Cổ phiếu vào diện cảnh báo, VEA nói gì?
Sau khi cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) đã có những phản hồi về phương án khắc phục.
Cụ thể, cổ phiếu VEA đã bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/04/2023 với lý do BCTC của Công ty trong 3 năm liên tiếp bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.
Về phương án khắc phục, Công ty cho biết trước mắt sẽ khắc phục các ý kiến kiểm toán ngoại trừ tồn tại trên BCTC hợp nhất 2022.
Đối với khoản phải thu, đơn vị kiểm toán chỉ ra tại 31/12/2022, Công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu hơn 166 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán. Liên quan đến vấn đề này, VEA cho biết Công ty đang rà soát hồ sơ, tích cực phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm rõ cơ sở pháp lý việc hỗ trợ vốn và lãi hỗ trợ vốn của VEA đối với các đơn vị thành viên. VEA sẽ thực hiện trích lập dự phỏng đối với các khoản hỗ trợ vốn và lãi hỗ trợ vốn sau khi có ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Đối với hàng tồn kho, đơn vị kiểm toán chỉ ra Công ty chỉ mới trích lập dự phòng giảm giả hàng tồn kho hơn 1 tỷ đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tốn dọng, chậm luân chuyển gần 124 tỷ đồng. Về phía VEA cho biết Công ty và các đơn vị thành viên đang khẩn trương xây dựng phương án đấu giá (theo lô, bán lẻ, khuyến mại,...) để tiêu thụ hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Công ty đang thực hiện mở rộng kênh bán hàng truyền thống (qua đại lý) trên toàn quốc, tích cực tham dự triển lãm về nông nghiệp để giới thiệu sản phẩm,... nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng tồn trong thời gian tới. Một số mặt hàng để xuất khẩu không còn khả thi, các đơn vị thành viên đã dựa vào tái sản xuất để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Cuối cùng là đối với các chi phí chờ xử lý, đơn vị kiểm toán chỉ ra VEA có một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị 407 tỷ đồng, bao gồm: chi phi lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của CTCP Vật tư và Thiết bị Toàn bộ (Matexim).
Về vấn đề trên, VEA cho biết giá trị chi phí chờ xử lý chủ yếu là chi phi khấu hao tài sản cố định, chi phí lại vay và một số chi phí khác của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện nay, Matexim đang xây dựng phương án tái sản xuất dự án Nhà máy sắt xốp, khoản chi phí chờ xử lý sẽ được phân bổ dần vào giá thành sản xuất khi Nhà máy tái hoạt động trở lại, thời gian phân bổ sự kiến bằng thời gian còn lại của dự án.
Hà Lễ
FILI
|