Bất chấp thách thức, nhiều ngân hàng vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận đầy khả quan Dù các doanh nghiệp được dự báo sẽ chứng kiến lợi nhuận năm nay suy yếu, nhưng đối với ngành ngân hàng, kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Sacombank vẫn tự tin đặt mục tiêu lãi trước thuế trong năm 2023 là 9.500 tỉ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022. Ảnh: THÀNH HOA |
Mục tiêu khả quan
Dù chỉ thực hiện được 55% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2022 vừa qua với lãi trước thuế hơn 1.700 tỉ đồng, giảm 13% so với năm 2021, ABBank vẫn khá tự tin khi đề ra kế hoạch lãi trước thuế trong năm 2023 là 2.826 tỉ đồng, tức tăng mạnh 68% so với kết quả năm 2022. Tuy nhiên, có thể thấy con số này vẫn thấp hơn mức kế hoạch của năm 2022 là 3.079 tỉ đồng.
Đang trong lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu, Sacombank vẫn tự tin đặt mục tiêu lãi trước thuế trong năm 2023 là 9.500 tỉ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022, cho thấy ngân hàng này dường như đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang tích cực xử lý những hậu quả cũ để lại, kỳ vọng có những khoản thu nhập bất thường lớn từ công tác xử lý nợ.
VietBank – một ngân hàng quy mô nhỏ, cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh cho năm 2023, với mục tiêu lãi 960 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2022. Trong khi đó, OCB dự kiến trình cổ đông mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 là 6.000 tỉ đồng, tăng mạnh 37% so với năm 2022. Kế hoạch lãi trước thuế năm 2023 của Saigonbank cũng tăng 27% so với năm 2022, với 300 tỉ đồng, theo đó nếu đạt kế hoạch này, đây sẽ là con số lợi nhuận cao nhất của Saigonbank trong 10 năm qua và chỉ thấp hơn mức thực hiện được trong giai đoạn 2010-2012.
Nhóm đặt kế hoạch tăng trưởng trung bình gồm có ACB – đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 là 20.058 tỉ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022. MBBank dự kiến lãi 26.100 tỉ đồng, tăng 15%; VIB dự kiến lãi 12.200 tỉ đồng, tăng 15,3%; còn tại VPBank là hơn 24.000 tỉ đồng, tăng 13% và TPBank là 8.700 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2022.
Trong khi đó, SHB đặt ra hai phương án kế hoạch dựa trên mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 10% và 14%, tương ứng với mục tiêu lãi trước thuế lần lượt là 10.285 tỉ đồng, tăng 6,1% và lãi 10.626 tỉ đồng, tăng 9,67% so năm 2022.
Một trong những động lực quan trọng nhất giúp các ngân hàng vẫn kỳ vọng lạc quan về lợi nhuận trong năm nay đó là quy mô kinh doanh của nhiều ngân hàng đã tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua, cụ thể là quy mô dư nợ tín dụng, từ đó tạo tiền đề cho khả năng sinh lãi trong năm nay. |
Một số ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn, chỉ từ 10-20%, nhưng nếu so với mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác dự kiến sẽ sụt giảm đáng kể trong năm nay, rõ ràng lợi nhuận của các ngân hàng này vẫn cho thấy diễn biến khả quan hơn rất nhiều, cho thấy ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực hiếm hoi “ăn nên làm ra” bất chấp những thách thức mà nền kinh tế đang đối mặt.
Như vậy, dù được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức trong hoạt động kinh doanh ở năm 2023 này, từ tăng trưởng tín dụng chậm lại, chi phí vốn đầu vào gia tăng, rủi ro nợ xấu lớn hơn, cũng như các mảng thu nhập ngoài lãi từ hoạt động liên kết bán bảo hiểm hay trái phiếu… bị ảnh hưởng do sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, kế hoạch lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng công bố gần đây vẫn cho thấy khả quan, khi có mức tăng trưởng lên đến vài chục phần trăm.
Động lực nào kéo lợi nhuận?
Một trong những động lực quan trọng nhất giúp các ngân hàng vẫn kỳ vọng lạc quan về lợi nhuận trong năm nay đó là quy mô kinh doanh của nhiều ngân hàng đã tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua, cụ thể là quy mô dư nợ tín dụng, từ đó tạo tiền đề cho khả năng sinh lãi trong năm nay.
Với tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2022 là 14,5%, trong đó một số ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng gần 20% hoặc thậm chí hơn, lượng dư nợ tăng thêm đó, đặc biệt dồn vào những tháng cuối năm, nếu tiếp tục được duy trì sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Dù hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu mà các ngân hàng được phân bổ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hồi đầu tháng 3 vừa qua khá khiêm tốn, nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng tự đặt ra để trình đại hội đồng cổ đông để phấn đấu cao hơn rất nhiều. Đơn cử như VPBank có kế hoạch dư nợ cấp tín dụng tăng đến 33%; OCB đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ thị trường 1 là 20%, TPBank dự kiến tăng 18%, MBBank tăng 15%, VietBank và Sacombank tăng 12%.
Dù các ngân hàng cho rằng sẽ điều chỉnh linh hoạt theo phân bổ của NHNN, nhưng có lẽ các tổ chức này vẫn kỳ vọng vào một con số tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm nay, có thể sẽ được mở rộng hơn vào nửa cuối năm, do đó đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng cao tương ứng là điều tất yếu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với thách thức suy giảm, một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng rộng mở hơn đang được nhắc lại gần đây.
Với câu chuyện áp lực chi phí vốn đầu vào tăng lên, thực tế đang được hóa giải dần qua hàng loạt động thái giảm lãi suất tiền gửi liên tục của các ngân hàng từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, sau hai lần giảm lãi suất điều hành của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế trong tháng 3, mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm rất mạnh, theo đó được kỳ vọng sẽ kéo chi phí vốn của các ngân hàng ổn định lại ở mức thấp như thời điểm trước quí 4 năm ngoái.
Đáng lưu ý là trong khi lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh gần đây, lãi suất cho vay dường như đang giảm chậm hơn. Nếu diễn biến này tiếp tục được duy trì, biên độ lãi ròng (hệ số NIM) của các ngân hàng sẽ có xu hướng mở rộng trở lại, có thể đóng góp quan trọng vào mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.
Bên cạnh đó, có thể thấy là năm 2023 tiếp tục chứng kiến các ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn khủng, từ phương án bán vốn cho cổ đông nước ngoài, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2.
Nguồn vốn tăng thêm cũng sẽ giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn, có được nguồn vốn phục vụ các chiến lược phát triển kinh doanh trung và dài hạn, cũng như yêu cầu các ngân hàng phải đặt kế hoạch lợi nhuận cao để đảm bảo duy trì các hệ số sinh lời, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.
Ngoài ra, các khoản thu nhập bất thường từ kế hoạch xử lý, thu hồi nợ xấu, hay việc các ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại danh mục tín dụng, tập trung vào những phân khúc có biên độ lãi suất tốt hơn, đồng thời tăng cường bán chéo các sản phẩm vẫn còn dư địa phát triển để gia tăng thu nhập ngoài lãi, cũng sẽ là những động lực giúp kéo lợi nhuận của các ngân hàng.
Như đã nói, dù các doanh nghiệp được dự báo sẽ chứng kiến lợi nhuận năm nay suy yếu, nhưng đối với ngành ngân hàng, kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực. Trong dự báo mới nhất, Công ty chứng khoán SSI cho rằng một số ngân hàng sẽ tăng trưởng lợi nhuận âm trong quí 1-2023, nhưng vẫn có ngân hàng tiếp tục bứt phá.
Như Vietcombank lợi nhuận trước thuế quí 1 dự kiến đạt 10.500-11.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; BIDV tăng khoảng 32-39% trong khi VietinBank chỉ tăng nhẹ 3%. Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Sacombank dự đoán tăng trưởng lợi nhuận quí 1 có thể lên tới 70% xuất phát từ nền thấp cùng kỳ năm ngoái; MBBank và VIB có thể tăng từ 10-18%, ACB tăng 16,7-21,6%. Ngược lại, hai ngân hàng bị SSI dự báo tăng trưởng âm trong quí 1 năm nay là MSB và Techcombank.
Thực tế là trong năm 2023 này, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Techcombank đề ra ở mức 22.000 tỉ đồng, giảm 14% so với năm 2022, dù dư nợ tín dụng vẫn dự kiến tăng 15% so với đầu năm. Trong khi đó, VietinBank chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2023 mà chỉ cho biết sẽ theo sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Năm 2022, gần đến cuối năm VietinBank mới công bố chính thức con số kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.
Tuệ Nhiên TBKTSG
|