Cải thiện tăng trưởng năm 2023: Hạ nhiệt lãi suất ngắn hạn, cải cách cho tương lai Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quí 1-2023 thấp hơn tất cả các dự báo trước đó của các tổ chức kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, các quí còn lại mức tăng trưởng trung bình cần đạt là 7,5%. Liệu mức mục tiêu này có khả thi?
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn trao đổi với các chuyên gia xung quanh vấn đề làm thế nào để cải thiện tăng trưởng trong các quí tới từ xuất phát điểm thấp hiện nay.
Một số chuyên gia cho rằng, để cải thiện tăng trưởng cho năm 2023, cơ quan quản lý cần thực hiện các giải pháp như hạ nhiệt lãi suất ngắn hạn và thực hiện tốt các chính sách trong nước. Ảnh minh họa: THÀNH HOA |
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital: Chìa khóa là giảm lãi suất và kích cầu du lịch
Điều cần ghi nhận là kinh tế quí 1 vẫn tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, ở mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp gần nhất trong các quí 1 của 13 năm qua. Tăng trưởng GDP thấp như vậy nguyên nhân do đâu? Nhìn vào cơ cấu GDP Việt Nam có thể thấy tăng trưởng phụ thuộc vào hai lĩnh vực là công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Hai lĩnh vực này chi phối lớn với mức đóng góp khoảng 80% tổng sản phẩm quốc nội.
Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47% GDP nhưng đã giảm 0,4% trong quí 1. Điểm tiêu cực đang nằm ở chỉ số sản xuất công nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là nhu cầu trong nước thấp, hàng hóa trong nước chịu sức ép cạnh tranh từ nước ngoài. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn đang ở mức cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.
Một yếu tố quan trọng khác là nhu cầu thị trường quốc tế thấp, đơn đặt hàng và lượng hàng xuất khẩu sụt giảm sẽ còn kéo dài. Lãi suất tại Mỹ và EU – hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2023 neo ở mức cao kéo theo mức cầu tiêu dùng giảm.
Tuy nhiên, những yếu tố về cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế rất khó để tác động. Để giải quyết vấn đề, điều chúng ta có thể tác động đến là lãi suất. Môi trường lãi suất cao khó để thúc đẩy sản xuất khi người dân, doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư kinh doanh. Người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn rất khó để tiêu dùng trong nước có sự thay đổi tích cực.
Mặt khác, nhìn sâu vào số liệu có thể thấy trong bức tranh chung khá u ám, lĩnh vực dịch vụ (chiếm 43,65% GDP) vẫn tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 1 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Bán lẻ hàng hóa tăng 11,4%, lưu trú và ăn uống tăng 28,4%. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch lữ hành tăng 119,8% dù giá trị tuyệt đối còn khá khiêm tốn với 6.800 tỉ đồng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phải tập trung vào phần dịch vụ này do tỷ trọng lớn và dư địa lớn.
Lạm phát và tăng trưởng luôn là hai chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ. Năm nay với chính sách đẩy mạnh đầu tư công, chúng ta đã chấp nhận một mức lạm phát kế hoạch cao hơn là 4,5% thay vì 4% để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Tuy nhiên, với tình hình suy thoái từ thị trường thế giới, vấn đề lạm phát có thể được kiểm soát thì mục tiêu cần là tăng trưởng thông qua không thắt chặt chính sách tiền tệ và đẩy nhanh đầu tư công.
Để tác động lên tổng cầu của nền kinh tế, chính sách tài khóa với tác động từ đầu tư công sẽ đến chậm hơn chính sách tiền tệ. Năm nay mục tiêu là tăng trưởng GDP, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có những chính sách linh hoạt dựa trên điều kiện của Việt Nam để có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% sẽ rất thách thức trong năm 2023.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM): Thực hiện tốt các chính sách trong nước
Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam còn nhiều trắc trở khó khăn, rõ nhất qua con số tăng trưởng quí 1-2023. Các vùng động lực tăng trưởng như TPHCM tăng trưởng thấp, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều sụt giảm. Tuy nhiên, những khó khăn này không phải kết quả bất ngờ trong bối cảnh những cơn gió ngược từ bên ngoài và các vấn đề tồn tại trong nước vẫn đang phải xử lý, nhất là tài chính tiền tệ.
Làm thế nào để giảm thiểu được những khó khăn ấy trong thời gian tới? Với vấn đề từ bên ngoài, chúng ta chỉ có thể hy vọng chúng được cải thiện, rất khó để có thể thay đổi được. Hy vọng “bầu trời” bên ngoài tươi sáng hơn, những khó khăn từ thế giới suy giảm, Trung Quốc – đối tác lớn của Việt Nam phục hồi tốt hơn, áp lực lãi suất, tỷ giá giảm bớt, những rủi ro ngân hàng bắt nguồn từ Mỹ không lan rộng.
Từ trong nước, dù quá trình phục hồi kinh tế khó khăn và trắc trở nhưng cũng có một số điểm sáng từ tiêu dùng, du lịch. Dù kết quả chưa được như kỳ vọng nhưng đã có sự tăng trưởng, việc cần làm trong thời gian tới là đẩy mạnh các động lực này.
Cùng với đó, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề đang tồn tại như ở thị trường tài chính, giải quyết các vấn đề về lãi suất. Các chính sách phải được thực hiện tốt, như giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công và vốn từ các chương trình phục hồi kinh tế. Với tất cả những nỗ lực ấy, dù khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 nhưng kết quả cũng sẽ khả quan hơn.
GS.TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Cải cách vì tăng trưởng bền vững dài hạn
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quí 1-2023 phản ánh nền kinh tế còn đang rất khó khăn trên con đường hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Sự suy giảm kinh tế thế giới nói chung cộng với triển vọng ảm đạm từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và EU, cùng với nguy cơ lạm phát cao toàn cầu còn dai dẳng… sẽ tác động tới kinh tế quí 2 và cả năm 2023.
Vấn đề lãi suất trong nước, đi kèm là tín dụng và tỷ giá vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn với nền kinh tế Việt Nam. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm nhanh lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là khó khăn. Bên cạnh sức ép lạm phát từ trong nước, các đối tác lớn duy trì thắt chặt tiền tệ, tỷ giá tăng, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cảnh báo cao so với các nước trong khu vực và trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp là một thách thức. Cùng với đó, hệ thống tài chính – ngân hàng còn chưa lành mạnh một cách bền vững, việc giám sát thị trường tài chính còn yếu kém cũng khiến các chính sách tài chính gặp khó hơn.
Để kinh tế phục hồi, bên cạnh những giải pháp ứng phó linh hoạt với các cú sốc, vấn đề cốt lõi nhất vẫn phải là cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là thể chế kinh tế, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, và giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Về chính sách tài khóa, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế giai đoạn tới cần chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Để đẩy nhanh đầu tư công, Việt Nam cần có những giải pháp cả về ngắn hạn và dài hạn.
Với chính sách tiền tệ, trong ràng buộc bộ ba bất khả thi, Việt Nam cần lựa chọn ưu tiên chính sách tiền tệ độc lập là mục tiêu quan trọng nhất. Trong dài hạn, NHNN cần chuyển sang cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn khi theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu, thị trường tài chính lành mạnh và có cơ chế giám sát rủi ro hữu hiệu…
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này chưa thể thực hiện, việc điều hành tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bám sát thị trường, tránh những cú sốc trong bối cảnh các nền tảng vĩ mô chưa thực sự ổn định.
Trong năm 2023, tôi cho rằng NHNN cần áp dụng công cụ hạn mức tín dụng một cách linh hoạt hơn, với tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của từng ngân hàng thương mại. Cơ quan điều hành có thể cân nhắc dừng gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi kinh tế để chuyển nguồn lực sang các gói hỗ trợ khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, Việt Nam cần tích cực thúc đẩy quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính.
Hoàng Minh TBKTSG
|