Thứ Tư, 15/03/2023 13:20

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023: Vingroup, Sun Group và BRG kiến nghị gì?

Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).

Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.

Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3.7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 ngàn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022).

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".

Tập trung hơn cho nhóm khách du lịch hạng sang

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã luôn quan tâm theo sát thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam. Minh chứng là một năm có rất nhiều cuộc họp của Chính phủ và các bộ, ngành để chỉ đạo phục hồi phát triển du lịch.

Đặc biệt, Việt Nam đã mở cửa du lịch khi vẫn còn dịch COVID-19 trên thế giới. Điều này đã cứu vãn các doanh nghiệp du lịch nói riêng và các doanh nghiệp khác liên quan. Điều này cũng được ghi nhận khi các nước xung quanh cũng chưa dám mở cửa.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng. Đây là con số chúng ta phải quyết tâm đạt được nhưng cũng cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày ở Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn BRG cho biết, Tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý. "Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, từ 200-300USD/ngày và thường ở 3-4 ngày. Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay và du lịch golf của chúng ta đã được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất".

Về thuế, chưa nói đến thuế thu nhập nhưng nếu tính đến doanh thu thì nộp thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%,vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Về khách sạn, năm 2022, Tập đoàn BRG có 652,000 lượt khách, năm 2023 kế hoạch đặt ra là đạt 1 triệu lượt khách hạng sang.

Về golf, năm 2022, Tập đoàn BRG có 300,000 vòng chơi, năm 2023 đặt kế hoạch đạt 380,000 vòng chơi, hằng năm đều tổ chức các giải golf quốc tế cho khu vực. Đây cũng là hướng phát triển cho du lịch Việt Nam để thu hút khách quốc tế.

Trong thời gian tới, BRG có một số đề xuất:

- Tăng cường tập trung quảng bá cho du lịch và tiếp thị hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia. Trong đó, Chính phủ cần tăng ngân sách cho công tác này.

- Nên ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời, xây dựng bản sắc văn hóa du lịch cho từng vùng, từng miền.

- Đối với vấn đề visa, đề nghị tăng hạn visa từ 2 đến 4 tuần cho khách có thời gian đi du lịch nhiều hơn, chi nhiều tiền cho du lịch để doanh thu du lịch của chúng ta được tăng hơn.

Cải cách mạnh mẽ chính sách visa

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng: Báo cáo đánh giá của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thể hiện rất chính xác, phân tích rất rõ, các giải pháp cũng rất đầy đủ. Để cơ cấu thị trường cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công và tư, và các doanh nghiệp trong ngành.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phát về chính sách visa - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là những thị trường trọng điểm, họ có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu từ 1,100 – 2,000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.

Vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa. Ví dụ năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượ khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau.

Đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất:

Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. "Nhưng chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn làm sao chỉ trong 1 kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay từ tháng 1/2023. Cụ thể  các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú từ 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 -45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần".

Giải pháp thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Ngày 4/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì đề xuất giải pháp nghiên cứu mở rộng đối tượng miễn visa nhập cảnh đơn phương.  Tôi rất mong muốn trong thời gian tới sớm ban hành nghị quyết về vấn đề này, có thể trước mùa du lịch mùa hè để chúng ta đón du khách, thực hiện mong muốn đón 8 triệu khách, thậm chí còn hơn trong năm 2023.

Chung tay làm du lịch

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang cho biết, sau 1 năm chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đang hồi sinh khi đông đảo du khách đã quay trở lại.

Đại diện VinGroup: Chúng tôi cũng đưa ra những sản phẩm mới đón đầu xu hướng thế giới - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thành quả có được nhờ chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ lữ hành, hướng đến Việt Nam là một điểm đến mới mẻ và hấp dẫn.

Vinpearl thuộc Tập đoàn VinGroup, là doanh nghiệp tiên phong, đồng hành và hưởng ứng tích cực những chính sách và giải pháp phát triển của Chính phủ và ngành du lịch.

Là thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí lớn của Việt Nam, Vinpearl hiện nay đang có 45 cơ sở tại 17 tỉnh, thành trên toàn quốc, về công suất phòng trên 18,500 phòng khách sạn và biệt thự. "Chúng tôi cho rằng để hiện thực hóa cam kết mang đến dịch vụ đẳng cấp, trải nghiệm xuất sắc thì việc không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chính là điều kiện tiên quyết", đại diện Vingroup nói.

"Chúng tôi cũng đưa ra những sản phẩm mới đón đầu xu hướng thế giới như nghỉ dường phục hồi, nghĩ dưỡng biển kết nối gia đình, nghỉ dưỡng tại resort 5 sao; hội họp kết hợp du lịch giải trí (MICE)".

Bên cạnh chiến lược đầu tư bài bản sản phẩm phục vụ, Vinpearl còn chủ động phát triển các thị trường khách quốc tế tiềm năng, tạo động lực mới cho du lịch Việt Nam.

Thời gian qua, ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á; Nga, Trung Quốc, Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và đã đạt được những thành tựu khả quan.

"Chúng tôi kỳ vọng với những nỗ lực của Vinpearl và các doanh nghiệp để đa dạng hóa, làm mới sản phẩm thì sẽ là sự chung tay hiệu quả để thực hiện thành công những mục tiêu của Chính phủ và ngành du lịch trong điều kiện bình thường mới, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, trở thành điểm đến hấp dẫn, đẳng cấp hàng đầu thế giới. Chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với những đề xuất về giải pháp ví dụ như quảng bá về thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi hợp lý về thuế…để thu hút khách du lịch và tại điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển".

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng thành lập 5 Tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (15/03/2023)

>   36 doanh nghiệp tố cơ chế giá điện mặt trời, điện gió 'bất cập về pháp lý' (14/03/2023)

>   Hai tháng đầu năm, TP.HCM chưa giải ngân được 1% vốn đầu tư công (14/03/2023)

>   Việt Nam gặp 'đối thủ' nặng ký trong cạnh tranh đón khách Trung Quốc (14/03/2023)

>   Reuters: Thế khó của Việt Nam khi nhu cầu nước ngoài suy yếu (13/03/2023)

>   Tập đoàn năng lượng lớn nhất Thái Lan muốn đầu tư vào loạt dự án tại Việt Nam (12/03/2023)

>   Bất ngờ kiểm tra loạt shop kinh doanh ‘hàng hiệu’ ở TPHCM (11/03/2023)

>   Để thu hút FDI nhiều hơn, Việt Nam cần định hướng vào tăng trưởng xanh và kinh tế số (11/03/2023)

>   50 CSGT tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm từ sáng 11/3 (10/03/2023)

>   Xuất khẩu sản phẩm cơ khí - cơ hội tỷ USD của Việt Nam (10/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật