Chủ ngân hàng nào sở hữu vốn lớn nhất?
Với các yếu tố đặc thù của lĩnh vực kinh tế nhạy cảm như ngành ngân hàng, chủ sở hữu của các nhà băng đã không còn là người nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhất nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn và minh bạch trong hoạt động của ngân hàng.
Trong năm qua, mặc dù các chủ sở hữu ngân hàng không giao dịch mua bán cổ phiếu nhưng số cổ phần vẫn tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng và cũng chính vì vậy mà tỷ lệ sở hữu của chủ sở hữu ngân hàng vẫn không đổi so với năm 2021.
Chấm dứt sở hữu vượt trần?
Căn cứ Điều 55 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5%, với tổ chức không vượt quá 15%. Đồng thời, đảm bảo tổng sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông liên quan không vượt quá 20% vốn ngân hàng.
Để đảm bảo quy định trên, các cổ đông lớn của ngân hàng đã bán bớt hoặc chia nhỏ số cổ phần, chuyển nhượng lại cho người thân trong gia đình để đảm bảo mỗi cá nhân nắm không quá 5% và nhóm người liên quan nắm không quá 20%.
Báo cáo quản trị năm 2022 của các ngân hàng cho thấy, tình trạng vượt trần sở hữu ngân hàng đã chấm dứt.
Đơn cử như Chủ tịch HĐQT SHB - ông Đỗ Quang Hiển và những người liên quan nắm giữ hơn 613 triệu cp SHB, tương đương 19.99% vốn cổ phần ngân hàng tính đến cuối năm 2022.
So với năm 2021, số cổ phần của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và những người liên quan tăng thêm gần 80 triệu cp nhưng tỷ lệ sở hữu vẫn giữ nguyên do SHB đã phát hành thành công hơn 400 triệu cp để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, qua đó nâng vốn điều lệ lên mức 30,674 tỷ đồng.
Nắm gần 271 triệu cp OCB, chiếm tỷ lệ 19.76% vốn, sở hữu của ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT và những người liên quan tại OCB cũng tuân thủ quy định trần sở hữu ngân hàng. So với năm 2021, tỷ lệ cổ phần của ông Tuấn và những người liên quan không đổi.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT VPBank - ông Ngô Chí Dũng và những người liên quan nắm giữ đến hơn 1 tỷ cp VPB, tương đương 15.48% vốn cổ phần ngân hàng tại ngày 31/12/2022. Chiếu theo thị giá cuối phiên 14/02/2022 là 16,700 đồng/cp, khối tài sản này có giá trị gần 30,322 tỷ đồng.
Trong năm qua, dù số cổ phần của ông Dũng và những người liên quan tăng gần 143.5 triệu cp so với năm 2021 do VPBank phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện là 50%, song, tổng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch và người liên quan lại giảm 4.51%. Nguyên nhân chính là do không còn ghi nhận sở hữu của CTCP Diera Corp tại ngân hàng với gần 205 triệu cp, tương đương tỷ lệ 4.54% vốn như hồi cuối năm 2021. Tại thời điểm đó, CTCP Diera Corp được ghi nhận là tổ chức có liên quan đến Chủ tịch Ngô Chí Dũng, do con gái của ông là bà Ngô Minh Phương sở hữu trên 10% vốn điều lệ của Diera Corp.
Chỉ riêng sở hữu cá nhân của vị Chủ tịch này đã lên đến 329 triệu cp VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4.87%. Đây cũng là số cổ phần lớn nhất trong số các Chủ tịch ngân hàng sở hữu.
Việc siết chặt quy định về sở hữu cổ phần của cổ đông đóng vai trò hết sức quan trọng để các ông chủ ngân hàng không nắm quyền lực tuyệt đối, hoạt động ngân hàng sẽ minh bạch hơn, các khoản cấp tín dụng cho các doanh nghiệp sẽ được thẩm định chuẩn mực hơn, tình trạng dồn vốn cho các doanh nghiệp sân sau sẽ không xảy ra…
Chủ tịch không sở hữu cổ phiếu
Đa số đều nghĩ rằng người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng sẽ là chủ sở hữu với tỷ lệ nắm giữ vốn lớn nhất. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, câu chuyện sở hữu lại hoàn toàn khác khi vẫn có một số ông chủ thực sự đứng phía sau, không trực tiếp ngồi ghế Chủ tịch.
Tại TPBank, ông Đỗ Minh Phú không nắm bất kỳ cổ phiếu nào trong ngân hàng nơi ông đang làm Chủ tịch HĐQT. Dù vậy ông vẫn được biết đến là người quyền lực nhất tại Ngân hàng này khi nhóm người có liên quan đến ông đang nắm giữ hơn 290 triệu cp, tỷ lệ tương đương 18.36%, không đổi so với năm 2021. Theo đó, ông Phú chính là đại diện cho gần 94 triệu cp vốn góp của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji - nơi ông đang là Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tập đoàn và những người có liên quan đến ông cũng đang là lãnh đạo cấp cao của Doji.
Tuy là Phó Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ tỷ lệ 3.7% cổ phần HDBank, tương đương gần 94 triệu cp. Không những thế, bà Phương Thảo và người có liên quan cũng nắm giữ gần 458 triệu cp HDB, tương đương sở hữu 18.09% vốn Ngân hàng.
Trong khi đó, ông Kim Byoungho - Chủ tịch HĐQT HDBank không sở hữu cổ phần nào của Ngân hàng.
Tương tự, bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch HĐQT NCB không sở hữu cổ phần NVB, nhưng ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT và những người liên quan sở hữu hơn 57 triệu cp NVB, chiếm tỷ lệ 10.25% vốn.
Tại SeABank, Chủ tịch HĐQT Lê Văn Tần sở hữu gần 4.5 triệu cp SSB, tương đương 0.22% vốn. Còn bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT cùng những người liên quan sở hữu 16.54% vốn Ngân hàng, tương đương hơn 103 triệu cp SSB. Riêng sở hữu của “Madam Nga” đã hơn 72 triệu cp, chiếm tỷ lệ 3.54%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của bà Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank và cũng là con gái bà Nga cũng lên đến 2.36%, tương đương hơn 48 triệu cp.
Chủ tịch HĐQT thường là người đại diện theo pháp luật, song Chủ tịch chưa hẳn là người nắm giữ nhiều vốn nhất tại ngân hàng. Pháp luật hiện hành chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, nhưng không quy định đó phải là người sở hữu cổ phần ngân hàng nhiều nhất. Cũng vì lẽ đó, chủ sở hữu nhà băng tại Việt Nam rất đa dạng, nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất ngân hàng.
Ái Minh
FILI
|