Credit Suisse nằm trong nhóm 30 ngân hàng quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu
Thị trường chứng khoán lao đao trước những thông tin đáng ngại về Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sỹ. Không chỉ thế, đây cũng là ngân hàng được giới chức quốc tế đánh giá là quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu.
Theo thông tin từ Bloomberg, Credit Suisse nằm trong nhóm 30 ngân hàng được đánh giá là quá quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu và họ buộc phải giữ thêm vốn và đáp ứng các tiêu chuẩn khác theo quy định.
Dưới đây là danh sách những ngân hàng quan trọng với hệ thống tài chính toàn cầu – vốn được lập ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và điều chỉnh sau mỗi năm.
Nguồn: Bloomberg
|
Theo đó, Credit Suisse nằm trong nhóm yêu cầu phải bổ sung thêm 1% vốn an toàn. Trong nhóm này cũng bao gồm có Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABoC), Bank of New York Mellon, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Groupe BPCE, Groupe Crédit Agricole và các ngân hàng khác.
Trong nhóm yêu cầu bổ sung thêm 1.5% vốn an toàn là Bank of China, Barclays, BNP Paribas, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), Mitsubishi UFJ FG.
Nhóm cần bổ sung 2% vốn an toàn gồm có Bank of America, Citigroup và HSBC. Nhóm yêu cầu bổ sung 2.5% chỉ có JPMorgan Chase và hiện chưa có ngân hàng nào bị yêu cầu bổ sung 3.5% vốn an toàn.
Rắc rối tại Credit Suisse nổi lên từ đầu tuần này khi ngân hàng cho biết họ phát hiện ra “lỗ hổng quan trọng” trong báo cáo tài chính năm 2020 và 2021. Kế đó, Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út (SNB), nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, cho biết họ không thể cung cấp thêm vốn cho Credit Suisse.
Những yếu tố này khiến giới đầu tư ái ngại và giá cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh hơn 30% trong thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, những ngân hàng giao dịch với Credit Suisse Group đang nhanh chóng tìm cách bảo vệ bản thân bằng cách ký các hợp đồng với điều khoản phải bồi thường cho họ nếu ngân hàng Thụy Sỹ này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Trong ngày giao dịch 15/03, giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 1 năm tăng đáng kể so với các kỳ hạn dài hơn. Chênh lệch giá mua – bán lên tới 10 điểm. Theo Bloomberg, giá CDS của Credit Suisse đã tăng lên mức tương đương với hồi khủng hoảng.
Giá hợp đồng CDS của Credit Suisse
|
Sự vụ của Credit Suisse gây lo ngại đến nỗi Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ phải đứng ra cam kết bơm thêm vốn cho ngân hàng này. Ngoài ra, NHTW cho biết “Credit Suissê vẫn đáp ứng được yêu cầu vốn và thanh khoản đối với một ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống".
Dù vậy, tâm lý thị trường vẫn chưa ổn định sau lời trấn an trên, với giá CDS của Credit Suisse vẫn còn ở mức rất cao.
Rắc rối đã lường trước
Theo Hebe Chen, Chuyên viên phân tích tại IG Markets, những rắc rối ở Credit Suisse đã được lường trước, “nhưng thời điểm xảy ra không thể nào tệ hơn. Thiệt hại gây ra cho thị trường giống như xát muối vào vết thương”.
Hebe Chen cho biết thị trường sẽ cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin. Nếu cuộc họp của Fed tuần tới không ra thông tin gì xoa dịu, nỗi đau sẽ tiếp tục lan rộng ra các lĩnh vực khác và châm ngòi cho tâm lý né tránh rủi ro trên toàn cầu.
Vị chuyên viên phân tích cho biết giờ thì Fed chỉ có thể chọn giữa “các phương án tệ”. Phương án nâng 25 điểm cơ bản có thể là phương án nằm giữa “tệ nhất” và “đỡ tệ nhất”, khi lạm phát vẫn còn quá cao đến nỗi khó có thể tạm ngừng nâng lãi suất.
Đây không phải là lần đầu tiên niềm tin ở Credit Suisse lung lay. Cách đây 3 tháng, ngân hàng này cũng làm giới đầu tư lo ngại về một khoảnh khắc "Lehman Brothers" sau khi liên tục thua lỗ và nhiều nhân sự tài năng rời đi. Họ cũng mắc nhiều sai lầm liên quan tới Archegos Capital Management và Greensill.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|