Thủ tướng Đức: "Không có lý do để lo ngại về Deutsche Bank"
Ngày 24/03, các lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh lĩnh vực ngân hàng của châu Âu vẫn ổn định và lành mạnh. Thông điệp này được đưa ra sau cú giảm đột ngột của giá cổ phiếu Deutsche Bank.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Deutsche Bank là doanh nghiệp kinh doanh có lãi và không có lý do để lo ngại.
Ngân hàng Đức này "đã hiện đại hóa cách thức hoạt động. Đây là một ngân hàng có lãi lớn và chẳng có lý do gì phải lo ngại", ông nói.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz
|
Cổ phiếu Deutsche Bank có lúc giảm hơn 14% trong ngày 24/03 sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này tăng vọt.
Diễn biến này xảy đến chỉ vài ngày sau thương vụ thâu tóm khẩn cấp Credit Suisse của UBS và vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Cùng với đó là hàng loạt động thái từ giới chức trên toàn cầu để ngăn rủi ro lây lan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói với các phóng viên ở Brussels rằng hệ thống ngân hàng vẫn vững chắc, trong khi Chủ tịch NHTW châu Âu Christine Lagarde cho biết khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn đứng vững vì sở hữu vị thế vốn và thanh khoản mạnh.
"Lĩnh vực ngân hàng ở Eurozone vẫn mạnh vì chúng ta đã triển khai cải cách về quy định với các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu", bà cho biết.
Trước đó, 27 vị lãnh đạo đã hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Brussels. Địa chính trị là chủ đề chiếm ưu thế trong ngày họp đầu tiên, nhưng sau đó sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng trở thành chủ đề chính trong ngày 24/03.
Trước thềm cuộc họp, các quan chức châu Âu thể hiện sự tức giận khi nước Mỹ đã quá lơi lỏng kiểm soát và dẫn tới vụ sụp đổ của SVB, Signature Bank. Họ tỏ ra lo ngại về rủi ro lan truyền tới lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu.
"Lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu đã mạnh hơn nhiều vì chúng ta đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết.
Sau cú sốc năm 2008, các ngân hàng châu Âu trải qua cuộc tái cấu trúc trên diện rộng và đã củng cố đáng kể bảng cân đối kế toán.
Tuy nhiên, EU vẫn dễ tổn thương trước các cú sốc khi họ sở hữu một liên minh tiền tệ, trong đó 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, nhưng lại thiếu một liên minh về tài khóa. Chính sách tài khóa vẫn thuộc trách nhiệm của từng quốc gia thay vì thuộc về một định chế duy nhất.
"Chúng ta cần tiến tới hoàn thiện liên minh ngân hàng. Còn nhiều việc phải làm để tạo ra thị trường vốn châu Âu thực sự", bà Lagarde nói với 27 lãnh đạo EU trong ngày 24/03.
Liên minh ngân hàng là một bộ luật được đưa ra vào năm 2014 để góp phần giúp các ngân hàng châu Âu trở nên mạnh mẽ hơn. Cuộc tranh luận nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng việc lãi suất cao có thể kéo dài đã khiến vấn đề này trở nên cấp bách hơn.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|