Thứ Hai, 13/03/2023 06:45

Thi công hầm Núi Vung - cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp khó

Chủ đầu tư dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết hạng mục hầm Núi Vung đang chậm tiến độ do địa chất khác với thiết kế ban đầu.

Hầm Núi Vung dài 2,25 km, nối hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là khớp nối quan trọng của cao tốc thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc dự án trọng điểm quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Hầm có quy mô ba làn xe, bề rộng 14 m. Theo hợp đồng sẽ thông hầm vào cuối tháng 3-2023 và hạng mục này được hoàn thành vào ngày 30-3-2024.

Địa chất yếu, khác với thiết kế?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cho biết hầm Núi Vung là hạng mục quan trọng nhất của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Đây là hầm đường bộ lớn thứ tư cả nước. Tuy nhiên, hạng mục này đang chậm tiến độ đào do gặp phải địa chất yếu, khác với thiết kế ban đầu. Theo ông Thắng, đến ngày 5-3, mũi hầm phía bắc đã đào được hơn 1.500 m nhưng mũi hầm phía nam mới chỉ đào được 300 m do gặp địa chất yếu.

“Tháng 12-2022, chúng tôi đã gặp địa chất yếu. Thiết kế của đơn vị tư vấn có dự kiến số liệu địa chất nhưng theo tỉ lệ phần trăm chứ không cụ thể từng phân đoạn. Do đó, khi thi công thực tế thì không phù hợp. Nói chung, do chất lượng khảo sát chưa tốt” - ông Thắng nói.

Theo phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hồ sơ thiết kế dự án do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập, được Bộ GTVT thẩm định và phê duyệt. Vấn đề địa chất yếu không được đơn vị tư vấn dự báo trong hồ sơ thiết kế.


Hầm Núi Vung đang chậm tiến độ do gặp địa chất yếu. Ảnh: NT

Công nhân đang thi công bên trong hầm Núi Vung. Ảnh: NT

Vị này cũng cho biết thêm: Các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trước đây nhà đầu tư tham gia vào quá trình thiết kế thi công. Nhà đầu tư sẽ dựng quan trắc dọc hầm để đưa ra đánh giá địa chất từng lý trình và giải pháp thi công phù hợp. Tuy nhiên, dự án này Bộ GTVT duyệt thiết kế kỹ thuật xong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Vì vậy, theo ông Thắng, do vấn đề địa chất không được cảnh báo trong hồ sơ thiết kế nên nhà thầu phải dựa vào địa chất thực tế để quyết định phương án chống đỡ. Điều này dẫn đến việc bị động trong giải pháp thi công. Nhiều thời điểm, nhà thầu phải dừng đào để thực hiện chống đỡ, gia cố. “Chúng tôi vừa làm vừa quan trắc để đảm bảo an toàn. Tốc độ đào chỉ đạt 1/3 so với dự kiến, nếu địa chất xấu hơn nữa phải dừng đào để xử lý. 400 m còn lại, tốc độ thi công phụ thuộc vào địa chất” - ông Thắng nói.

Bộ GTVT nói không phải do thiết kế

Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết để bảo đảm an toàn, nhà đầu tư đã năm lần mời chuyên gia của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Ban quản lý dự án 85 và đơn vị tư vấn thiết kế vào dự án để tìm giải pháp xử lý. Đồng thời báo cáo Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã áp dụng phương pháp đào gương hầm nửa trên kết hợp với làm vòm ngược, chống tạm kết cấu trong khi thi công, kiểm soát biến dạng thường xuyên 2 giờ/lần đo, thời gian thi công 24/7. Cùng với đó, tổ chức nhiều mũi thi công phía bắc để bù tiến độ.

Trao đổi với PV, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT, xác nhận Tập đoàn Đèo Cả đã báo cáo vụ việc lên Bộ GTVT. Tuy nhiên, ông Dũng nói vấn đề đang gặp phải ở hầm Núi Vung không phải do thiết kế.

Ông Dũng cho hay đây là việc bình thường. Hồ sơ thiết kế có khảo sát ban đầu, tuy nhiên quá trình thi công thực tế gặp những tầng địa chất phức tạp như trên phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và phương án thi công. Theo ông Dũng, các dự án giao thông đặc biệt là hầm lớn trong quá trình thi công rất dễ gặp những yếu tố bất thường về mặt địa chất. Những khu vực núi rừng, sông sẽ sinh ra những tầng địa chất phức tạp, yếu tố rủi ro.

“Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng phối hợp với nhà đầu tư và các bên thăm dò, đánh giá kỹ lại các yếu tố bất thường để có điều chỉnh phù hợp” - ông Dũng nói.

Phó chánh Văn phòng Bộ GTVT đánh giá chủ đầu tư đã cẩn trọng và thăm dò khảo sát kỹ lưỡng trong quá trình thi công nên đã kịp thời phát hiện yếu tố bất thường. Đồng thời đã báo cáo và tham mưu những điều chỉnh thiết kế để công tác thi công công trình được đảm bảo an toàn. Về tiến độ dự án, ông Dũng nói đây là trường hợp bất khả kháng nên Bộ GTVT sẽ xem xét.•

Cao tốc có tổng mức đầu tư 8.925 tỉ đồng

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Dự án dài 78,5 km, đi qua địa bàn ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Cao tốc có tổng mức đầu tư là 8.925 tỉ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung có thời gian thực hiện là 30 tháng.

Dự án được đầu tư theo hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, Công ty cp Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 làm nhà đầu tư.

HUỲNH HẢI

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Quyết tâm xây dựng 2 tuyến cao tốc chiến lược (12/03/2023)

>   Công ty Đại Quang Minh phải sớm bàn giao 3 tuyến đường khu Thủ Thiêm cho TPHCM (10/03/2023)

>   Bộ Giao thông lên tiếng việc lùi tiến độ hoàn thành sân bay Long Thành (09/03/2023)

>   Khu kinh tế Dung Quất diện tích hơn 45.3 ngàn ha (09/03/2023)

>   TP.HCM: Xây dựng đô thị nén ở 5 huyện ngoại thành (09/03/2023)

>   Trà Vinh kêu gọi đầu tư 44 dự án trong năm 2023 (09/03/2023)

>   Cầu Cần Giờ, mở rộng Quốc lộ 13 nằm nhóm dự án trọng điểm 2023 (07/03/2023)

>   Trình duyệt phương án mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong năm nay (05/03/2023)

>   'Thông mạch’ loạt dự án giao thông kết nối TPHCM và Đông Nam Bộ (04/03/2023)

>   Bố trí vốn nâng cao tốc lên bốn làn xe (03/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật