Thứ Năm, 30/03/2023 09:14

Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Chống thất thu thuế, lo khó đón ''đại bàng'' FDI

Nước ta có khoảng 36.500 dự án FDI đang có hiệu lực, trong đó, khoảng 3% dự án, doanh nghiệp được ưu đãi thuế và là đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước bài toán cân đối giữa chống thất thu thuế và thu hút “đại bàng” FDI, giải pháp nào giúp vẹn toàn đôi bên?

Tính đến hết 2022, vốn FDI đăng ký thực hiện tại Việt Nam đạt gần 440 tỷ USD, vốn thực hiện gần 274 tỷ USD. Cả nước có hơn 36.000 dự án FDI còn hiệu lực. Nhiều “đại bàng” FDI có thể kể đến như Samsung, Canon, Foxcom… Một trong những ưu đãi của Việt Nam dành cho FDI là chính sách giảm thuế TNDN. Hiện nay, thuế TNDN phổ thông ở mức 20% nhưng DN FDI được ưu đãi, giảm còn 12,3%. Với DN FDI lớn, sắc thuế này ở mức 10% trong cả đời dự án, miễn trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, DN đa quốc gia có doanh thu toàn cầu đạt trên 750 triệu Euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% lợi nhuận. Tại các nước mà DN phải nộp ở mức thấp hơn mức thuế này, DN đa quốc gia phải nộp bù số thuế còn thiếu so với thuế tối thiểu về quốc gia nơi đặt trụ sở chính. Điều này khiến nhà đầu tư FDI lo lắng.

Theo bà Hương Vũ, Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), thuế tối thiểu toàn cầu được rất nhiều DN và nhà đầu tư quan tâm. Chính sách thuế mới này không chỉ tác động đến DN mong muốn đầu tư mở rộng mà cả nhà đầu tư đang cân nhắc lựa chọn địa điểm cho hoạt động đầu tư của mình.

Tổ hợp Samsung Việt Nam là một trong các DN lớn sẽ chịu tác động nếu chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực Ảnh: Samsung

Là một trong số quốc gia có vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam, ông Yasuhisa Taninaka - Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, DN đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn tổng chi phí thuế phải chi trả, chứ không riêng thuế TNDN. Vì vậy, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Yasuhisa Taninaka đề xuất giải pháp bù trừ khoản thuế khác cho DN.

“Việc rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan ưu đãi thuế TNDN tại Luật thuế TNDN để không bị xói mòn cơ sở thuế. Mặt khác, vẫn đạt được mục tiêu trong thu hút nguồn vốn FDI, đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước”. Bộ Tài chính cho biết.

Cùng quan điểm, ông Kim Jin Seong, Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung đề xuất, Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Dựa trên mức thuế này, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư mới cho DN đầu tư tại Việt Nam. Điều này vừa đảm bảo lợi ích thu thêm thuế của Việt Nam, vừa có chính sách ưu đãi đầu tư mới tăng năng lực cạnh tranh cho DN, duy trì lợi ích cho DN và Chính phủ.

Là DN FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam, đại diện Canon đề xuất duy trì ưu đãi như hiện tại. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ cho DN chịu tác động chính sách thuế tối thiểu. Đại diện Canon dẫn ví dụ, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ tiền điện cho DN (để bù vào chi phí sản xuất, kinh doanh).

Để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất áp dụng biện pháp khuyến khích đầu tư, như: miễn thuế nhập khẩu; kéo dài thời gian miễn thuế đất; ưu đãi dựa trên chi phí nghiên cứu và phát triển.

Khấu trừ thuế khác để giảm tác động với DN FDI?

Việt Nam có khoảng 36.500 dự án FDI đang có hiệu lực. Trong đó, khoảng 3% dự án, DN được ưu đãi thuế và là đối tượng chịu tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế TNDN như một công cụ để tác động đến xu hướng đầu tư. Trong khi đó, trường hợp chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu là nhà đầu tư lớn nên việc áp dụng quy định mới sẽ làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút FDI. Đồng thời, gia tăng áp lực hành chính trong quá trình đầu tư.

Việc áp dụng nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu cũng được Bộ Tài chính đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN. Theo Bộ Tài chính, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nước ta là thành viên thứ 100 cùng hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). Trong chương trình BEPS, Bộ Tài chính Việt Nam theo dõi sát động thái trong thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Chính phủ đã thành lập tổ công tác chuyên về thuế tối thiểu toàn cầu với sự tham gia của các bộ, ngành và cộng đồng DN để đưa ra quy chế hoạt động.

“Bộ Tài chính dự thảo các biện pháp, giải pháp ứng phó, tận dụng cơ hội từ cải cách chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Trước mắt, bộ này dự kiến đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với DN và tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu. Sau đó sẽ ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn ở Việt Nam”, ông Minh nói.

Ngọc Linh

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Tập đoàn điện lực Việt Nam đối diện mức lỗ kỷ lục (29/03/2023)

>   Các ngân hàng Nhật Bản tài trợ tín dụng 300 triệu USD để Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo (29/03/2023)

>   Quý 1 năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2.2% so với cùng kỳ năm trước (29/03/2023)

>   Cán cân thương mại hàng hóa quý 1 năm 2023 ước tính xuất siêu 4.07 tỷ USD (29/03/2023)

>   Các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai kêu cứu vì thua lỗ nặng (29/03/2023)

>   Các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai kêu cứu vì thua lỗ nặng (29/03/2023)

>   Thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với kỳ năm trước (28/03/2023)

>   Hơn 500 người bị khởi tố vì liên quan sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm (28/03/2023)

>   Chủ tịch Quốc hội đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam (27/03/2023)

>   Những con số gây choáng về loạt 'đại bàng' Mỹ vừa đến Việt Nam (27/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật