Thứ Tư, 08/03/2023 10:00

Để “thiên đường mua sắm” không đóng cửa, phải làm gì?

Từ tháng 2, thông tin nhiều tầng trong tòa tháp Bitexco đóng cửa rộ lên. Biểu tượng một thời của TP.HCM trở nên vắng lặng, chỉ còn hoạt động ở khu vực tầng trệt đến tầng 2, còn từ tầng 3 đến tầng 6 đều ngừng, kể cả thang máy. Hiện tượng này được phía chủ tòa nhà lý giải là họ chủ động rà soát các hợp đồng thuê để chuẩn bị cho kế hoạch cải tạo, nâng cấp tòa nhà và sẽ sớm hoạt động trở lại từ quý 2/2023.

Song rõ ràng hiện trạng này gần như là sự tiếp diễn của hàng loạt các trung tâm thương mại, mua sắm ở khu trung tâm thành phố, kể cả một số quận vùng ven vốn đã lâm cảnh “chợ chiều” từ nhiều năm qua. Từ thương hiệu Parkson một thời tưng bừng hay Diamond Plaza lộng lẫy thì nay nơi thu hẹp nơi trầm lắng. Cho đến việc ra đời của các “biểu tượng” mới như Takashimaya, Landmark 81, chưa kể sự cạnh tranh về giá, tính linh hoạt trong các điều kiện để hút khách thuê của các mặt bằng nhà phố có diện diện lớn, vị trí đắc địa càng khiến những tòa nhà như Bitexco trở thành “nạn nhân” bất đắc chí.

Nhưng, nếu đặt trong xu thế chung thì hiện trạng trên lại gần như là tất yếu khi một báo cáo từ năm 2017 của Credit Suisse đã đưa ra con số có đến 1/4 trung tâm thương mại ở Mỹ dự kiến đóng cửa vào năm 2022. Trước khi đại dịch Covid-19 ập đến, từ tháng 11/2019, các nhà bán lẻ đã công bố kế hoạch đóng cửa hơn 10,600 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Ở Anh, tình hình cũng tệ hại không kém khi 70 trong số 700 trung tâm mua sắm lâu đời đứng trước nguy cơ bị phá hủy vào năm 2021. Ở Nhật, chuỗi cửa hàng Nakago phải dẹp bỏ cửa hàng cuối cùng tại thành phố Fukushima sau 100 năm tồn tại.

Đây chính là thời điểm thoái trào của thói quen mua sắm truyền thống vốn khu trú trong các quầy hàng, nhãn hiệu ở các trung tâm thương mại. Thay vào đó, với “bình thường mới” là phong cách sống tích hợp và tập-quán-số, giờ thì ngoài chức năng mua sắm (shop and go) - cũng chỉ là “trạm dừng” trực tiếp sau khi đã “booking online” - trực tuyến - thì phải bao gồm cả khu ăn uống, giải trí, tập yoga, thể hình (all-in-one destination).

Làn sóng mới khởi đi từ thế hệ Milennials (sinh từ năm 1980 đến 1996) và ồ ạt với thế hệ Gen Z (sinh từ sau năm 1996) với “tình yêu tuyệt đối dành cho cuộc sống kỹ thuật số” đã thay vì chờ sự trợ giúp của những nhân viên bán hàng, họ thích tự mình lướt và click vào Instagram. Và quan trọng, họ “chìm đắm” trong thế giới phẳng với đầy đủ tính năng kết nối, tương tác “một mình với tất cả”.

Một công thức được các chuyên gia về dịch vụ tài chính thế giới đưa ra nhằm thay đổi cách tiếp cận, phục vụ khách hàng mang tên "3C", với Convenience (tiện lợi), Curation (quản lý) và Culture (văn hóa). Nó bao gồm việc mở rộng thành mô hình trung tâm mua sắm ngoài trời, tiện ích cho việc dừng xe gần khu vực mua sắm, ăn uống và sau đó có thể tiếp tục tản bộ khám phá. Việc quản lý trong một trung tâm mua sắm, giải trí khép kín được xem là lạc hậu cũng như cần khai phá tính đa dạng về sắc tộc của các vùng văn hóa khách hàng.

Như vậy, chừng nào sự tái cấu trúc của các trung tâm thương mại truyền thống đáp ứng các tiêu chí trên thì mới mang lại sự thỏa mãn của khách hàng, tạo ra một thời hoàng kim kế tiếp.

Riêng tại Việt Nam và TP.HCM, sự thay đổi tất yếu nói trên càng diễn ra mạnh mẽ. Dựa trên báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố thì tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với kết quả của năm 2021 (18 tỉ USD), dẫn đầu Đông Nam Á. Xếp sau lần lượt là các thị trường Singapore, Indonesia, Philippines (22%), Thái Lan (17%) và Malaysia (13%).

Sau đại dịch, thói quen và xu hướng tiêu dùng trên các phương tiện kỹ thuật số của người Việt tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%). Nhóm cư dân thành thị vẫn là những người sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất khi có tới 96% số tham gia khảo sát xác nhận có dùng dịch vụ và khoảng 85% cho biết họ sử dụng dịch vụ như mua hàng trực tuyến, vận tải, giao đồ ăn… Dẫn tới thương mại điện tử vẫn là quán quân trong việc đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam với giá trị ước đạt 14 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021.

Những tác động của cuộc khủng hoảng địa chính trị thương mại toàn cầu vẫn không cản được đà tăng tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam sẽ chạm mức 50 tỷ USD vào năm 2025. Và đây chính là nguồn cơn của sự thoái trào thói quen mua sắm cũ, đẩy đến cảnh đìu hiu, vắng ngắt của các trung tâm thương mại. Nếu không cập nhật kịp sở thích và thói quen mới, không tích hợp thành những concept mall tiện lợi, đa sắc thái như đã nêu thì sẽ kéo dài viễn cảnh cửa đóng then cài ngay “thiên đường mua sắm”.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Thái – Holding làm khu nhà ở xã hội gần 4.9 ngàn tỷ ở Hải Phòng (07/03/2023)

>   Aeon rục rịch xây trung tâm thương mại tại Hải Dương  (07/03/2023)

>   Cư dân Bình Dương hưởng ưu đãi lớn khi chọn Happy One Central (08/03/2023)

>   Vụ công ty Tân Thuận bán rẻ đất công: Bao giờ mở lại phiên tòa phúc thẩm? (06/03/2023)

>   Những đời chủ của dự án công viên Sài Gòn Silicon 52 ha sắp bị thu hồi (07/03/2023)

>   Để nhà ở xã hội không chỉ là ‘ngôi sao hy vọng’ (06/03/2023)

>   TPHCM gỡ đất công xen cài trong dự án bất động sản (06/03/2023)

>   Quốc Cường Gia Lai xin nhận lại hơn 16,9 tỷ đồng và đất Dự án khu dân cư Ven Sông (06/03/2023)

>   Số phận những trung tâm thương mại nổi tiếng một thời (05/03/2023)

>   Bất ngờ dự án trăm tỷ đền bù chưa đến 2.000 đồng (05/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật