Khẩu vị đầu tư của IFC
Bên cạnh ngành ngân hàng, IFC đầu tư nhiều vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như BAF, GREENFEED, Nafoods. Ngoài ra, tổ chức quốc tế này còn rót tiền mua trái phiếu của Nam Long, Phú Mỹ Hưng để đầu tư dự án bất động sản xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh EDGE.
Nhận định Việt Nam là con rồng đang trỗi dậy, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã rót hàng trăm triệu USD để đầu tư vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, nông nghiệp, điện, bất động sản...
IFC sớm đồng hành cùng Việt Nam từ những năm đầu mở cửa. Tháng 06/1994, tổ chức này phê duyệt khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam là dự án nâng cấp và mở rộng khách sạn Metropole. Kể từ năm 2018, IFC bắt đầu đổ vốn nhiều vào Việt Nam, ban đầu là những khoản tài trợ doanh nghiệp thông qua ngân hàng, sau đó đến đầu tư trực tiếp vào những đơn vị trong lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của tổ chức.
Phó Chủ tịch IFC phụ trách châu Á - Thái Bình Dương, ông Alfonso Garcia Mora, trong chuyến thăm vào tháng 04/2022 cho biết sẽ tài trợ trực tiếp và thúc đẩy đầu tư dài hạn hơn ở khu vực tư nhân vào các dự án xanh, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.
Ngân hàng
Vào ngày 07/02, IFC công bố đầu tư 100 triệu USD vào SeABank (HOSE: SSB) nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay mua nhà, qua đó, nâng tổng mức đầu tư lên 400 triệu USD. Tháng 10/2022, IFC có quyết định đầu tư 75 triệu USD vào SeABank dưới dạng khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong vòng 5 năm.
Cuối năm 2022, IFC đề xuất khoản đầu tư tổng cộng 320 triệu USD cho SHB, VIB, OCB để hỗ trợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp tham gia tài chính chuỗi cung ứng…
Trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, thành viên Ngân hàng Thế giới đã nâng tổng hạn mức tín dụng lên 294 triệu USD cho 4 nhà băng là ABBank (ABB), TPBank (TPB), VIB và VPBank (VPB) để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có nguồn tiền duy trì hoạt động, mua nguyên vật liệu.
Không chỉ cung cấp khoản vay dài hạn, tổ chức này cũng từng rót tiền mua cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi của VietinBank (CTG), ABBank, TPBank.
Doanh nghiệp
Bên cạnh đầu tư vào ngân hàng, IFC còn mua trái phiếu, góp vốn vào các doanh nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị niêm yết trên sàn chứng khoán. Lĩnh vực được chú trọng gồm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản xanh.
Ngày 23/02, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) và IFC công bố đối tác chiến lược và ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Qua đó, IFC sẽ cung cấp gói tài trợ tổng cộng 900 tỷ đồng, tương đương 39 triệu USD cho BAF, bao gồm 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 300 tỷ đồng trái phiếu cao cấp. Đối với trái phiếu chuyển đổi, IFC có quyền chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ thành cổ phiếu BAF tại bất kỳ thời điểm nào kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành cho đến trước ngày đáo hạn.
BAF sẽ dùng nguồn tiền trên để đầu tư vào các trang trại chăn nuôi và di truyền, phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến thịt sạch.
Được biết, BAF hoạt động trong hai lĩnh vực chính là kinh doanh nông sản và chăn nuôi. Doanh nghiệp đang từng bước tập trung cho hoạt động chăn nuôi với định hướng xây dựng, áp dụng mô hình sản xuất sạch 3F (Feed-Farm-Food). Tính đến nay, BAF sở hữu 23 trang trại với tổng đàn 200,000 đầu heo; 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 260,000 tấn/năm, được cấp chứng nhận quốc tế về chăn nuôi và quản lý thực phẩm; chuỗi phân phối thực phẩm với khoảng 60 cửa hàng Sibafood và 300 Meat Shop.
Chăn nuôi là lĩnh vực khá yêu thích của IFC. Tháng 05/2022, thành viên World Bank công bố khoản đầu tư 52 triệu USD thông qua hình thức mua cổ phần phổ thông Tập đoàn Mavin. Mục tiêu huy động vốn của Mavin là phát triển ba trang trại chăn nuôi heo tại các tỉnh gồm Gia Lai 62 ha, Nghệ An 100 ha và Đồng Tháp 45 ha.
Giữa năm 2021, IFC rót 1,000 tỷ đồng mua trái phiếu kỳ hạn 7 năm của Công ty GREENFEED. Ông Lý Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT GREENFEED, cho biết khoản tài trợ này giúp doanh nghiệp mở rộng công suất chăn nuôi heo, cung cấp thịt heo an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc.
Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nông nghiệp là Nafoods Group (HOSE: NAF) đã nhận khoản đầu tư mua cổ phiếu ưu đãi có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trị giá 8 triệu USD từ IFC vào năm 2019. Nafoods là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu trái cây, sản phẩm chủ lực là chanh leo.
Trong lĩnh vực logistics, IFC cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL). Khoản vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi hơn khi phát triển kho bãi, cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến.
Ở lĩnh vực bất động sản, IFC mua trái phiếu với tổng trị giá 1,000 tỷ đồng (khoảng 44 triệu USD) do CTCP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) phát hành. Khoản đầu tư này để Nam Long phát triển dự án nhà ở Waterpoint giai đoạn 2 tại Long An. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh EDGE của IFC giúp giảm tối thiểu 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với các dự án nhà ở tương tự.
Trước đó, vào tháng 09/2019, IFC gây chú ý khi đăng ký mua 1,700 tỷ đồng trái phiếu do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phát hành. Tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng thời điểm đó chia sẻ: khoản đầu tư giúp doanh nghiệp tập trung phát triển những khu đô thị phức hợp ở một số tỉnh cấp 2, khởi đầu là khu đô thị Phú Hưng Khang. Dự án cũng áp dụng EDGE với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Nằm trong định hướng hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng, năm 2016, IFC đầu tư mua cổ phần Điện Gia Lai (HOSE: GEG) - doanh nghiệp chuyên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió… IFC cùng Quỹ năng lượng sạch Armstrong đã mua tổng cộng 36% vốn của GEG, giá trị không được tiết lộ. Sau 6 năm đầu tư, cuối năm 2022, IFC và Armstrong cùng thoái toàn bộ vốn, nhường chỗ cho Tập đoàn JERA Nhật Bản (có tham vọng phát triển 5,000 MW năng lượng điện tái tạo vào 2025).
Tại thời điểm IFC đầu tư, Điện Gia Lai có 15 nhà máy thủy điện với tổng công suất 84.4 MW. Tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp vận hành 600 MWp năng lượng tái tạo và tham vọng nâng lên 1,700 MWp vào 2025.
Trong bài phát biểu vào năm 2019, ông Philippe Le Houérou - Tổng giám đốc điều hành IFC cho biết, đặc biệt quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng phát triển năng lượng tái tạo và ưu tiên nông nghiệp bền vững, hiệu quả ở Việt Nam. Còn hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của tổ chức này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là chống biến đổi khí hậu. Bà Ruth Horowitz - Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương - khẳng định IFC sẽ tiếp tục làm việc với khu vực tư nhân để tăng cường tài chính, giúp các quốc gia châu Á đạt được mục tiêu về khí hậu cũng như mục tiêu phát triển lớn hơn.
Ngân Hà
FILI
|