên, nhận được 84 triệu đồng, trong đó Trưởng BKS nhận 3 triệu đồng/tháng, các thành viên nhận 2 triệu đồng/người/tháng.

Bồi thường 58 tỷ đồng cho Bộ Y tế, dừng triển khai ESOP

Tại đại hội, DCL trình thông qua việc chi trả số tiền hơn 58 tỷ đồng cho Bộ Y tế, nguồn tiền lấy từ lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước.

Nguyên nhân đến từ bản án phúc thẩm của Toà án Nhân dân Cấp cao Hà Nội ngày 27/03/2023, trong đó bác đơn kháng cáo của DCL và buộc Công ty phải bồi thường cho Bộ Y tế số tiền hơn 58 tỷ đồng liên quan đến vụ nhập nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir.

Về các quan hệ dân sự, kinh tế khác, DCL có quyền yêu cầu các bị cáo và những người thừa kế của bị cáo, các cá nhân, pháp nhân khác liên quan hoàn trả số tiền mà DCL đã bồi thường cho Bộ Y tế theo quy định pháp luật. Nếu có tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/04, Công ty nhận được bản án với nội dung như trên. Sau đó đến ngày 13/04, DCL bất ngờ dừng triển khai đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được thông qua ngày 06/03/2023. Lý do được đưa ra là vì thị trường chứng khoán không thuận lợi và ảnh hưởng từ một số nguyên nhân khách quan khác.

Xóa hơn 36 tỷ đồng nợ phát sinh trước năm 2015

DCL cũng trình đại hội thông qua việc xoá nợ phát sinh trước năm 2015 trên BCTC của Công ty, với tổng số tiền hơn 36.16 tỷ đồng. Các khoản công nợ này đã trích lập 100% dự phòng nợ phải thu khó đòi và không ảnh hưởng đến báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong năm của Công ty.

Bên cạnh đó, việc xóa nợ này cũng sẽ chỉ thực hiện xóa trên BCTC, bộ phận kế toán công nợ tại Công ty vẫn sẽ thực hiện theo dõi ngoài và thực hiện thu hồi công nợ nếu có.

Hồng Đức

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ VIX: Lợi nhuận quý 1 trên 11 tỷ đồng, mảng tự doanh hưởng thành quả từ những năm trước (16/04/2023)

>   HPH: Cập nhật tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (15/04/2023)

>   ICI: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (15/04/2023)

>   PLA: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (15/04/2023)

>   PHH: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (15/04/2023)

>   NAB: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh Thủ Đức (15/04/2023)

>   PHH: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (công ty mẹ) (15/04/2023)

>   Công ty thép đầu tiên báo lỗ trong quý 1 (15/04/2023)

>   TIS: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (15/04/2023)

>   TIS: Báo cáo tài chính quý 1/2023 (công ty mẹ) (15/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật