'Sóng' M&A ngành nước, BWE vươn dài 'cánh tay' tới Quảng Bình
CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (HOSE: BWE) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 16/03 thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần tại CTCP Cấp nước Quảng Bình (UPCoM: NQB). Động thái này càng củng cố kế hoạch mạnh tay mua gom các công ty nước địa phương của “ông lớn” nước sạch Bình Dương.
Theo đó, BWE dự kiến mua cổ phần phổ thông, tự do chuyển nhượng với số lượng tương ứng tỷ lệ sở hữu từ 20% đến dưới 50% số cổ phần có quyền biểu quyết của NQB. Sau khi hoàn thành việc mua cổ phần, NQB sẽ trở thành công ty liên kết của BWE.
Cấp nước Quảng Bình (NQB) tiền thân là Công ty Cấp thoát nước Quảng Bình, được thành lập ngày 01/10/1992, có vốn điều lệ hơn 172 tỷ đồng. Hoạt động chính của Công ty là sản xuất kinh doanh nước sạch tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Địa chỉ trụ sở chính tại số 81 Lý Thường Kiệt, Phường Đồng Mỹ, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
|
Tính đến thời điểm 31/12/2022, cổ đông lớn của NQB đang nắm giữ hơn 77% vốn tại đây. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Bình nắm hơn 52% vốn, CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) nắm 25% vốn (hơn 4.3 triệu cp).
NQB vừa ghi nhận động thái muốn thoái vốn của cổ đông lớn DNP Water. Từ ngày 15/03-13/04, DNP Water đăng ký bán toàn bộ hơn 4.3 triệu cp NQB. Như vậy, khả năng cao BWE là bên mua trong thương vụ này.
Trước đó, ngày 14/03, HĐQT BWE cũng thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần tại CTCP Cấp thoát nước Long An (UPCoM: LAW), với tỷ lệ sở hữu từ 20-100%. Nếu hoàn tất giao dịch, LAW sẽ trở thành công ty liên kết/công ty con của BWE.
Đáng nói, DNP Water hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại LAW khi nắm 37.15% vốn (4.53 triệu cp). Hơn hết, trong cùng thời gian từ 15/03-13/04, DNP Water cũng đăng ký bán gần 3 triệu cp LAW, tương ứng 24.5% vốn. Không loại trừ khả năng, BWE cũng sẽ là bên mua trong thương vụ này.
*BWE sẽ mua 24.5% vốn LAW do Đầu tư Ngành nước DNP thoái?
Thời gian gần đây, Biwase đang ráo riết M&A các doanh nghiệp nước địa phương để mở rộng địa bàn. Vào giữa tháng 2, HĐQT BWE đã thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước.
*Biwase muốn thâu tóm 5 công ty ngành nước
Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược M&A cũng là một phần trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Biwase. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, BWE cho biết đang hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để thanh toán và chuyển chủ sở hữu các công ty mua lại của DNP Water ở Long An, Quảng Bình.
Nếu có cơ hội tốt, "ông lớn" ngành nước này cũng sẽ đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, rác thải tại những nơi có tiềm năng. Ngoài ra, BWE còn đang có chiến lược huy động vốn phù hợp khác như vốn ODA ít điều kiện của Ngân hàng ADB (không qua bảo lãnh của Chính phủ), Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức tài chính DEG của Đức...
*BWE đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 tối thiếu 720 tỷ và muốn đổi tên Công ty
Triển vọng tăng trưởng ngành nước nhờ nhu cầu và giá bán tăng
Ngành nước được đánh giá có khả năng tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu và giá tăng đều qua các năm. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cùng với động thái đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ được kỳ vọng thúc đẩy nhu cầu nước sạch trong tương lai.
Theo báo cáo ngành nước công bố ngày 01/02, SSI Research nhận định nhu cầu sử dụng nước hộ gia đình trong năm 2022 tăng 5% so với năm trước và nước công nghiệp tăng từ 5-8%. Giá bán nước bình quân cũng tăng 3% và tỷ lệ thất thoát nước bình quân (yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới các doanh nghiệp phân phối nước) giảm từ 18.7% vào năm 2021 xuống 17.5% vào năm 2022.
Năm 2023, SSI Research dự báo nhu cầu nước tiếp tục tăng trưởng ổn định 5% so với năm trước, giá bán lẻ nước sạch bình quân tăng 3-5%. Hiệu quả hoạt động của các công ty phân phối nước tiếp tục được cải thiện và xu hướng này tiếp tục được duy trì trong trung hạn. Tỷ lệ thất thoát nước trung bình dự kiến giảm từ 17.5% năm 2022 xuống còn 16.5% năm 2023.
Thế Mạnh
FILI
|