Dầu sụt hơn 5% trong tuần qua bất chấp đà tăng trong phiên
Giá dầu tăng vào ngày thứ Sáu (21/4) nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ ở khu vực đồng tiền chung Euro và Anh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tương lai tiến 68 xu (tương đương 0.8%) lên 81.77 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tương lai cộng 65 xu (tương đương 0.8%) lên 78.02 USD/thùng.
Dẫu vậy, hợp đồng dầu Brent đã giảm 5.5% trong tuần qua, còn hợp đồng dầu WTI sụt 5.7%.
Cả 2 hợp đồng dầu đều giảm hơn 2% vào ngày thứ Năm (20/4) xuống mức thấp nhất kể từ thông báo bất ngờ hồi đầu tháng 4 về cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), do lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ xăng tại Mỹ tăng mạnh.
Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát từ khu vực đồng Euro và Anh đã thúc đẩy giá dầu vào ngày thứ Sáu.
Cuộc khảo sát cho thấy đà phục hồi kinh tế khu vực đồng Euro đã bất ngờ tăng tốc trong tháng này khi ngành dịch vụ chiếm ưu thế của khối chứng kiến nhu cầu tăng cao, đủ nhiều để bù đắp cho sự suy thoái sâu sắc trong lĩnh vực sản xuất.
“Có vẻ nền kinh tế đang phục hồi sau một mùa đông yếu kém ở thời điểm này, tuy nhiên, sản xuất suy giảm vẫn là mối lo ngại và làm giảm đà tăng trưởng”, ING cho biết trong một lưu ý.
Một cuộc khảo sát ngành cho thấy các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động phục hồi và lạm phát chi phí đầu vào thấp nhất trong hơn 2 năm.
Tại Ấn Độ, hoạt động xử lý dầu thô của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3, dữ liệu tạm thời của chính phủ cho thấy, đáp ứng nhu cầu theo mùa ổn định tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới.
Triển vọng nguồn cung khan hiếm đã hỗ trợ thêm cho giá dầu, với các nhà phân tích dự báo dự trữ dầu thô sẽ giảm từ tháng tới, do mục tiêu giảm sản lượng của OPEC và nhu cầu tăng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bất định về kinh tế và triển vọng nâng lãi suất tiếp tục đeo bám thị trường dầu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều dự kiến sẽ nâng lãi suất khi nhóm họp trong tuần đầu tiên của tháng 5, nhằm tìm cách giải quyết tình trạng lạm phát cao.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|