Thứ Ba, 07/03/2023 13:00

Những đời chủ của dự án công viên Sài Gòn Silicon 52 ha sắp bị thu hồi

Được kỳ vọng sẽ mang mô hình Thung lũng Silicon (Mỹ) về Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), tuy nhiên, chủ đầu tư của dự án Công viên Sài Gòn Silicon - CTCP Công viên Sài Gòn Silicon sắp tới sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư do chậm triển khai so với kế hoạch.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 của SHTP ngày 14/02, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM sẽ hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Silicon của CTCP Công viên Sài Gòn Silicon trong năm 2023 do chậm triển khai.

Công viên Sài Gòn Silicon được khởi công vào tháng 08/2016, xây dựng theo mô hình Thung lũng Silicon (Mỹ). Tổng vốn đầu tư của dự án là 40 triệu USD (tương đương 860 tỷ đồng). Theo thông tin công bố, dự án tọa lạc tại lô I-6 và I-7, nằm bên cạnh đường D1 thuộc SHTP, tổng diện tích mặt bằng sử dụng là 52 ha.

Phối cảnh dự án Công viên Sài Gòn Silicon

Dự án được chia thành 33 vùng, tương ứng với 33 công trình xây dựng với diện tích từ 0.5ha đến 1.5ha; gồm 4 tòa nhà cho trung tâm quản lý, vận hành và dịch vụ, 24 khu xây dựng cho các nhà máy sản xuất công nghệ cao cho thuê, 1 tòa nhà cho trung tâm dịch vụ tổng hợp và kho xuất nhập khẩu, 1 khu xây dựng cho câu lạc bộ và trung tâm thể thao, 1 khu triển lãm, 1 trạm cơ sở hạ tầng (thu gom và xử lý rác thải tạm thời) và 8 nhà đậu xe sử dụng bảng năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, các khu đất rộng có diện tích từ 1 - 1.5 ha có thể được chia thành các khu đất nhỏ hơn có diện tích nhỏ hơn hoặc các lô đất nhỏ có thể được kết hợp thành vùng lớn hơn dựa trên nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư thứ cấp.

Tuy nhiên, sau ngày khởi công, dự án bị “bỏ hoang” trong nhiều năm. Đứng trước tình trạng này, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã lập biên bản và kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận cho SHTP thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án này.

Dự án hiện chỉ mới xây xong phần thô. Ảnh: Tuấn Trần
Cận cảnh dự án. Ảnh: Tuấn Trần
Một phần của dự án. Ảnh: Tuấn Trần
Thông tin về chủ đầu tư và nhà thầu chính của dự án. Ảnh: Tuấn Trần
Ảnh: Tuấn Trần
Bảng thông tin của dự án đã phai mờ theo thời gian. Ảnh: Tuấn Trần
Đường vào dự án. Ảnh: Tuấn Trần

Những đời chủ của Công viên Sài Gòn Silicon

Chủ đầu tư của dự án Công viên Sài Gòn Silicon là CTCP Công viên Sài Gòn Silicon (SSC), thành lập ngày 27/04/2015, tức chỉ hơn 1 năm trước khi dự án được khởi công. Tại thời điểm thành lập, Công ty này có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập.

Cụ thể, ông Nguyễn Trung Quang (đã thoái hết vốn), 2 doanh nghiệp vốn nước ngoài là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Kinh doanh Địa ốc Việt R.E.M.A.X (Việt R.E.M.A.X) và Công ty TNHH Vector Fabrication (Việt Nam) lần lượt nắm 51% và 40%.

Ông Nguyễn Hoàng Kiệt (quốc tịch Việt Nam) được báo giới nhắc đến là người đại diện nhóm Việt Kiều đứng ra thành lập Saigon Silicon City A California Corporation vào năm 2014. Đồng thời, nhóm này đề cử ông Hiếu về Việt Nam thành lập SSC vào năm 2015.

Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của SSC tại thời điểm thành lập là ông Nguyễn Minh Hiếu (quốc tịch Mỹ), đồng thời cũng là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Việt R.E.M.A.X. Quá trình “đổi chủ” giữa 2 công ty này cũng tương tự nhau.

Cụ thể, vào ngày 05/09/2019, SSC thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Hiếu sang ông Nguyễn Hoàng Kiệt - Tổng Giám đốc của Công ty. Ông Hiếu vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Minh Hiếu (thứ 3 từ trái sang) - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Thành Tân - Tổng Giám đốc SAGEN (bên phải), trong buổi lễ SSC ký hợp đồng thiết kế, quản lý - tư vấn giám sát dự án với SAGEN.

Việt R.E.M.A.X thành lập ngày 09/03/2004 với vốn điều lệ cũng là 400 tỷ đồng. Trong đó, ông Hiếu góp 95%, còn lại 5% do ông Trần Văn Minh góp. Ông Hiếu giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Điều khá thú vị ở Việt R.E.M.A.X là vào năm 2017, Công ty đã dời trụ sở chính từ số 22 Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5, TPHCM sang số 29B Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1. Tuy nhiên, chưa được  1 năm, vào ngày 06/06/2018, Công ty lại chuyển trụ sở về số 22 Nguyễn Văn Đừng.

Gác lại câu chuyện đổi địa chỉ, vào ngày 13/02/2019, trước khi chuyển giao tại SSC, ông Hiếu đã chuyển giao cả chức danh người đại diện pháp luật và Giám đốc Việt R.E.M.A.X cho ông Kiệt. Bên cạnh đó, ông Kiệt cũng trở thành người đại diện cho 95% vốn mà ông Hiếu đã góp.

Không có nhiều mối liên hệ như Việt R.E.M.A.X, cổ đông sáng lập còn lại của SSC - Vector Fabrication là một công ty sản xuất mạnh in (PCB) được thành lập vào năm 1995, hiện tại chưa có thông tin nào cho thấy công ty này có liên quan đến ông Hiếu.

Trở lại với SSC, trong giấy phép kinh doanh mới nhất công bố vào ngày 10/08/2022, ngoài ông Kiệt giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, Công ty bổ sung thêm ông Nguyễn Cao Trí giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật.

Ông Nguyễn Cao Trí

Ông Nguyễn Cao Trí có lẽ là cái tên không quá xa lạ trên thương trường. Doanh nhân sinh năm 1970 này là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) - doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong ngành F&B như Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall.

Bên cạnh đó, Capella Holdings còn mở rộng kinh doanh sang mảng bất động sản với một số dự án như cao ốc The One Saigon hay các dự án khu công nghiệp (KCN) như KCN Thanh Liêm (Hà Nam), KCN Tam Thăng II (Quảng Nam), Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư (Bắc Giang), KCN Nhân Hòa - Phương Liễu (Bắc Ninh)…

Ngoài Capella Holdings, ông Trí đã và đang tham gia HĐQT nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (UPCoM: KHA), CTCP Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB).

Tháng 01/2023, SGB thông báo ông Trí không còn là thành viên HĐQT của Ngân hàng này kể từ ngày 19/01/2023. Lý do của quyết định trên không được SGB công bố.

Hà Lễ

FILI

Các tin tức khác

>   Để nhà ở xã hội không chỉ là ‘ngôi sao hy vọng’ (06/03/2023)

>   TPHCM gỡ đất công xen cài trong dự án bất động sản (06/03/2023)

>   Quốc Cường Gia Lai xin nhận lại hơn 16,9 tỷ đồng và đất Dự án khu dân cư Ven Sông (06/03/2023)

>   Số phận những trung tâm thương mại nổi tiếng một thời (05/03/2023)

>   Bất ngờ dự án trăm tỷ đền bù chưa đến 2.000 đồng (05/03/2023)

>   Hàng loạt biệt thự bỏ không trở thành nhà cho thuê giá rẻ (05/03/2023)

>   Công ty 4 ngày tuổi xin 269 ha đất tại Lâm Đồng để trồng macca, làm du lịch sinh thái (04/03/2023)

>   Thái Nguyên kêu gọi đầu tư khu đô thị Quyết Thắng gần 1,500 tỷ đồng (04/03/2023)

>   Tháng 02/2023: Dự án nào được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai? (06/03/2023)

>   Đề xuất các giải pháp đẩy nhanh đầu tư nhà ở xã hội (04/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật