Thứ Hai, 17/04/2023 17:00

Thế giới đang thừa khí đốt

Thế giới đang rơi vào cảnh dư thừa khí thiên nhiên, từ đó đẩy giá khí đốt xuống thấp và tạo ra tình trạng dư thừa nhiên liệu ở cả châu Âu lẫn châu Á, ít nhất trong vài tuần tới.

Xu hướng trên là điều hiếm gặp trong năm qua, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine làm đảo lộn thị trường năng lượng và các nước châu Âu đổ xô tìm kiếm các nguồn cung ứng năng lượng thay thế.

Hiện tại, các kho trữ hàng tồn ở nhiều nước, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha, đang đầy ắp nhiên liệu. Đây là hậu quả của mùa đông ấm hơn và các nỗ lực giảm tiêu thụ khí đốt. Các tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) – vốn là giải pháp thay thế cho khí đốt qua đường ống của Nga - hiện đang lênh đênh trên biển vì chưa tìm được khách mua.

Nhu cầu khí đốt thường lao dốc khi mùa sưởi ấm kết thúc, trước cả khi thời tiết nóng nực xuất hiện. Sau đó, khí đốt sẽ được đưa vào các kho dự trữ để chuẩn bị cho mùa tiếp theo. Tuy nhiên, năm nay, các nỗ lực lấp đầy kho khí đốt tại châu Âu có thể sớm hoàn thành ngay trong tháng 8, Morgan Stanley dự báo.

"Có vẻ thị trường đang dư thừa khí đốt trong ngắn hạn, qua đó gây sức ép lên giá LNG trong vài tuần tới. Điều này có thể khiến giá khí đốt giảm nhẹ", Talon Custer, Chuyên viên phân tích năng lượng tại Bloomberg Intelligence, cho biết.

Giá khí đốt tại châu Âu và châu Á dù giảm mạnh so với đỉnh năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua. Đây là tín hiệu đợt dư thừa hiện tại có thể sớm biến mất. Ông Custer cho rằng giá "có thể gần chạm sàn" vì giá khí đốt rẻ sẽ kéo nhu cầu lên cao.

Mọi sự chú ý đang dồn vào mùa hè. Nếu thời tiết nắng nóng và khô hạn kỷ lục, nhu cầu có thể tăng tốc. Đến đầu quý 3/2023 - thời điểm các hãng nhập khẩu bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông, cuộc cạnh tranh LNG sẽ nóng lên. Nhưng giờ thì tình trạng dư thừa đang lan rộng.

Dự trữ LNG ở châu Âu đang tăng mạnh

Từ Tây Ban Nha cho tới Trung Quốc

Tại Tây Ban Nha – nơi có nhiều cảng tiếp nhận LNG nhất châu Âu, các kho dự trữ khí đốt đã được lấp đầy khoảng 85%. Việc này đồng nghĩa thị trường này có thể nhanh chóng chuyển sang thừa khí đốt, gây sức ép lên giá giao ngay, RBC Capital Markets cho biết.

Tại Phần Lan, số lô hàng nhập khẩu LNG cho mùa hè cũng giảm từ 14 xuống 10, một phần do nhu cầu tiêu thụ được dự báo giảm. Châu Âu nhanh chóng lắp đặt nhiều cảng tiếp nhận LNG di động để giảm phụ thuộc vào khí đốt đường ống của Nga. Nhiều cảng di động sẽ được bổ sung trong năm nay và năm tới.

Trong khi đó, xuất khẩu LNG toàn cầu cũng bật lại trong tháng 3 và lập đỉnh mới, một phần nhờ sự phục hồi sản xuất tại Mỹ. Nguồn cung bổ sung càng khiến giá giảm khi các thương nhân khí đốt chật vật tìm khách mua cho các lô hàng mới.

Xuất khẩu LNG trên toàn cầu

Xuất khẩu khí đốt từ Anh sang châu Âu đang tăng vọt do nước này thiếu cơ sở lưu trữ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tái xuất lượng LNG kỷ lục do kinh tế trong nước hồi phục chậm sau khi gỡ chính sách Zero Covid. Một số tàu đang chuyển hướng khỏi Hàn Quốc – cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều LNG. Nhật Bản cũng đang đề nghị bán bớt khí đốt để giải quyết tình trạng dư cung trong nước.

Ở Nam Mỹ, nhu cầu sẽ vẫn còn yếu cho đến khi Argentina hoàn thành cảng nổi thứ hai trong tháng 5, vừa kịp lúc để nhập khẩu cho mùa đông, Leo Kabouche, Chuyên viên phân tích tại Energy Aspects cho biết.

Các đợt bảo dưỡng định kỳ hàng năm ở các cơ sở sản xuất khí đốt từ cuối tháng 4/2023 cho tới mùa hè có thể hạn chế tình trạng dư cung. Tuy nhiên, các rủi ro nguồn cung vẫn còn, từ việc Nga giảm thêm xuất khẩu đến khả năng khai thác gián đoạn đột ngột. Giới chuyên gia vẫn cho rằng nguồn cung LNG toàn cầu bị hạn chế trong 2 năm tới.

Điều này cũng phản ánh vào giá khí đốt trong các hợp đồng kỳ hạn. Hiện giá của các hợp đồng kỳ hạn khí đốt được dự báo tăng trong vài tháng tới, đặc biệt trong mùa đông, và có thể tiếp tục đi lên cho đến năm 2025.

"Năm nay, tình hình cung cầu khí đốt tại châu Âu sẽ dễ tổn thương hơn năm ngoái", Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp cho biết trong một báo cáo tuần trước. "Bất kỳ sự gián đoạn nhỏ nào về nguồn cung cũng sẽ gây ra tác động lớn".

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   Quyết định của OPEC+ gây ra những hệ lụy cho thị trường dầu mỏ (17/04/2023)

>   Giá dầu châu Á “neo” trên ngưỡng 80 USD một thùng sáng 17/4 (17/04/2023)

>   Dầu tăng 4 tuần liên tiếp sau dự báo nhu cầu cao kỷ lục từ IEA (15/04/2023)

>   Dầu quay đầu sụt giảm do lo ngại suy thoái kinh tế (14/04/2023)

>   Giá dầu có thể trở lại ngưỡng 100 USD/thùng (13/04/2023)

>   Dầu tăng 2% sau dữ liệu lạm phát của Mỹ (13/04/2023)

>   ĐHĐCĐ BSR: Hoãn bảo dưỡng NMLD Dung Quất, lợi nhuận có thể tăng thêm 1,000 tỷ (13/04/2023)

>   Dầu tăng 2% (12/04/2023)

>   Giá xăng tăng hơn 1,000 đồng/lít từ 15h ngày 11/4 (11/04/2023)

>   Dầu quay đầu giảm sau 3 tuần tăng liên tiếp (11/04/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật