Thứ Năm, 20/04/2023 08:02

Có 'công thức thành công' của các tập đoàn gia đình quyền lực nhất Việt Nam?

Cũng như ở nhiều nước Hàn Quốc, Mỹ…, các tập đoàn gia đình lớn tại Việt Nam là xương sống và đang làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế. Vậy, có hay không công thức thành công chung của các tập đoàn này?

Có thể thấy, không có một công thức duy nhất nào cho sự thành công của các tập đoàn gia đình lớn mạnh ở Việt Nam như IPP Group, Vingroup, Masan Group, Thành Thành Công, BRG, Doji…

Nhưng có thể thấy hầu hết các tập đoàn đều bắt đầu từ một ngành nghề đầu tư đơn lẻ, sau đó dần phát triển bao trùm ra nhiều ngành nghề khác và lớn mạnh trở thành tập đoàn đa ngành, và là trụ cột trong nhiều lĩnh vực.

Một điểm chung dễ nhận thấy ở nhiều tỷ phú hàng đầu tại Việt Nam là sự tập trung vào hệ sinh thái kinh doanh chính của mình, mang tầm nhìn dài hạn và không sa đà vào những thương vụ đầu tư tài chính chóng vánh, nhất thời.

Hầu hết các tập đoàn này đều phát triển và đứng vị trí số 1 trong lĩnh vực cốt lõi ban đầu.

Theo một thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam, 100 công ty gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% vào GDP của cả nước.

Theo VCCI, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 96,5% số lượng doanh nghiệp cả nước. Công ty gia đình chiếm 70% các doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp gia đình là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào.

Cũng như ở nhiều nước Hàn Quốc, Mỹ…, các tập đoàn lớn mang dấu ấn gia đình như Vingroup, Masan, Sungroup, Sovico, Thành Thành Công, DOJI, BRG, T&T… là xương sống và đang làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế Việt Nam.

Chiếm vị trí số 1 trong lĩnh vực cốt lõi

Masan gắn với tên tuổi doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và vợ Nguyễn Hoàng Yến đang chiếm thị phần số 1 trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Tập đoàn tiêu dùng dẫn đầu về giá trị vốn hóa, với quy mô lên tới 5 tỷ USD (tính tới tháng 4/2023). Vốn hóa của Masan Consumer khoảng 2 tỷ USD, Masan Hightech Materials khoảng 500 triệu USD và Masan MeatLife (MML) khoảng 500 triệu USD.

Về mảng bán lẻ, tính tới cuối năm 2022, Masan sở hữu 3.268 cửa hàng Winmart+ và 130 siêu thị WinMart, củng cố vị thế là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất về số lượng điểm bán. Trong năm 2023, theo kế hoạch, Masan sẽ mở thêm khoảng 800-1.200 cửa hàng Winmart+.

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan.

Masan Group còn được biết đến là một tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tài chính và khai khoáng, với vốn góp tại một ngân hàng lớn và Masan Hightech Materials - doanh nghiệp sở hữu một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới Núi Pháo.

Tập đoàn Masan có 4 công ty con sở hữu trực tiếp và hàng chục công ty con sở hữu gián tiếp và công ty liên kết.

Các công ty con của Masan hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ (WinCommerce), sản xuất hàng tiêu dùng (Masan Consumer), chăn nuôi chế biến thịt (Masan MeatLife), viễn thông (Wintel), trà sữa (Phúc Long) đến khai thác khoáng sản (Masan Hightech Materials).

Năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 76.189 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 3.567 tỷ đồng. Năm 2023, Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng.

Masan thường huy động vốn và thực hiện M&A các doanh nghiệp đầu ngành để mở rộng hệ sinh thái bán lẻ-tiêu dùng. Những doanh nghiệp mà Masan thâu tóm thường mang đến dòng tiền lớn và đều đặn.

Trong những năm gần đây, hệ thống doanh nghiệp của tỷ phú Quang mang về dòng tiền kỷ lục, lên tới nhiều tỷ USD.

Người thân thiết với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng là một tỷ phú về từ Đông Âu, ông Hồ Hùng Anh.

Năm 2018, giới tài chính xôn xao về một loạt thương vụ người nhà ông Hồ Hùng Anh (một đại gia Việt kín tiếng nằm trong nhóm kinh doanh từ Đông Âu) đăng ký mua số cổ phần Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) trị giá cả tỷ USD.

Khi đó, ông Hồ Hùng Anh sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Sau các giao dịch, ông Hồ Hùng Anh và người nhà nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.

Tính tới cuối năm 2022, gia đình ông Hồ Hùng Anh vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu TCB. Bản thân ông Hồ Hùng Anh nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 1,12%. Mẹ của ông Hùng Anh có hơn 174 triệu cổ phần TCB, tương đương hơn 4,95%. Vợ ông Hùng Anh hiện sở hữu hơn 174 triệu cổ phần TCB, tương đương hơn 4,95%. Con trai ông Hùng Anh (Hồ Anh Minh) nắm gần 138 triệu TCB (tương đương hơn 3,92%). Còn gái ông Hùng Anh (Hồ Thùy Anh) là chủ của 22,5 triệu cổ phiếu TCB (gần 0,64%).

Em dâu ông Hùng Anh (Nguyễn Hương Liên) cũng có hơn 69,6 triệu cổ phiếu TCB (gần 1,98%).

Bên cạnh đó, gia đình ông Hùng Anh còn nắm giữ cổ phiếu Tập đoàn Masan (MSN).

Ngoài em trai, bà Nguyễn Hương Liên, em dâu ông Hùng Anh cũng tham gia điều hành Masterise Group. Con trai ông Hùng Anh, Hồ Anh Minh cũng tham gia kinh doanh, phụ trách việc phân phối bán hàng khu vực phía Bắc cho Masterise.

Lãnh đạo Techcombank cho biết, nếu ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 23-25% hàng năm trong 5 năm tiếp theo thì sẽ đạt được vốn hoá 20 tỷ USD vào năm 2025.

Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong nhiều năm, Techcombank có lợi nhuận chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.

Đây cũng là ngân hàng có tập khách hàng doanh nghiệp rất lớn và có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đứng hàng đầu hệ thống.

Một số tập đoàn thành công trong lĩnh vực sản xuất như Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang-Chu Thị Bình, vua mía đường Đặng Văn Thành...

Gia đình “vua tôm” Lê Văn Quang-Chu Thị Bình (Thủy sản Minh Phú) dồn toàn lực vào lĩnh vực thủy sản, hợp tác tốt hơn với đối tác ngoại và đẩy mạnh xuất khẩu, với định hướng chiếm 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2024.

Trong năm 2022, Thủy sản Minh Phú đã cán mốc doanh thu hợp nhất kỷ lục với hơn 16.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, Minh Phú dẫn đầu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản với 23,8%.

Trước đó, báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, MPC có doanh số đạt 395 triệu USD, chiếm gần 4,44%, đứng đầu về xuất khẩu thủy sản và xuất khẩu tôm của cả nước năm 2021.

Trong khi đó, Hàng không Vietjet Air (VJC) do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch tiếp tục giữ vững vị thế số 1 trong ngành hàng không Việt Nam, với thị phần khoảng 45%.

Đây là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới vượt qua được khó khăn của đại dịch và không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong thời gian đại dịch.

100 tập đoàn gia đình lớn tại Việt Nam đóng góp 25% GDP. (Ảnh: EY)

Thành Thành Công - doanh nghiệp gia đình nhà ông Đặng Văn Thành không chỉ dồn lực vào lĩnh vực mía đường mà còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản và du lịch sau khi rút khỏi lĩnh vực ngân hàng (Sacombank).

Các doanh nghiệp mía đường của Thành Thành Công (TTC Group) không chỉ chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong nước, với tỷ lệ 46%.

Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) là doanh nghiệp trụ cột của TTC Group. TTC Sugar hiện có hơn 60 dòng sản phẩm, hệ thống phân phối hơn 50.000 điểm bán lẻ và là nhà cung cấp đường lớn cho các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành thực phẩm, đồ uống, dược phẩm… và xuất khẩu tới 24 quốc gia. Doanh nghiệp này đang dẫn đầu ngành đường cả về quy mô vùng nguyên liệu (70.000ha), công suất (29.500 tấn mía/ngày).

Ông Đặng Văn Thành và vợ . Ảnh: Forbes

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ mơ ước sẽ biến những con phố của Hà Nội và Sài Gòn trở nên sầm uất như Hồng Kông hay Singapore, tham vọng xây dựng nhiều thành phố Việt Nam đẹp như Singapore, Hàn Quốc, đã cho ra đời những khu đô thị/khu dân cư có kiến trúc, chất lượng sống đứng đầu ngành bất động sản.

Thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và vợ - bà Phạm Thu Hương là Vingroup, Vinhomes với hàng loạt dự án bất động sản nổi bật trên phạm vi cả nước. Từ những tòa tháp cao chọc trời, những khu đô thị sánh ngang tầm các quốc gia hiện đại, cho tới các khu du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Vinhomes là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản, với vốn hóa hơn 220.000 tỷ đồng (9,3 tỷ USD), tính tới 18/4/2023 . Cho đến nay, Vinhomes ước tính đã bàn giao khoảng 100 nghìn sản phẩm tới người mua nhà.

Cũng từ đây, Vingroup dồn lực vào một mảng mới là sản xuất (ô tô) và công nghệ với trọng tâm là hãng xe VinFast.

Theo Forbes, ước mơ để Việt Nam “ngẩng mặt với thế giới” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vì thế ngày càng tròn đầy hơn. Vingroup giờ có thể sánh ngang các tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, như Capital Land, Keppel Land...

Mặc dù rất thành công với bất động sản nhưng tỷ phú Vượng liên tục mở rộng ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, như bán lẻ, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ… và gần đây là xe điện.

Vào giữa năm 2018 Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Bên cạnh đó, các Tập đoàn mang nhiều dấu ấn gia đình như Doji, BRG, IPPG, Tập đoàn KiDo... cũng đang chiếm lĩnh vị trí chủ chốt trong các ngành nghề kinh doanh.

Xương sống của nền kinh tế

Có một đặc điểm chung nữa là các doanh nghiệp gia đình tiếng tăm bậc nhất hiện nay có thế hệ đi trước là những người sáng lập và các thế hệ con, cháu sau này giữ các vị trí quan trong trong bộ máy doanh nghiệp. Khả năng quản trị và chia sẻ quyền lợi trong thời kỳ thế hệ F1-F2 được phân chia khá tốt. Đây cũng chính là các tập đoàn xương sống và đóng góp nhiều cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp mang dấu ấn gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido…

Theo Forbes Việt Nam, 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế đồng thời có sản phẩm dịch vụ có chỗ đứng vững chắc. Đây cũng là điều thường thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo khảo sát 10 doanh nghiệp gia đình lớn nhất trên thế giới hiện nay cho thấy tổng số vốn của các doanh nghiệp gia đình này lên đến trên 3.000 tỷ USD.

Trong một phát biểu năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra con số thống kê, 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder….

Tại Hàn Quốc, quốc gia này có rất nhiều chaebol (các đại tập đoàn gia đình lớn tại nước này) và đây là những trụ cột công nghệ, kinh tế và xã hội của xứ sở Kim Chi. Nổi bật nhất là bộ tứ Hyundai Motor Company, SK Group, Samsung và LG.

Dưới bàn tay của các chaebol, Hàn Quốc đã từ một đất nước nghèo đói đi qua cuộc nội chiến tàn khốc trở thành quốc gia có GDP top đầu thế giới. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, rất nhiều chaebol đã trở thành các tên tuổi đứng đầu thế giới và đôi khi là trở thành bộ mặt của các ngành công nghiệp nước này, với những sản phẩm được biết đến trên phạm vi toàn cầu như điện thoại thông minh Samsung Galaxy hay máy giặt/tivi LG hay xe hơi Hyundai.

Sau cơn bão phát thần kỳ vào thập niên 70, nhiều chaebol tại Hàn Quốc chững lại. Tuy nhiên, các tập đoàn này sau đó hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự can thiệp của chính phủ Hàn Quốc. Đi đầu trong cuộc cách mạng mới tại Hàn Quốc vẫn là Samsung và LG. Chính 2 chaebol này nhanh chóng vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua TV LCD và tiếp đó là thị trường điện thoại thông minh, cạnh tranh vượt trội so với Nokia và Motorola. 

Mạnh Hà

VietNamNet

Các tin tức khác

>   CEO NIJI Group nhận giải ‘Doanh nhân - Trí thức tiêu biểu 2023’ (19/04/2023)

>   Các gia đình tỷ phú kinh doanh hùng mạnh nhất, xác lập đế chế tiếng tăm (19/04/2023)

>   Chứng khoán VIX có tân Chủ tịch (18/04/2023)

>   Tài sản đạt 210 tỷ USD, người giàu nhất thế giới bỏ xa Elon Musk (17/04/2023)

>   Con trai Bầu Hiển làm Phó Chủ tịch Ngân hàng SHB (12/04/2023)

>   Tân Hiệp Phát: Tham vọng 3 tỷ USD và những tai tiếng kim tiền (10/04/2023)

>   Hoa hậu Ngọc Hân nhận lương gần 1 tỷ đồng tại công ty bất động sản (09/04/2023)

>   Vietjet Air có CEO mới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT (06/04/2023)

>   Số phận nào cho Berkshire Hathaway sau sự ra đi của huyền thoại Charlie Munger (04/12/2023)

>   CEO Masan Danny Le: “Nhà đầu tư không còn kiên nhẫn với các doanh nghiệp thua lỗ” (01/12/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật