Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo, ngân hàng tiếp tục là điểm nóng
Từ châu Á đến châu Âu và Mỹ, thị trường chứng khoán đang bị bán tháo trong ngày 10/03, khi các nhà đầu tư đợi chờ báo cáo việc làm tháng 2 của Mỹ - vốn là yếu tố có thể quyết định chính sách của Fed. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một điểm nóng sau sự vụ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Tính tới lúc 17h ngày 10/03 (giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông dẫn đầu đà giảm ở châu Á với mức lao dốc hơn 3%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1.4% khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3.
Các chỉ số khác ở châu Á cũng nhuốm sắc đỏ, ASX 200 sụt 2.28%, Kospi giảm 1% và Nikkei 225 giảm 1.67%. Làn sóng bán tháo cũng lan tới thị trường châu Âu, với Stoxx 600 sụt 1.6% và các chỉ số khác cũng giảm 1.5%-2%. Ở Mỹ, hợp đồng chứng khoán tương lai Dow Jones giảm tiếp 140 điểm.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đỏ lửa trong phiên thứ Năm (09/03) khi nhóm cổ phiếu ngân hàng và tài chính bị bán tháo, và nhà đầu tư chuẩn bị tiếp nhận báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu (10/3).
Nhóm ngân hàng bị bán tháo sau sự vụ của Silicon Valley Bank
Rắc rối của nhóm ngân hàng diễn ra khi SVB bất ngờ thông báo họ sẽ lập tức thực hiện các động thái bất thường để củng cố tình hình tài chính của ngân hàng.
Trước đó, bảng cân đối của SVB đã tệ đi trông thấy trong bối cảnh các khách hàng chính của ngân hàng (công ty startup và công nghệ) đối mặt với môi trường kinh doanh thách thức. Để giải quyết vấn đề thanh khoản, SVB tiết lộ đã bán 21 tỷ USD các khoản đầu tư thanh khoản cao nhất, vay 15 tỷ USD và tổ chức đợt bán cổ phiếu khẩn cấp để huy động vốn.
Thông thường, các ngân hàng rất ngại phải thực hiện bất kỳ động thái nào trong số này (chứ đừng nói đến là thực hiện cả 3 cùng một lúc). Và lỡ như buộc phải thực hiện, họ cũng sẽ dàn xếp vô cùng cẩn thận. Giá cổ phiếu Silicon Valley Bank lao dốc 60% trong ngày 09/03 khi nhà đầu tư hoảng loạn sau thông báo mới.
Rắc rối ở SVB đã kéo giảm giá cổ phiếu của các ngân hàng khác, vì lo ngại các ngân hàng khác cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Cổ phiếu First Republic Bank sụt 16.5%, Signature Bank lao dốc hơn 12% và Zions Bancorporation tụt 11.4%.
Các ngân hàng lớn hơn cũng chịu trận. Cổ phiếu Bank of America và Wells Fargo sụt 6.2%, còn JPMorgan Chase rớt 5.4%. Chỉ số ngân hàng KBW – vốn theo dõi cổ phiếu của 24 ngân hàng lớn – giảm gần 8%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020 (giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19).
Ở thị trường châu Âu, ngân hàng đang là lĩnh vực bị bán tháo mạnh nhất với mức giảm 4.2%, kế đó là xe hơi (2.7%).
Greg Becker, Tổng Giám đốc SVB, kêu gọi các công ty đầu tư vốn mạo hiểm bình tĩnh trong cuộc họp ngày 09/03. Tuy nhiên, hàng loạt nhà đầu tư đã không nghe theo lời trấn an đó. Họ đã khuyến nghị các công ty startup rút một phần hoặc toàn bộ vốn khỏi SVB. “Bất kỳ ngân hàng nào cũng sẽ sụp đổ nếu tất cả khách hàng rút vốn”, Arjun Sethi, nhà đầu tư tại Tribe Capital, viết trong một lưu ý.
Bất chấp những lo ngại mới nhất, các chuyên gia phân tích tại công ty môi giới Wedbush Securities cho rằng ngân hàng đã nhận được khoản tiền đáng kể từ việc bán chứng khoán và huy động vốn. “Chúng tôi tin rằng SVB hiện không bị khủng hoảng thanh khoản”, chuyên gia phân tích David Chiaverini của Wedbush nói.
* Rắc rối ở Silicon Valley Bank khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”
* Silicon Valley Bank trấn an khách hàng sau cú rơi 60% giá cổ phiếu
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|