Câu chuyện chuyển đổi số lĩnh vực chứng khoán
Chuyển đổi số được bắt đầu nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015 và phổ biến từ năm 2017. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được nhắc nhiều vào khoảng năm 2018. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tương Chính phủ phê duyệt vào ngày 03/06/2020.
Tài chính - Chứng khoán là một trong những nhóm ngành đang được yêu cầu phải chuyển đổi số mạnh mẽ. Những tiến bộ về công nghệ làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động của thị trường chứng khoán. Các hệ thống trực tuyến kết nối mọi thứ trở thành một thể thống nhất, khắc phục được trở ngại về không gian và thời gian.
Câu chuyện chuyển đổi, theo nhiều chuyên gia, không phải là sự thay đổi sang một mô hình kinh doanh, một dịch vụ hoàn toàn khác, mà thực tế nằm ở chính sự chuyển đổi trong bản thân của mỗi chủ thể, từ đó mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.
Trong xu hướng chuyển đổi số, các cấu phần của hệ thống tài chính như nền tảng giao dịch, cách thức giao dịch… đang thay đổi liên tục theo hướng số hóa và ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi vào hoạt động ngày 28/07/2000. Những ngày đầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư muốn mua hay bán chứng khoán phải lên sàn, trực tiếp viết phiếu lệnh giao dịch để công ty chứng khoán gọi điện cho người đại diện đơn vị đặt tại trung tâm giao dịch để nhập vào hệ thống phần mềm giao dịch.
Tới nay, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến. Công nghệ mở mới tài khoản eKYC (nhận diện khách hàng số) cũng đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống lõi, hệ thống quản lý, hệ thống kết nối giao dịch ở các công ty chứng khoán cũng đã được ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, giúp giảm bớt các khâu thủ công.
Về hạ tầng, hiện tại, UBCKNN, các Sở GDCK và VSD đã xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng CNTT. Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại UBCKNN được phát triển, nâng cấp để triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi cho ngành.
Cụ thể, UBCKNN đã đưa vào vận hành một số hệ thống CNTT như: Hệ thống SCMS, Hệ thống FMS, Hệ thống công bố thông tin IDS, Hệ thống FIMS; góp phần hỗ trợ các thành viên thị trường (công ty đại chúng, công ty chứng khoán, quản lý quỹ…) báo cáo và công bố thông tin trực tuyến an toàn, thuận tiện, đồng thời bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu cho quản lý, giám sát các đối tượng tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống lưu trữ ngành chứng khoán đã hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2016 với mục tiêu số hóa hồ sơ tài liệu, lưu trữ và quản lý các tài liệu tại UBCKNN.
UBCKNN được trang bị hệ thống giám sát TTCK (MSS) có khả năng hỗ trợ theo những yêu cầu nghiệp vụ, cho phép xác định tài khoản bất thường, phân tích phát hiện các giao dịch nội bộ, giao dịch thao túng thị trường nhằm phát hiện những vi phạm trên TTCK theo đúng quy định pháp luật...
Song song đó, các Sở GDCK và VSD hiện đang vận hành nhiều hệ thống phần mềm nghiệp vụ như các hệ thống giao dịch cổ phiếu, hệ thống giao dịch trái phiếu, hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, các hệ thống cung cấp thông tin, giám sát giao dịch, thanh toán bù trừ... cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ở phía CTCK, để bắt kịp nhu cầu khách hàng và sự phát triển của công nghệ, các công ty cũng áp dụng nhiều công nghệ mới như mở tài khoản trực tuyến eYKC, xây dựng các nền tảng giao dịch đa dạng, ứng dụng các dịch vụ mới như môi giới ảo (ibroker), giao dịch thuật toán, sao chép giao dịch (copytrading), dữ liệu lớn…
Với hiện trạng chuyển đổi số, nhà đầu tư giờ đây cũng đã quen với sự tiện lợi khi giao dịch chứng khoán trên các nền tảng số, không còn những thao thác thủ công hay phải tới quầy đặt lệnh như trước. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng là hoàn toàn có thể mở tài khoản và mua bán chứng khoán.
Trong định hướng chuyển đổi số, phía cơ quan quản lý cũng đang được đặt yêu cầu phải chuyển đổi số toàn diện về cả hạ tầng và quản lý giám sát. UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Trọng tâm là đề cao các vấn đề phát triển bền vững và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố ứng dụng những công nghệ mới trong công tác giao dịch, giám sát, vận hành các hệ thống thị trường, bắt kịp những thông lệ mới nhất của các thị trường chứng khoán quốc tế.
Một trong những trọng điểm về hạ tầng CNTT của ngành chứng khoán là Hệ thống giao dịch KRX. Hệ thống này nằm trong hợp đồng dịch vụ CNTT trị giá hơn 600 tỷ đồng giữa Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012. KRX đi vào vận hành sẽ nâng cao khả năng xử lý của hệ thống, tạo tiền đề triển khai nhiều sản phẩm mới cho ngành chứng khoán như giao dịch trong ngày (T+0), bán khống…
Ở góc độ Trung tâm lưu ký, hệ thống mới không cần nhà đầu tư phải ký quỹ 100% tiền để mua chứng khoán mà chỉ cần ký quỹ một lượng nhỏ 10 - 20% nhờ mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP), điều đó giúp nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn để mua được nhiều chứng khoán.
Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng cũng đặt ra nhiều yêu cầu với UBCKNN. Theo Quyết định 1484/2022, Bộ Tài chính đã giao cho UBCKNN chủ trì xây dựng khung pháp lý cho các dịch vụ công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi số đồng thời áp dụng công nghệ để giám sát thị trường.
Cụ thể, Bộ Tài chính giao UBCKNN xây dựng các quy định pháp luật cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán áp dụng các giải pháp nhận dạng khách hàng thông qua phương thức điện tử (yEKC); chủ trì, xây dựng khung thể chế cho các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) gắn liền với chính sách khuyến khích hoạt động và giao dịch doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
UBCKNN cũng phải nghiên cứu áp dụng công nghệ thu thập thông tin trên mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo trong việc giám sát tin đồn trên thị trường chứng khoán, chống các hành vi thao túng, giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, UBCKNN cũng được giao nghiên cứu triển khai công nghệ ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng và trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập báo cáo, quản lý giám sát công ty đại chúng và thành viên trên thị trường chứng khoán.
Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng - Trưởng đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM đánh giá, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thị trường chứng khoán, là yếu tố “sống còn” để phát triển thị trường, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ quan quản lý... Theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 20% trong GDP Việt Nam và đến năm 2030 sẽ chiếm tỷ trọng 30%; trong đó ngành tài chính - ngân hàng nằm trong những nhóm ngành ưu tiên phát triển nền kinh tế số.
Chuyển đổi số đang đứng trước vận hội lớn. Ông Năng khẳng định hiện tại là thời điểm vàng để ngành chứng khoán chuyển đổi số, trong bối cảnh thị trường có sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư thế hệ mới, nhạy bén với công nghệ..
Chí Kiên
Thiết kế: Tuấn Trần
FILI
|