Thứ Sáu, 17/03/2023 09:00

Lại thêm đợt giảm lãi suất

Có lý do để tin rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng đang dần được điều chỉnh giảm xuống, không chỉ đối với những khoản vay mới thỏa điều kiện của các chương trình cho vay ưu đãi, mà ngay cả những khách hàng hiện hữu cũng có thể nhìn thấy lãi suất vay vốn của mình được giảm xuống sau các đợt giảm lãi suất tiền gửi liên tiếp gần đây.

Thêm đợt giảm

Sau đợt giảm lãi suất huy động vốn đồng loạt trong tuần trước, tuần này các ngân hàng tiếp tục có thêm một đợt giảm mới, lần này tập trung vào các kỳ hạn dài, đặc biệt ở các kỳ hạn chủ chốt như 12 tháng và 13 tháng. Thống kê cho thấy có khoảng 15 nhà băng tiếp tục tham gia đợt giảm này, cho thấy xu hướng lãi suất đi xuống ngày càng được củng cố.

Đơn cử như nhóm NHTM có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDVAgribank, sau đợt giảm trong tuần trước ở nhiều kỳ hạn, tuần này tiếp tục giảm 0.2% riêng ở lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7.2%, tiếp tục nằm trong nhóm niêm yết lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay. Ở nhóm NHTM cổ phần tư nhân, MBBank giảm đồng loạt 0.2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên đến 60 tháng, xuống còn 7.9 - 8.4%. MSB giảm 0.2% riêng ở kỳ hạn 12 tháng xuống còn 8.1%; Seabank cũng giảm 0.2% kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.

Đặc biệt, bên cạnh những ngân hàng chỉ giảm riêng lãi suất ở các kỳ hạn 12, 13 tháng hoặc dài hơn, thị trường cũng chứng kiến thêm một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất đồng loạt ở nhiều kỳ hạn. Như NCB sau khi giảm mạnh 0.7% kỳ hạn 6-12 tháng và giảm 0.2% kỳ hạn từ 13 tháng trở lên trong tuần đầu tháng 3, tuần này tiếp tục giảm 0.1-0.2% kỳ hạn 6-12 tháng và đặc biệt giảm mạnh 0.6-0.7% kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, giúp thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài của nhà băng này về mức cân đối hơn.

Còn PVCombank sau đợt giảm 0.3% gần đây, lần này tiếp tục giảm thêm 0.2% đồng loạt ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp từ đầu năm đến nay. Tương tự, VIB sau khi đồng loạt giảm 0.3-0.4% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong đợt trước, lần này tiếp tục giảm thêm 0.2% ở các kỳ hạn từ 6-11 tháng. KienLongBank cũng giảm thêm 0.2-0.4% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, nối tiếp mức giảm 0.3-0.4% trong đợt trước, đưa mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này về chỉ còn 8.95% ở kỳ hạn 13 tháng.

Tại VietABank, biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 16/3 với mức điều chỉnh giảm 0.5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh từ 9%/năm về mức 8.5%/năm; kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được VietABank áp dụng mức lãi suất 8.6% so với 9.1%/năm trước đó; trong khi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng và 15 tháng cùng hưởng lãi suất 8.7%, cũng giảm 0.5%.

Tác động giảm lãi suất cho vay?

Động thái tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn trong tuần này của các ngân hàng diễn ra khi Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng có quyết định giảm một số lãi suất điều hành, với lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4.5%/năm xuống 3.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7.0%/năm xuống 6.0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5.5%/năm xuống 5.0%/năm.

Với mức chênh lệch giữa kỳ hạn ngắn và dài quá lớn, dòng tiền có xu hướng sẽ chạy vào gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dài nhiều hơn. Nếu xu hướng lãi suất trong tương lai theo hướng đi lên, các ngân hàng có thể tránh được rủi ro lãi suất và hưởng lợi nhờ đã tích lũy được một lượng vốn lớn trung dài hạn với giá thấp. Ngược lại, nếu lãi suất thời gian tới đi xuống trở lại, lượng vốn trung dài hạn đã thu hút được trong thời gian qua tại mức lãi suất cao sẽ trở thành gánh nặng lớn cho các nhà băng.

Dù trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn được nhà điều hành giữ nguyên, nhưng việc các NHTM tiếp tục giảm lãi suất tập trung ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng được xem là chiến lược phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi giúp thu hẹp mức chênh lệch quá lớn giữa kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 6 tháng trở lên vốn đã duy trì ở mức quá cao trong suốt thời gian qua.

Thực tế với mức chênh lệch giữa kỳ hạn ngắn và dài quá lớn, dòng tiền có xu hướng sẽ chạy vào gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn dài nhiều hơn. Nếu xu hướng lãi suất trong tương lai theo hướng đi lên, các ngân hàng có thể tránh được rủi ro lãi suất và hưởng lợi nhờ đã tích lũy được một lượng vốn lớn trung dài hạn với giá thấp. Ngược lại, nếu lãi suất thời gian tới đi xuống trở lại, lượng vốn trung dài hạn đã thu hút được trong thời gian qua tại mức lãi suất cao sẽ trở thành gánh nặng lớn cho các nhà băng.

Và trước tình hình hiện nay, hầu hết ý kiến đều cho rằng lãi suất trong thời gian tới sẽ khó có thể tiếp tục đi lên, mà sẽ dần ổn định và tiếp tục giảm thêm.

Thứ nhất là vì với rủi ro của hệ thống tài chính ở các nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt sau thời kỳ lãi suất tăng quá cao và nhanh, thể hiện qua một loạt ngân hàng đã sụp đổ và đang có nguy cơ sụp đổ ở Mỹ và châu Âu, các ngân hàng trung ương khó có thể tiếp tục lộ trình tăng lãi suất theo kế hoạch.

Thứ hai là với bài toán lạm phát cũng đang cho thấy hạ nhiệt dần, thứ ba là với lãi suất nếu tiếp tục tăng lên mức cao sẽ làm tổn hại đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, giảm sức cầu tiêu dùng và kéo lùi tăng trưởng.

Đáng lưu ý là trong đợt giảm này, có thể thấy nhiều ngân hàng cũng đã giảm lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn chủ chốt 12-13 tháng, sau khi đã giữ nguyên trong đợt giảm tuần trước. Như bài viết “Thấy gì từ đợt giảm lãi suất mới đây?”, hiện có không ít ngân hàng đang lấy lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng làm lãi suất cơ sở để tính toán lãi suất cho vay.

Chính vì vậy, với đợt giảm mới nhất tập trung nhiều ở các kỳ hạn dài cốt lõi như đã nói, có lý do để tin rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng đang dần được điều chỉnh giảm xuống, không chỉ đối với những khoản vay mới thỏa điều kiện của các chương trình cho vay ưu đãi, mà ngay cả những khách hàng hiện hữu cũng có thể nhìn thấy lãi suất vay vốn của mình được giảm xuống sau các đợt giảm lãi suất tiền gửi liên tiếp gần đây.

Rõ ràng khi chi phí vốn đã giảm xuống nhờ lãi suất huy động đầu vào đã thấp hơn so với giai đoạn trước, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng trên thị trường 2 cũng đang có xu hướng đi xuống, việc tiếp cận thanh khoản từ NHNN với chi phí rẻ hơn sau động thái giảm lãi suất điều hành mới đây, các ngân hàng cũng có động lực để giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng.

Thực tế lãi suất cho vay quá cao thì khó có khách hàng nào chịu đựng được về lâu dài, khi đó nguy cơ thu hẹp hoạt động kinh doanh hay phá sản của doanh nghiệp là hiển hiện, tiếp đến sẽ tác động tiêu cực lên các ngân hàng, mà những gì đang diễn ra trên hệ thống thị trường tài chính Âu Mỹ mới đây là minh chứng rõ nhất.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ đang nới lỏng trở lại? (17/03/2023)

>   Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành (16/03/2023)

>   Ngân hàng nào có dư địa giảm lãi suất cho vay? (17/03/2023)

>   TP.HCM đưa vụ án tại Công ty F88 vào diện theo dõi (16/03/2023)

>   Cách nào để giải quyết hữu hiệu các khoản nợ xấu là bất động sản (16/03/2023)

>   Thận trọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng (16/03/2023)

>   Ngân hàng nào có lợi nhuận bảo hiểm tăng mạnh nhất trong 5 năm? (16/03/2023)

>   Vụ DongA Bank: Ai bồi thường hơn 5.500 tỷ đồng? (16/03/2023)

>   Giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của cá nhân (16/03/2023)

>   Việc giảm lãi suất điều hành tạo tâm lý tích cực cho DN (16/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật