Thứ Bảy, 01/04/2023 19:30

Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'Giải ngân' thủ tục để thúc đẩy dự án, xoay dòng vốn

Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh phải giải quyết tốt khâu thủ tục hành chính thì các dự án mới chạy, dòng vốn mới xoay và ông cũng "điểm mặt" các sở đang tồn đọng nhiều văn bản, yêu cầu nhanh chóng giải quyết.

Sáng 1-4, UBND TP.HCM họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trong quý II với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.

Dù khó khăn vẫn phải đứng dậy đi tới

Tại phiên họp, Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ, TP sơ kết quý I trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước và TP gặp nhiều khó khăn. Con số tăng trưởng GRDP 0,7% gây nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua.

“Điều gì đang xảy ra tại TP.HCM? TP.HCM đang gặp vấn đề gì”- Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc lại và mong muốn lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục suy nghĩ và nghiêm túc hành động để sớm thoát ra khỏi tình trạng này.

Dù đã làm nhiều việc nhưng Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận kết quả chưa được như mong muốn. “Khó khăn này không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta phải đứng dậy đi tới”- ông động viên.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TTBC

Tới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tập trung vào một số đầu việc cụ thể. Trong đó, ông nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị phải quyết liệt hành động hơn.

“Từng cơ quan hành chính, từng xã- phường- thị trấn cần rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất; từ đó có sự tập trung đôn đốc, chỉ đạo và có biện pháp để thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành, địa phương”- ông nói.

Người đứng đầu chính quyền TP nêu thực tế, công việc tồn đọng nhiều, phát sinh nhiều nhưng có bị rối hay không, có cơ quan nào không biết bắt đầu từ đâu; chúng ta có loay hoay trong mớ bòng bong này không? Chúng ta có nhiều công việc, kể cả cũ và mới, phải tiếp tục thực hiện có trọng tâm, đảm bảo tiến độ và có kiểm tra.

Thứ hai, với khối lượng tồn đọng và nhiệm vụ phát sinh lớn, phải làm với cường độ, năng suất cao hơn. Phải tiến hành rà soát ba nhóm công việc cụ thể.

Nhóm có thể giải quyết được ngay thì cần giải quyết trong thời hạn quy định. Nhóm việc cần có sự phối hợp với các cơ quan khác thì cần chủ động phối hợp, đeo bám và cơ quan nào không có ý kiến là coi như không đồng ý, không chờ nữa.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận cuộc họp. Ảnh: TTBC

Chấm dứt việc sở này chờ sở kia

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị chấm dứt tình trạng sở này chờ sở kia, hoặc im lặng không trả lời. Sở nào không có ý kiến rõ ràng thì cũng cần báo cáo cho UBND TP.

Cuối cùng là nhóm các công việc còn vướng mắc phải báo cáo ủy ban để có ý kiến xử lý. “Tránh trường hợp đẩy qua sở khác, cùng một vấn đề mà văn bản chạy ra chạy vào một sở nhiều lần. Chúng ta phải siết chặt hơn nữa”- ông nói.

Chủ tịch UBND TP cũng “điểm mặt” một số Sở tồn đọng nhiều văn bản chưa giải quyết. Đó là Sở QH-KT, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND TP, Sở LĐ-TB&XH.

Riêng nhóm quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng, lao động và văn phòng thì đề nghị phải có sự rà soát, phân nhóm. Trong tháng 4 phải công bố trên trang web của từng đơn vị; phải thông báo, báo cáo về ủy ban để rà soát các dự án đang nằm lại, nỗ lực để tháo gỡ cho các dự án chạy, kể cả dự án công và tư.

Trong đó, tập trung vào 40 dự án đang vướng trong quý II. Với 138 dự án mà hiệp hội bất động sản báo cáo thì cần rà lại danh sách để xác định nhóm dự án tập trung giải quyết triệt để.

Cho rằng điểm then chốt trong các vấn đề làm cho mức tăng trưởng thấp đi không chỉ nằm ở yếu tố bên ngoài, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh về khâu giải quyết thủ tục hành chính. Phải giải quyết tốt khâu này thì các dự án mới chạy, dòng vốn mới xoay.

Nhiệm vụ thứ hai, ông Mãi yêu cầu phải thúc đẩy đầu tư công để thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách. Với các ban lớn, các công trình trọng điểm, chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc nhau để giải quyết; giao ban hàng tuần, hàng ngày để đảm bảo giải quyết kịp thời những phát sinh.

Trong đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung vào giải phóng mặt bằng nhiều để trong nửa đầu năm 2023 sẽ xong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3. Đồng thời, củng cố ba tổ công tác của đầu tư công.

TP đặt quyết tâm sau kì họp chuyên đề HĐND sẽ phân bố hết vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Một số dự án có khả năng chi thì vừa bổ sung vào kế hoạch trung hạn, vừa bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

TP.HCM đã được hưởng vượt thu năm 2022 và được đầu tư trở lại 7.200 tỉ đồng. Ông Mãi nói dù chưa có chính thức thông qua nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn các dự án, gắn với việc nâng trần trung hạn. Nếu nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho phép TP nâng trần thì cần chuẩn bị khả năng thu và các hồ sơ dự án để chi cho gói nâng trần 119.000 tỉ đồng.

Quá trình triển khai gói nâng trần này, ông yêu cầu chuẩn bị cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa- xã hội để xác định danh mục cần tập trung đầu tư. Cái nào đầu tư công thì đưa vào gói, cái nào đầu tư xã hội thì hoàn thiện chính sách để thu hút.

Các chương trình, dự án lớn như Rạch Xuyên Tâm, kênh Tàu Hũ, một số hạng mục mới của Khu đô thị mới Thủ Thiêm thì phải đưa vào hoàn thành trước năm 2025 hoặc có cơ chế thu hút đầu tư xã hội.

Ông Mãi cũng nhắc, vấn đề mua sắm công sẽ giúp thúc đẩy mua sắm hàng hóa. Sở Tài chính và Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thiện đề án để triển khai trong thời gian tới.

Đồng thời, Sở KH&ĐT cũng phải xây dựng xong bộ tiêu chí thu hút FDI trong tháng 4. Khu chế xuất, Khu công nghệ cao cũng cần tập trung thu hút FDI trong thời gian tới, có đề xuất cụ thể trong quý II này sẽ thu hút được bao nhiêu.

Về đầu tư xã hội, TP Thủ Đức cần sớm hoàn thành quy hoạch để thu hút nguồn đầu tư. Tập trung tháo gỡ để đẩy các dự án về nhà ở, bất động sản... Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các thủ tục có liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng... cũng phải cố gắng hoàn thành sớm để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện.

Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin, trong Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TP đã đề nghị được sử dụng ngân sách để thực hiện chương trình kích cầu, hỗ trợ lãi suất. Nếu Quốc hội thông qua thì trong tháng 7 có thể trình HĐND TP để triển khai.

Ông Mãi cũng yêu cầu Sở KH&ĐT nghiên cứu thêm, xem trong thẩm quyền của TP có thể có chính sách, có khoản ngân sách hỗ trợ lãi suất cho chủ nhà trọ để sữa chữa nhà trọ hay không; hay các chính sách khác thuộc thẩm quyền TP thì nên ban hành sớm để kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp... Đồng thời có kế hoạch thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

THANH TUYỀN- NGUYỄN THẢO

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Cuối tuần, Công an TP HCM khám xét một trung tâm đăng kiểm (01/04/2023)

>   TS Trần Du Lịch: TP.HCM đã hoàn toàn bỏ công cụ đầu tư công trong lộ trình kích thích kinh tế (01/04/2023)

>   Hàng không là lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý 1/2023 (01/04/2023)

>   EVN lỗ hơn 26,200 tỷ đồng trong năm 2022 (31/03/2023)

>   Nhiều doanh nghiệp xe điện, điện tử quan tâm đến Vĩnh Phúc (31/03/2023)

>   Tổng vốn đầu tư trên địa bàn TPHCM quý 1 năm 2023 ước thực hiện hơn 69.6 ngàn tỷ đồng (31/03/2023)

>   Bị giục đàm phán về giá điện, EVN ‘gõ cửa’ Bộ Công Thương (30/03/2023)

>   Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Chống thất thu thuế, lo khó đón ''đại bàng'' FDI (30/03/2023)

>   Tập đoàn điện lực Việt Nam đối diện mức lỗ kỷ lục (29/03/2023)

>   Các ngân hàng Nhật Bản tài trợ tín dụng 300 triệu USD để Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo (29/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật