Thụy Sĩ ‘vã mồ hôi’ với cuộc ‘hôn nhân’ vội vã giữa UBS và Credit Suisse
Cuộc “hôn nhân sắp đặt” giữa UBS và Credit Suisse tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn chưa từng thấy ở Thụy Sĩ. Một số ý kiến hoài nghi rằng một siêu nhà băng không hẳn đã là điều tốt.
Logo của UBS và Credit Suisse trước khi sáp nhập. Ảnh: AP
|
Thỏa thuận đạt được hôm 19/3 giúp ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ.
Trước khi diễn ra thương vụ mua lại, cả UBS và Credit Suisse đều đã nằm trong danh sách 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng chiến lược trong hệ thống ngân hàng toàn cầu và quá lớn để có thể sụp đổ.
Một số người trong ngành và giới chính trị không tin rằng một ngân hàng lớn hơn sẽ tốt hơn. Đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Những thương vụ mua lại lớn như vậy thường phải mất mấy tháng đàm phán, nhưng UBS đưa ra quyết định chỉ sau vài ngày, dưới sức ép của giới chức Thụy Sĩ.
Tổng giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers thừa nhận tại một hội nghị rằng ông vẫn chưa nắm được hết các chi tiết của thỏa thuận mua lại.
Được Alfred Escher, cha đẻ của ngành đường sắt Thụy Sĩ, thành lập năm 1856, Credit Suisse liên quan chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngân hàng này cấp vốn để mở rộng mạng lưới đường sắt, xây đường hầm Gothard dưới núi Alps, các công ty khởi nghiệp sau này trở thành đầu tàu trong ngành của họ.
Ngành ngân hàng Thụy Sĩ đã trải qua một sự kiện sáp nhập lớn năm 1998, khi Swiss Bank Corporation sáp nhập với Union Bank of Switzerland để tạo nên UBS ngày nay.
Theo các chuyên gia, việc gộp các ngân hàng lại sẽ làm giảm tính cạnh tranh và không tạo nên điều kiện tài chính tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc tiếp quản cưỡng ép cũng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ trong giới chính trị. Các chính trị gia kêu gọi phải thắt chặt kiểm soát hơn nữa, dù việc kiểm soát vốn đã chặt chẽ ở Thụy Sĩ, sau khi siêu ngân hàng ra đời sẽ thống trị ngành ngân hàng của quốc gia.
Vụ sụp đổ của Credit Suisse giáng một đòn mạnh vào danh tiếng ổn định của Thụy Sĩ.
“Vị thế của Thụy Sĩ như một trung tâm tài chính của thế giới đã sụp đổ. Quốc gia này giờ bị nhìn nhận như một nước cộng hòa chuối về tài chính”, Octavio Marenzi, CEO của hãng tư vấn Opimas, viết trong một bản đánh giá.
“Thất bại của Credit Suisse sẽ gây tác động nghiêm trọng lên các tổ chức tài chính khác của Thụy Sĩ. Danh tiếng của nước này về quản lý tài chính thận trọng, giám sát chặt chẽ đã tiêu tan”, Marenzi nhận xét.
Tú Linh (Theo CNBC)
Tiền phong
|