Thị trường bất động sản ảm đạm: Trung Quốc dồn lực cho kênh đầu tư khác
Việc Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) vẫn hoạt động độc lập như đề xuất cải tổ chỉ ra rằng các nhà chức trách Trung Quốc nhận thấy quy mô và vai trò của của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đang tăng lên trong những năm tới, vượt mặt bất động sản trở thành kênh đầu tư tiềm năng.
Trung Quốc trong tuần này công bố kế hoạch cải cách bộ máy quản lý mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên. Cụ thể, trong phương án cải cách vừa đệ trình Quốc hội Trung Quốc hôm 7-3, Trung Quốc sẽ thành lập một siêu cơ quan quản lý để giám sát tài sản ngân hàng và bảo hiểm trị giá 400 ngàn tỉ nhân dân tệ (tương đương 57,7 ngàn tỉ USD), một phần trong kế hoạch cải cách sâu rộng mà Bắc Kinh hy vọng sẽ tăng cường khả năng kiểm soát rủi ro và chống lại các yếu tố thách thức từ bên ngoài.
Thị trường chứng khoán sẽ sớm "soán ngôi"?
Một trong những điểm nổi bật của cuộc cải tổ là thiết lập một cơ quan quản lý tài chính quốc gia có tên gọi Ủy ban Quản lý Tài chính quốc gia để đảm trách một số nhiệm vụ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc sẽ bị xóa bỏ. Trong khi đó, Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) sẽ được nâng lên thành cơ quan chính phủ trực thuộc Quốc vụ viện (tức chính phủ Trung Quốc). Mục đích là để giải quyết các xung đột và vấn đề tồn đọng từ lâu trong lĩnh vực tài chính.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg, việc CSRC vẫn độc lập cho thấy các nhà chức trách nhận thấy quy mô và vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế đang tăng lên trong những năm tới như là nguồn thu hút tài sản của các hộ gia đình, "soán ngôi" bất động sản trong thời gian tới. Bắc Kinh cam kết ngăn chặn và xử lý hiệu quả các rủi ro kinh tế và tài chính lớn trong năm nay, theo báo cáo công việc của chính phủ do Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường gửi hôm 5-3. Theo ông Lý, các nhà chức trách sẽ tiếp tục tăng cường cải cách tài chính, đẩy mạnh quy định và đảm bảo tất cả các bên liên quan chịu trách nhiệm đầy đủ để chống lại rủi ro tài chính địa phương và hệ thống.
Công nhân làm việc ở công trường xây dựng trong Khu trung tâm thương mại thủ đô Bắc Kinh-Trung Quốc hôm 28-2. Ảnh: Reuters
|
Những cải tổ lớn khác bao gồm việc thành lập một cơ quan mới để quản lý dữ liệu và tái tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời cắt giảm 5% số lượng nhân viên chính phủ. Theo kế hoạch, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng sẽ được tái cơ cấu và một phần trách nhiệm liên quan đến quy hoạch, phát triển và hoạch định chính sách cho ngành nông nghiệp và nông thôn sẽ được hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.
Đây là lần tái cấu trúc lớn thứ 3 kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2013, với lần gần nhất là vào năm 2017-2019 dẫn đến việc thành lập Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính và Bộ các vấn đề cựu chiến binh.
Thay đổi để thích ứng
Những thay đổi này phù hợp với nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm củng cố vị thế Trung Quốc trước những gì ông xem là một thế giới đang thay đổi nhanh chóng với những bất ổn bên ngoài đang ngày càng tăng, cũng như suy thoái kinh tế trong nước. Theo Tân Hoa xã, mục tiêu của kế hoạch là phân bổ nguồn lực tốt hơn để vượt qua những thách thức bằng các công nghệ then chốt và cốt lõi, đồng thời nhanh chóng hướng đến sự tự lực lớn hơn về khoa học và công nghệ. Ông Xiao Jie, Tổng Thư ký Quốc vụ viện, cho biết trong một tuyên bố về việc tái cơ cấu: "Điều quan trọng là tăng cường khoa học và công nghệ, giám sát tài chính, quản lý dữ liệu, đổi mới nông thôn, quyền sở hữu trí tuệ và chăm sóc người cao tuổi".
Một người đàn ông bước ra khỏi tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: Reuters
|
Thống đốc PBOC Yi Gang phát biểu trong một cuộc họp báo tuần trước rằng rủi ro tổng thể trong hệ thống tài chính có thể kiểm soát được. Số lượng các tổ chức tài chính bị xếp hạng có rủi ro cao đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh, theo dữ liệu mới nhất từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, với tổng tài sản của các tổ chức có rủi ro cao chỉ chiếm 1% trong tổng số.
Theo Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), Ủy ban Quản lý Tài chính Quốc gia do Trung Quốc đề xuất sẽ giải quyết tốt hơn các vấn đề còn tồn đọng có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế, từ bong bóng bất động sản đến sự mở rộng không kiểm soát của các tập đoàn tài chính. Goldman Sachs cho rằng cơ quan giám sát mới, sẽ kết hợp quyền lực của Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) và một phần công việc giám sát của ngân hàng trung ương, góp phần tăng cường các yêu cầu pháp lý và kết hợp giám sát các tập đoàn như Ant Group và Citic Group.
Một màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán ở Bắc Kinh-Trung Quốc Ảnh: SCMP
|
Nhà phân tích Yang Shuo thuộc Ngân hàng Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hôm 8-3: "Chúng tôi xem các đề xuất mới của chính phủ Trung Quốc là động thái củng cố các quy định tài chính nhằm tăng cường giám sát thể chế, hành vi và chức năng. Chúng tôi mong đợi nhiều biện pháp hơn nữa về thanh khoản và vốn để ngăn chặn hoạt động kinh doanh chênh lệch giá của các tập đoàn tài chính". (Kinh doanh chênh lệch giá về cơ bản là mua chứng khoán ở một thị trường và đồng thời bán nó ở một thị trường khác với giá cao hơn, nhờ đó thu được lợi nhuận từ sự chênh lệch tạm thời về giá). Bắc Kinh cũng đã kiểm soát chặt chẽ các nền tảng cho vay ngang hàng và hệ thống ngân hàng bóng tối (là nhóm các trung gian tài chính tạo điều kiện cho việc tạo tín dụng trên hệ thống tài chính toàn cầu trong đó các thành viên không phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lí).
Trao thêm quyền cho Ủy ban Quản lý Chứng khoán
Lĩnh vực tài chính của Trung Quốc hiện được xem là đủ lớn để chi phối nền kinh tế của cả nước này. Tổng tài sản thuộc sở hữu của các ngân hàng và công ty bảo hiểm có giá trị lên đến 400 ngàn tỉ nhân dân tệ (khoảng 57,7 ngàn tỉ USD) và tổng vốn hóa thị trường của các cổ phiếu trong nước lên tới 11 ngàn tỉ USD.
Một giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh:Bloomberg
|
Trong khi đó, việc nâng cấp Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thành một cơ quan chính phủ trực thuộc Quốc vụ viện – thay vì một cơ quan bán trực tiếp như hiện nay – cho thấy cơ quan giám sát này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ đổi mới công nghệ của Trung Quốc bằng cách tăng tốc bán cổ phiếu và trái phiếu, theo Công ty chứng khoán Soochow Securities (Trung Quốc). Soochow Securities lập luận rằng việc định hình lại khung pháp lý tài chính của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường vốn đối với các nhà hoạch định chính sách và sự giám sát minh bạch hơn của thị trường này sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của những công ty hàng đầu trong lĩnh vực. Theo hệ thống mới, các tổ chức phát hành được phép tự do định giá cổ phiếu được chào bán dựa trên nhu cầu thị trường thay vì mức giá trần do cơ quan quản lý đặt ra.
CSRC sẽ nắm toàn quyền phê duyệt trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai, theo kế hoạch cải tổ được đề xuất hôm 7-3. Nhà phân tích Chen Fu tại Công ty chứng khoán GF Securities ở Thâm Quyến, cho biết: "Đề xuất cải cách đã gỡ bỏ những điểm mù trên mặt trận pháp lý. Nó sẽ giúp ích cho sự phát triển lành mạnh của ngành tài chính bằng cách thực hiện mở rộng nguồn tài chính trực tiếp đi đôi với việc phòng ngừa rủi ro. Các tổ chức tài chính tuân thủ quy tắc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn". Ông Yang cho biết trong báo cáo: "Cơ quan quản lý mới được đề xuất sẽ được chú ý do thẩm quyền hợp nhất của cơ quan này đối với các tổ chức tài chính và tiềm năng dẫn dắt cải cách tài chính, đặc biệt là trên mặt trận thanh lọc rủi ro".
Xuân Mai
Người lao động
|