Giới đầu tư châu Á đứng ngồi không yên khi Credit Suisse được xoá nợ 17 tỷ đô trái phiếu AT1
Thương vụ UBS mua lại Credit Suisse đã giáng một đòn mạnh vào các ngân hàng và các nhà đầu tư tại châu Á vốn đang lao đao sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ hồi đầu tháng này.
Kế hoạch giải cứu Credit Suisse do cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ thiết kế được công bố chỉ vài giờ trước khi thị trường mở cửa giao dịch ở châu Á ngày 20/03, sau đó là hành động phối hợp từ 6 ngân hàng trung ương nhằm tăng cường thanh khoản cho đồng đô la Mỹ.
Các điều khoản của việc giải cứu cũng bao gồm việc xóa sổ các trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse, còn được gọi là trái phiếu AT1. Quyết định này, do Cơ quan Giám sát Thị trường tài chính Thụy Sỹ đưa ra, sẽ xóa sổ khoảng 16 tỷ franc Thụy Sỹ (17.2 tỷ USD) giá trị danh nghĩa của trái phiếu AT1 do Credit Suisse phát hành.
Cơ quan điều hành của Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ đã ban hành một sắc lệnh khẩn cấp cho phép việc sáp nhập được thực hiện mà không cần sự chấp thuận của các cổ đông của UBS và Credit Suisse nhằm củng cố sự chắc chắn của thỏa thuận. Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann nhấn mạnh tính chất bất thường của hoàn cảnh và cho biết ngân hàng buộc phải đạt được giải pháp ngay lập tức.
Cổ phiếu tài chính giảm sốc
Việc này đã khiến làn sóng bán tháo cổ phiếu tài chính ở châu Á, bắt đầu từ sự sụp đổ của SVB, thêm trầm trọng. Cổ phiếu của các ngân hàng hàng đầu Nhật Bản, như Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và Tập đoàn tài chính Mizuho, đều giảm ít nhất 10% kể từ tuần trước.
Giá cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của HSBC Holdings và Standard Chartered, hay cổ phiếu của các ngân hàng địa phương như Bank of East Asia và Hang Seng Bank, cũng đồng loạt giảm.
Những người hoạt động trong ngành tài chính ở châu Á đều cho rằng phần lớn cú sốc giảm giá đó đến từ việc xóa sổ trái phiếu AT1.
“Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến châu Á, đặc biệt là ở Singapore và Hồng Kông”, Giám đốc chi nhánh Singapore của một ngân hàng Đức nói với Nikkei Asia. Nhà băng này giao dịch với các ngân hàng tư nhân có nhà đầu tư vào AT1.
Trái phiếu AT1 chủ yếu do các ngân hàng châu Âu phát hành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để tăng vốn mà không phải phát hành cổ phần mới. Loại trái phiếu này đặc biệt phổ biến với các khách hàng giàu có ở châu Á do lợi nhuận tương đối cao hơn và rủi ro mất gốc thấp.
Thị trường trái phiếu AT1 ế ẩm
Nhà tư vấn tài chính người Pháp Lazard Freres Gestion ước tính quy mô thị trường của trái phiếu AT1 là 254 tỷ USD tính đến tháng 09/2020. Các nhà đầu tư châu Á dường như chiếm phần lớn, khoảng 46 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Pimco, Invesco và Legg Mason nằm trong số những công ty nắm giữ nhiều trái phiếu AT1 nhất của Credit Suisse.
Vị giám đốc chi nhánh Singapore của ngân hàng Đức cho biết ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi hồi đầu tuần này về việc bán trái phiếu AT1 do các ngân hàng khác phát hành. Tuy nhiên, ông cho hay: “Giờ không ai mua cả”.
Giám đốc bán hàng cấp cao tại chi nhánh Hồng Kông của một công ty quản lý tài sản Mỹ có liên quan đến trái phiếu AT1 thông qua một sản phẩm ETF cho biết ông đã nhận được cuộc gọi từ các nhà đầu tư liên quan đến những rủi ro liên quan đến việc nắm giữ những trái phiếu này.
“Các nhà đầu tư đã đặt cược giảm vào các giao dịch trái phiếu AT1 ngay khi có tin tức tiêu cực nhỏ”, người này cho biết.
Kể từ đầu tuần này, trên thị trường châu Á , trái phiếu AT1 chịu áp lực bán mạnh và giá đấu thầu cho trái phiếu AT1 của các ngân hàng lớn đều giảm.
Khách hàng của các ngân hàng tư nhân ở châu Á dẫn đầu lượng bán ra trong phiên 20/03, trong đó một số người bán hoảng loạn đã khiến giá AT1 do các ngân hàng ở châu Á phát hành giảm 2 - 10 điểm, tùy thuộc vào quốc gia. Dù đã phục hồi phần nào vào ngày 21/03 nhưng AT1 của châu Á vẫn thấp hơn tuần trước.
Hai nhân viên ngân hàng tư nhân cho biết động thái bán tháo xuất phát một phần từ những khách hàng giàu có sử dụng đòn bẩy và nhận được các lệnh gọi ký quỹ.
Trong cuộc họp chiều ngày 20/03, cơ quan quản lý tài chính Hồng Kông đã cố gắng xoa dịu tâm lý thị trường.
Julia Leung, Giám đốc điều hành của Ủy ban Chứng khoán và Tương lai Hồng Kông, cho biết cơ quan quản lý không nhận thấy bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào liên quan đến sự kiện của Credit Suisse đối với thị trường tài chính nội địa. Bà nhấn mạnh rằng trái phiếu AT1 được bán chủ yếu cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và ngân hàng tư nhân, những người cần có hiểu biết đúng đắn về rủi ro.
Các nhà đầu tư bán lẻ ở châu Âu thường không nắm giữ AT1 và họ bị cấm làm như vậy ở các khu vực có quyền tài phán, bao gồm Vương quốc Anh. Ở châu Á, các công cụ này phổ biến với giới giàu có, những người vốn đánh giá cao thương hiệu và lợi suất. Trái phiếu AT1 của Credit Suisse phát hành năm ngoái và trả lãi suất 9.75% đặc biệt phổ biến.
Nhân viên ngân hàng cho biết họ không thể tiết lộ danh tính của khách hàng nhưng họ là những người giàu có ở châu Á làm việc tại Singapore và Hồng Kông, bao gồm các văn phòng gia đình vừa và nhỏ.
Tác động lớn hơn
Song, những người khác nhìn thấy tác động lớn hơn.
Việc xóa sổ các AT1 của Credit Suisse đã khiến các nhà đầu tư choáng váng vì nó buộc một số trái chủ phải chịu khoản lỗ lớn hơn so với các cổ đông, làm đảo lộn hệ thống phân cấp chủ nợ truyền thống.
Theo Amin Rajan, Giám đốc điều hành của CREATE-Research, một công ty nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Vương quốc Anh, việc xóa sổ trái phiếu AT1 của Credit Suisse sẽ đặt ra nghi vấn về việc sử dụng trái phiếu AT1 làm bộ đệm theo quy định.
“Ngành ngân hàng nói chung sẽ vẫn nằm trong tâm bão hiện nay, nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Quy mô của việc xóa sổ lần này lớn đến mức lĩnh vực ngân hàng sẽ không còn được các nhà đầu tư ưa chuộng cho đến khi mọi chuyện lắng xuống”, ông Rajan nói.
Một số nhà đầu tư cũng lo lắng rằng lượng phát hành trái phiếu AT1 mới có thể giảm mạnh sau khi Credit Suisse bị tiếp quản.
Louis-Vincent Gave, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Gavekal Research, thậm chí còn cho rằng cách đối xử với trái phiếu AT1 của Credit Suisse về cơ bản đã phá vỡ thị trường, nghĩa là “trong cuộc khủng hoảng tiếp theo, các ngân hàng sẽ phải cấp vốn cho chính mình theo những cách mới, hoặc các cổ đông đơn giản là sẽ phải đối mặt với sự pha loãng rất lớn”.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia, FT)
FILI
|