Luật đừng chỉ làm khó được người ngay!
Hàng loạt vụ án tham ô, đưa hối lộ liên quan đến các dự án đầu tư và mua sắm công đã bị khởi tố và đưa ra xét xử trong thời gian qua, trong đó ngành y tế và giáo dục chiếm tỷ lệ lớn. Một đặc điểm chung của hầu hết các vụ án này là chủ đầu tư đều dễ dàng “làm đúng quy trình”, hoàn tất đầy đủ các thủ tục mà pháp luật về đấu thầu đặt ra.
Thế nhưng, cũng với quy trình và thủ tục đó lại khiến rất nhiều bệnh viện công rơi vào bế tắc trong việc khai thác, mua sắm vật tư và thiết bị… để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Sự việc chỉ mới tạm được giải quyết sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung Nghị định 98 để tháo gỡ.
Một trong những mục tiêu quan trọng của pháp luật về đấu thầu là nhằm quản lý hoạt động đầu tư, mua sắm công và ngăn ngừa tiêu cực gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Bên cạnh đó, luật cũng tạo ra hành lang pháp lý để hoạt động đầu tư và mua sắm bằng tiền ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách được thuận lợi và minh bạch.
Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở ngành y tế, cũng như nhiều ngành khác, lại cho thấy các quy định của luật pháp, dù ngày càng khắt khe và “chặt” hơn, nhưng cũng không thể làm khó những cán bộ biến chất và các nhóm lợi ích trong việc tìm ra cách để tham ô tiền của Nhà nước. Ngược lại, những người làm việc với tâm trong sáng và minh bạch thì vô cùng khó khăn, thậm chí rơi vào bế tắc.
Lâu nay, mỗi khi gặp phải bất cập nào đó về cơ chế hoặc thị trường, cơ quan quản lý ngành thường có xu hướng sửa chữa bằng cách đề xuất sửa đổi và bổ sung luật lệ để siết chặt hơn. Và thực tế cũng cho thấy, biện pháp này chẳng những không giúp giải quyết bất cập mà còn tạo ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác. Ngành phân bón là một ví dụ. Các quy định được thêm vào đã không thể hạ nhiệt nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, nhưng lại gây ra bao khó khăn cho những doanh nghiệp làm phân bón thật.
Cũng vậy, các quy định phức tạp và chi tiết của pháp luật về đấu thầu không ngăn được các nhóm lợi ích bắt tay nhau “làm xiếc” trên thủ tục và giá cả. Điều đáng nói là có những hợp đồng đầu tư, mua sắm của Nhà nước bị “thổi giá” gấp 3-5 lần giá gốc, nhưng vẫn vượt qua được hết các cửa thẩm định để được phê duyệt và thanh toán trót lọt. Nếu không phải mua bằng tiền nhà nước thì liệu điều này có thể xảy ra không?
Như vậy, vấn đề mấu chốt có lẽ không nằm ở các quy định pháp luật, mà ở cơ chế thực thi luật cũng như cơ chế giám sát thực thi. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan dân cử như Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, là những cơ quan có quyền thực thi giám sát, lại không thể phát hiện ra những khuất tất mà phải đợi đến thanh tra hay công an vào cuộc thì vụ việc mới được phơi bày. Phải chăng các cơ quan có thẩm quyền giám sát nhưng không có nhân lực, thiếu chuyên môn hay còn lý do nào khác?
Nếu không giải quyết được vấn đề căn cơ này thì luật lệ đặt ra, dù có khắt khe hơn, vẫn không thể làm khó được các nhóm lợi ích; chỉ những cán bộ làm việc công tâm mới bị khó mà thôi.
TBKTSG
|