Thứ Sáu, 17/03/2023 10:15

Gỡ vướng cơ chế: Nói dễ làm khó

Một dự án cao tốc thuộc hàng trọng điểm quốc gia đang giậm chân tại chỗ từ năm 2019 đến nay vì lý do “vướng cơ chế”. Thời gian vướng không phải tính bằng đơn vị tuần mà bằng tháng hay năm và chưa biết bao giờ mới gỡ vướng xong. Trong khi đó, cứ mỗi ngày chậm vận hành thì mức thiệt hại cho nền kinh tế lẫn chủ đầu tư dự án phải tính bằng tiền tỉ đồng.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ảnh: N.K

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58 ki lô mét nối cao tốc Long Thành – Dầu Giây vào cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, trở thành mạch máu giao thông chủ đạo giữa miền Đông với miền Tây Nam bộ. Cao tốc này giúp người dân các tỉnh miền Tây đi lại các tỉnh Đông Nam bộ nhanh hơn, nhất là khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng, khởi công năm 2014 dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng đã phải ngừng thi công từ năm 2019 đến nay vì vướng cơ chế tài chính.

Theo bảng báo cáo mới nhất trong tháng này của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án hiện đã đạt 81%. Từ năm 2019, khi dự án trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được phân bổ vốn.

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình trình Thủ tướng, xin điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính và cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để thi công phần còn lại của cao tốc này. VEC cũng khẳng định sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn đã cam kết, nguồn vốn hợp pháp của VEC đảm bảo đủ để cân đối vốn cho các hạng mục, công việc trong dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã nhận đủ ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan và ủng hộ sự cần thiết phải điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quan điểm từ phía Bộ Tài chính vì theo Bộ này, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp. Vì vậy, dự án huyết mạch giao thông này tiếp tục “đứng hình” vì vướng cơ chế tài chính và không biết đến bao giờ mới tháo gỡ xong.

Dự kiến cuối năm 2023, tuyến cao tốc từ Nha Trang đến TPHCM và TPHCM – Cần Thơ sẽ thông tuyến nhưng khớp nối Long Thành – Bến Lức chưa xong khiến việc lưu thông xe cộ lại phải “quá cảnh” vào các tuyến đường của TPHCM thay vì đi thẳng. Việc chậm trễ này cũng khiến cho lưu thông đến sân bay Long Thành bị trễ nhịp.

Trong khi hàng loạt dự án cao tốc thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông như Mai Sơn – quốc lộ 45 hay Vĩnh Hảo – Phan Thiết – Dầu Giây có quy mô dài hơn và thời gian khởi công trễ hơn đều về đích hoàn thành trong năm 2023 thì cao tốc Bến Lức – Long Thành lại không kịp hòa mạng. Thật đáng tiếc!

Điều đáng tiếc hơn nữa từ việc chậm trễ thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành là gián tiếp làm mất đi cơ hội phát triển của vùng kinh tế phía Nam, hành khách và hàng hóa lưu thông từ Đông qua Tây Nam bộ tiếp tục chịu cảnh đi đường vòng qua TPHCM, làm tình trạng quá tải của quốc lộ 1 và 51 càng thêm trầm trọng.

Cơ chế vốn dĩ do con người chứ không phải do một thế lực siêu nhiên nào tạo ra. Liệu các cơ quan chức năng có liên quan trong vụ “vướng cơ chế” này đã tận lực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ phù hợp nhất vì lợi ích chung, vì sự phát triển của vùng kinh tế phía Nam chưa? Vì sao không tìm ra những công thức tổng quát để gỡ vướng mà cứ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể khiến nền kinh tế phải chịu những thiệt hại không đáng có như vậy?

Mục Nhĩ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thành phố Tân Uyên (Bình Dương) tích cực đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, đô thị (20/03/2023)

>   Ông Trần Hồng Hà: "Cao tốc Bến Lức-Long Thành trì trệ trong khi tiền nhàn rỗi của VEC đang gửi tiết kiệm!" (13/03/2023)

>   Quảng Ngãi duyệt quy hoạch 1/500 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đảo Ngọc gần 4,000 tỷ đồng (14/03/2023)

>   Eximbank đề xuất cấp tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia dự án cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc (14/03/2023)

>   Thi công hầm Núi Vung - cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp khó (13/03/2023)

>   Quyết tâm xây dựng 2 tuyến cao tốc chiến lược (12/03/2023)

>   Công ty Đại Quang Minh phải sớm bàn giao 3 tuyến đường khu Thủ Thiêm cho TPHCM (10/03/2023)

>   Bộ Giao thông lên tiếng việc lùi tiến độ hoàn thành sân bay Long Thành (09/03/2023)

>   Khu kinh tế Dung Quất diện tích hơn 45.3 ngàn ha (09/03/2023)

>   TP.HCM: Xây dựng đô thị nén ở 5 huyện ngoại thành (09/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật