Chứng khoán tháng 4 sẽ tươi sáng hơn?
Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) trong tháng 4 sẽ tích cực hơn, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hạ lãi suất điều hành, yếu tố chủ đạo hỗ trợ thị trường đi lên.
NHNN hạ lãi suất, hỗ trợ chứng khoán đi lên
Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK BSC cho biết, động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN là một bước đi hợp lý, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP, tín dụng khá thấp, trong khi lạm phát ở mức ổn định. Tỷ giá cũng sẽ không chịu tác động lớn, NHNN đã có thời gian quan sát diễn biến thị trường khoản hai tuần trước khi đưa ra quyết định. Động thái hạ lãi suất của NHNN sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ TTCK đi lên.
Mặt khác, ông Khoa nhấn mạnh, việc NHNN hạ lãi suất trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ tạo ra một khe hở (gap) âm trên thị trường lãi suất qua đêm đối với cả USD và VND. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ tác động đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng tiền kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) sẽ rút ra. Nhưng theo quan sát, ông Khoa nhận thấy trong hai tuần qua, chưa thấy xảy ra dấu hiệu này, nhưng để rõ ràng hơn thì cần thêm thời gian.
Đánh giá về mức tăng trưởng GDP quý 1/2023 vừa qua, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng Phòng phân tích Chiến lược CTCK KIS Việt Nam nhận định con số 3.32% không phải là quá thấp trong bối cảnh hiện tại. Nhìn về dài hạn, tăng trưởng nền kinh tế vẫn tốt. Có thể con số tăng trưởng trong quý 1/2023 sẽ ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của thị trường trong ngắn hạn.
Về định giá thị trường, ông Hiếu cho biết TTCK đã điều chỉnh khá mạnh, về vùng định giá cực kỳ hấp dẫn. Điều này lý giải cho động thái của khối ngoại trong thời gian qua, từ tháng 11/2022 các quỹ ETF như Fubon hay VanEck có xu hướng tập trung mạnh vào TTCK Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường. Đến nay, dù thị trường đã tăng nhiều so với đáy tháng 11/2022, nhưng họ vẫn gia tăng quy mô, chứng tỏ các quỹ này đã nhận thấy được mức định giá rẻ của TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, rủi ro vẫn còn tồn tại với nhiều vấn đề liên quan đến thị trường trái phiếu. Dù vẫn có vài doanh nghiệp xử lí tốt vấn đề trái phiếu, so với tổng giá trị đáo hạn (đỉnh điểm từ tháng 5-9 tới đây) thì vẫn rất nhỏ.
Nếu trong tháng 4, thị trường trái phiếu không có nhiều khởi sắc, thị trường sẽ tạm thời có áp lực. Các doanh nghiệp dồn lực giải quyết các vấn đề của trái phiếu có thể khiến dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước chậm lại ở thị trường cổ phiếu, khiến thị trường có sự rung lắc và điều chỉnh. Sau khi thị trường trái phiếu giải quyết xong trong quý 3/2023, thị trường cổ phiếu có thể sẽ tốt hơn.
Nhóm tài chính và đầu tư công sẽ khả quan
Theo ông Khoa, các số liệu thống kê trong quá khứ cho thấy ở những giai đoạn lãi suất đi xuống, nhóm ngân hàng, tài chính và bất động sản thường sẽ khả quan, vượt xa các ngành khác. Nhưng ngành bất động sản hiện nay có nhiều rủi ro khó lường. Bản thân, nhóm ngành tài chính cũng đã giảm khá mạnh nên việc giảm lãi suất sẽ tác động trước đến nhóm ngành tài chính, sau đó mới đến nhóm ngành sản xuất. Tuần qua, thị trường chủ yếu vận động quanh một vài nhóm ngành như đầu tư công, tài chính, ngân hàng, cho thấy dòng tiền cũng thắt chặt rủi ro hơn, thể hiện khẩu vị của thị trường.
Ông Hiếu thì đánh giá nhóm đầu tư công đáng quan tâm với 3 lý do chính: Một là, năm nay sẽ là năm giải ngân mạnh gói hỗ trợ kinh tế 2022 - 2023 chưa được giải ngân ở năm 2022, trọng tâm là đầu tư công và phát triển hạ tầng. Thứ hai, Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt trong thời gian gần đây để thúc đẩy đầu tư công. Ba là, câu chuyện của FDI. Số liệu FDI gần đây cho thấy đang giảm khá mạnh, nhưng ngắn hạn không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, nếu xu hướng này kéo dài, sẽ làm hụt động lực tăng trưởng. Do đó, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những giải pháp chắc chắn cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để thu hút đầu tư FDI.
Kha Nguyễn
FILI
|