Thứ Năm, 23/03/2023 06:08

Bộ Công Thương yêu cầu EVN phải thống nhất xong giá mua điện tái tạo trước 31/3

Theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi EVN về việc thoả thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Thống nhất giá điện trước 31/3

Văn bản nêu rõ, ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Ngày 2/3/2023, Bộ Công Thương có văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Lãng phí nguồn lực đã đầu tư

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4,676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Bộ Công Thương yêu cầu EVN phải khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời cho biết, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85 ngàn tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58 ngàn tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Trong cuộc họp ngày 20/3 giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, mặt trời, các nhà đầu tư kiến nghị, EVN huy động điện với giá tạm tính 6.2 cent/kWh. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.

Theo Quyết định 21 quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công Thương ban hành, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1,185-1,508 đồng một kWh và điện gió 1,587-1,816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.

Tại hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do EVN tổ chức ngày 20/3, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T - cho biết, dịch COVID-19 đã để lại một lỗ hổng lớn trong các quy định. Các nhà đầu tư rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo tuy nhiên các quy định trong Thông tư 15 và Quyết định 21 của Bộ Công Thương ban hành mới đây đã cho thấy sự không còn ủng hộ với việc phát triển năng lượng tái tạo.

“Nếu chứng kiến những cánh đồng điện gió với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi tuabin điện gió hơn 150 tỷ đồng, nhưng đứng yên trong hơn một năm qua thì mới thấy xót xa thế nào. Các nhà đầu tư đã hoàn thành dự án, đã đóng điện và đã phải thanh toán cho các nhà thầu, việc không được huy động là một thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”, bà Bình nói.

Theo đại diện T&T Group, các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo kiến nghị Bộ Công Thương cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. Với EVN, trong thời gian đàm phán giá, cần huy động nguồn từ các dự án điện đã hoàn thành. Mức giá tạm tính có thể bằng 90% giá điện nhập khẩu. Với giá điện nhập khẩu hiện ở mức 6.95 cent/kWh, giá điện tạm tính chỉ khoảng 6.25 cent/kWh (tương đương 1,479 đồng/kWh). Phương án tạm này sẽ được áp dụng cho đến khi Chính phủ có quyết định chính thức về cơ chế giá điện cho các dự án chuyển tiếp.

Đề xuất của bà Bình cũng khá tương đồng với kiến nghị của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp mới đây. Theo các doanh nghiệp, việc Bộ Công Thương bãi bỏ các điều khoản về trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ các dự án năng lượng tái tạo đồng nghĩa dự án không còn được ưu tiên trong huy động công suất như trước đây. Từ đó, việc cắt giảm công suất sẽ diễn ra thường xuyên với các dự án điện gió, điện mặt trời là rất cao.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   'Gã khổng lồ' Boeing, SpaceX... mong đợi gì khi khi đến Việt Nam? (22/03/2023)

>   TPHCM: Xử lý kỷ luật nếu không báo cáo định kỳ về giải ngân vốn đầu tư công (22/03/2023)

>   Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục bị khởi tố trong vụ án mới (22/03/2023)

>   Gió và giá (22/03/2023)

>   Giải pháp kép cho nhà vệ sinh công cộng (23/03/2023)

>   Chính thức miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, giãn chu kỳ cho 3.2 triệu ô tô (22/03/2023)

>   Tổng Thanh tra Chính phủ: Tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tham nhũng (21/03/2023)

>   Kiến nghị EVN mua điện mặt trời, điện gió bằng 90% giá điện nhập khẩu (21/03/2023)

>   'Đại bàng' Boeing, SpaceX... đến Việt Nam (21/03/2023)

>   TP.HCM xem xét mở lại trạm đăng kiểm để quân đội tạm tiếp quản (20/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật