Khi nào Việt Nam có mạng 5G đại trà
Hiện các nhà mạng tại Việt Nam đang chuẩn bị đấu giá băng tần. Chuyên gia cho rằng với lộ trình mà Việt Nam đang đi, có thể đến năm 2024-2025, Việt Nam sẽ triển khai 5G đại trà.
Đánh giá về tình hình triển khai mạng 5G tại Việt Nam, tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (đơn vị cung cấp hạ tầng 5G) cho biết hiện nay có khoảng 55-60 quốc gia đã triển khai công nghệ 5G và Việt Nam được đánh giá cao là một trong những quốc gia bắt đầu sớm.
“Trong năm nay, Việt Nam đã triển khai các băng tần cho mạng 5G. Trong 2-3 năm tới, khi quá trình triển khai 5G đi vào đại trà, tốc độ phát triển sẽ tăng rất nhanh”, ông Denis Brunetti đánh giá.
Ông dẫn chứng khi 4G bắt đầu triển khai vào năm 2016, chỉ trong 2 năm, Viettel đã xây dựng 56.000 trạm gốc, VNPT cũng đẩy nhanh triển khai công nghệ này.
“Tôi không nghĩ Việt Nam đi sau công nghệ 5G mà đang phát triển đúng với năng lực. Từ cuối năm 2020, 3 nhà mạng thuộc khối Nhà nước cũng đã bắt đầu triển khai thương mại hóa mạng 5G", ông đánh giá.
Theo Chủ tịch Ericsson Việt Nam, các nhà mạng có thể quyết định lựa chọn nhà cung cấp để triển khai, đương nhiên quá trình này cũng mất thời gian, nhưng ông kỳ vọng trong năm 2024-2025, mạng 5G sẽ được triển khai đại trà.
Chia sẻ thêm về việc triển khai 5G, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết hiện các nhà mạng tại Việt Nam đang chuẩn bị đấu giá băng tần. Đây là điều kiện tiên quyết, bởi có tần số thì mới xây dựng được cơ sở thương mại.
Nói về tầm quan trọng của 5G đối với chuyển đổi số, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng phụ trách Cục viễn thông, cho biết đến thời điểm hiện tại, 5G tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ của các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, Mobifone).
Cuối năm 2020, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone đều đã lắp đặt và phát sóng thành công các trạm phát 5G thương mại. Ảnh: Ngô Minh.
|
"Từ phía người sử dụng, những trải nghiệm đầu tiên về tốc độ băng rộng di động của 5G không quá ấn tượng với người sử dụng do tốc độ 4G tương đối đáp ứng nhu cầu người sử dụng trong xem phim, truyền hình ảnh...", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng thử nghiệm 5G rất có giá trị cho doanh nghiệp vì mạng 5G và kinh doanh trên mạng này thực sự khác biệt so với triển khai mạng trên các công nghệ 4G, 3G và 2G.
"So với các thế hệ mạng trước đây, 5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh…", ông Nhã nhìn nhận.
Do đó, Phó cục trưởng phụ trách Cục viễn thông cho rằng cả cơ quan quản lý, các nhà mạng, nhà cung cấp giải pháp cần quan tâm, hợp tác mạnh mẽ để xác định các ứng dụng tiềm năng cùng với các mô hình kinh doanh trên cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G cho giai đoạn đầu và dài hạn của quá trình phát triển 5G.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
"Chẳng hạn như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, mô hình kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh, nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và già hóa dân số", ông nói.
Theo Thứ trưởng Phương, những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. "Yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh là một thách thức rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới", ông cho biết.
Thanh Hương
ZING
|