ADB: Giá dầu tăng mạnh sẽ gây khó khăn cho các NHTW châu Á
Giá dầu cao sẽ gây thách thức cho khu vực châu Á trong quá trình chống lạm phát, Albert Park, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận định.
Hầu hết kinh tế châu Á đều nhập khẩu dầu, như Indonesia và những quốc gia ở Trung Á, ông Park cho biết. Kết quả là đợt giảm sản lượng dầu đột ngột của OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng mạnh, vị chuyên gia cho biết thêm.
* Giá dầu tăng vọt 8% khi OPEC+ giảm sản lượng
* Một loạt quốc gia OPEC+ tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ
“Trong bối cảnh OPEC+ cắt giảm sản lượng và nhu cầu từ Trung Quốc có thể gia tăng, chúng tôi dự báo giá dầu có thể tăng vượt dự báo 88 USD/thùng”, ông nói trên chương trình “Squawk Box Asia” trong ngày 04/04. “Điều này sẽ gây áp lực lên châu Á vì giá dầu cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất và cả áp lực lạm phát”.
Vị chuyên gia này nói thêm với mức giá dầu cao, các chính quyền ở châu Á phải đưa ra “quyết định khó khăn về việc cố gắng kiểm soát lạm phát đồng thời phải hỗ trợ kinh tế hồi phục”.
Trong ngày 02/04, một vài thành viên OPEC+ cho biết họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng tổng cộng 1.16 triệu thùng/ngày. Đây là động thái độc lập với chiến lược sản lượng của liên minh OPEC+. Cách đây 6 tháng, liên minh này cũng quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Lạm phát hạ nhiệt
Ông Park cho biết lạm phát ở khu vực châu Á đang “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, “lạm phát lõi – loại trừ thực phẩm và năng lượng – vẫn cao hơn mức bình thường” ở nhiều quốc gia châu Á, ông nói thêm.
“Các cơ quan tiền tệ cần phải cảnh giác và chúng ta có thể chưa thấy điểm kết thúc của quá trình nâng lãi suất ở châu Á”, ông Park cho biết. “Tuy nhiên, chắc chắn là lạm phát đã chậm lại đáng kể”.
Lạm phát được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt trong năm nay và năm 2024, dần dần dịch chuyển về mức trước dịch, ADB cho biết trong báo cáo triển vọng công bố vào ngày 04/04. Lạm phát tổng thể được kỳ vọng giảm tốc xuống mức 4.2% trong năm 2023 và 3.3% trong năm 2024.
“Lãi suất cao hơn và giá hàng hóa vẫn cao sẽ định hình triển vọng lạm phát của khu vực châu Á. Tuy vậy, lạm phát tổng thể có thể vẫn đi ngang trong năm nay ở khu vực Đông Á và giảm ở các khu vực nhỏ khác”, trích từ báo cáo của ADB.
Tác động của quá trình tái mở cửa kinh tế Trung Quốc
ADB cho biết triển vọng của các nền kinh tế châu Á đã cải thiện kể từ khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero COVID.
Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển tại châu Á được dự kiến ở mức 4.8% trong năm 2023 và năm 2024. Trong đó, Nam Á được dự báo tăng trưởng nhanh hơn các khu vực khác.
“Trước khi Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero COVID, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4.3% trong năm 2023. Tuy nhiên, sau thông tin kết thúc chính sách Zero COVID, chúng tôi đã nâng dự báo lên 5%”, ông Park nhận định.
“Nếu người tiêu dùng Trung Quốc trở lại, đây sẽ là một điều rất tốt cho châu Á. Trung Quốc rõ ràng là một nguồn nhu cầu lớn với nhiều hàng hóa trong khu vực”, vị chuyên gia kinh tế nhận định.
Quan trọng hơn, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng “bám sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu tại châu Á”, ông nói thêm. “Việc không có rủi ro phong tỏa ở Trung Quốc thật sự đã giải phóng chuỗi cung ứng và đây có thể là cú huých cho châu Á”.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo vẫn còn “những thách thức” có thể kìm hãm đà hồi phục của kinh tế châu Á.
“Sự hỗn loạn gần đây trong hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu là một chỉ báo cho thấy rủi ro gây bất ổn tài chính đã tăng cao. Các nhà hoạch định chính sách nên cảnh giác trong môi trường lãi suất ngày càng tăng và nợ cao”, ADB cho biết.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|