Thứ Hai, 06/03/2023 08:01

Cần ứng xử kiên quyết hơn với bancassurance

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) “vỡ trận” là điều cần thiết để tái lập quỹ đạo đúng đắn cho ngành bảo hiểm nhân thọ, nhưng cần phải có sự ứng xử mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý.

Năm 2021, trong câu chuyện trao đổi với báo chí về việc “mua bia kèm lạc” trên kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, một lãnh đạo đơn vị quản lý bảo hiểm đã lo ngại về sự đi lên nhanh của bancassurance nếu không cẩn thận sẽ kéo lùi sự phát triển nói chung của ngành bảo hiểm nhân thọ. Ở thời điểm đó, những lo ngại về sự biến tướng của bancassurance như đốm lửa nhỏ, nhưng đến nay có vẻ đã bùng lên thành đám lửa lớn.

Biết là vậy nhưng ở thời điểm đó, hầu như không có biện pháp nào để tăng cường chất lượng thị trường, trong khi đó hàng loạt các thương vụ bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng trị giá hàng ngàn tỉ đồng vẫn liên tục được ký kết.

Bản chất bancassurance là một kênh bán hàng, khi tăng trưởng nóng sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu nếu không kiểm soát cũng là chuyện thường thấy. Có thể nhớ lại giai đoạn thập niên 2000, khi bảo hiểm nhân thọ vừa mới xuất hiện, cũng đã có những đại lý bảo hiểm làm trái quy định. Nhiều năm sau đó, thị trường dần đi vào quỹ đạo, nhưng ấn tượng tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ chưa xóa nhòa, nay những vấn đề của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng lại khiến nhiều người quay lại cách nhìn cũ.

Trên các mạng xã hội, nhiều nhân viên ngân hàng cũng cho biết rất áp lực với chỉ tiêu bán bảo hiểm của nhà băng; không thiếu các nhân viên bộ phận khác cũng bày tỏ thái độ phản đối. Trong khi đó, một số khách hàng chia sẻ cách hủy hợp đồng không mất phí (thường là 21 ngày, khoảng thời gian công ty bảo hiểm đưa ra để khách hàng suy nghĩ lại).

Trên thực tế, trong vài năm gần đây, tỷ lệ bỏ hợp đồng năm đầu tiên tăng lên đáng kể và đã có nhiều bài viết cảnh báo về tình trạng “mua bia kèm lạc” qua ngân hàng. Con số này chắc hẳn cơ quan quản lý nhà nước phải nắm, nhưng liệu có thể công khai để thị trường cùng giám sát?

Thị trường biến tướng là thấy rõ, nhưng hàm ý câu chuyện ở đây rằng, vì sao cơ quan quản lý không làm mạnh tay hơn với bancassurance từ khi mới hình thành và phát triển?

Tính đến nay, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ, theo Bộ tài chính. Tỷ lệ này gần như tăng gấp đôi so với cách đây hơn 3 năm. Ở các thị trường phát triển, các chuyên gia trong ngành cho biết kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng chiếm tỷ lệ đến 50%, vì tính hiệu quả và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc phát triển nhanh đã dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong đó, điều quan trọng là vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” khi mua bảo hiểm.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ đầu tháng 2 đến nay, hàng loạt các thông tin cho thấy mặt trái của bancassurance trên thị trường. Nhưng điều đáng chú ý hơn là sự xuất hiện một số trường hợp mà thông tin ban đầu cho thấy có yếu tố lừa đảo, khách hàng bị “dụ” ký hợp đồng. Đây là câu chuyện hoàn toàn khác so với vấn đề “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn.

Tất nhiên cả hai trường hợp đều cần phải được làm rõ thông tin đến nơi đến chốn. Nhưng nhìn chung, đa phần khách hàng sẽ ở thế yếu xét theo hợp đồng, nếu không có bằng chứng đủ mạnh để chứng minh đại lý bảo hiểm đã tư vấn sai, không đủ thông tin hoặc gây hiểu nhầm.

Dù vậy, việc tự chứng minh cũng phần nào gây khó đối với khách hàng cá nhân. Mặc dù câu chuyện ép mua bảo hiểm khi vay là khá rõ ràng, nhưng trên thực tế nhân viên ngân hàng dễ dàng “lách” bằng việc đưa ra nhiều phương án liên quan đến câu chuyện chi phí, không vay thì thôi!

Nếu nhìn từ góc độ thị trường, bancassurance trong thời gian qua tăng trưởng nhanh một phần vì có những yếu tố khách quan, khiến hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị “tranh thủ”.

Một là câu chuyện room tín dụng nhanh chóng cạn kiệt vào năm ngoái, khiến nhiều khách hàng “tặc lưỡi” đồng ý vay, coi như một phần chi phí để được việc.

Hai là thị trường chứng khoán đi lên, hiệu suất đầu tư của các quỹ đầu tư của công ty bảo hiểm cũng tăng đáng kể, khiến nhiều bên (cả nhân viên tư vấn ngân hàng và khách hàng) tập trung vào sản phẩm phụ là đầu tư thay vì sản phẩm chính là bảo hiểm.

Nhưng khi thị trường đi xuống trong nửa sau của năm, giá trị tài khoản đầu tư cũng giảm mạnh, không chỉ là các nhà đầu tư chứng khoán mà cả nhiều người cầm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nhìn ở góc độ này, người mua bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư cũng không khác gì người mua trái phiếu doanh nghiệp ở các nhà băng.

Nhận thức về sản phẩm bảo hiểm chưa đầy đủ cũng được xem là một nguyên nhân dẫn đến việc khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm trong trạng thái “nửa tỉnh nửa mơ”, nhưng tình hình hiện nay buộc các cơ quan quản lý phải sớm thay đổi để cải thiện chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng, đồng thời cũng là để lấy lại niềm tin cho thị trường.

Trong “vùng nhiễu loạn” thông tin, Bộ Tài chính đề xuất hàng loạt các quy định mới, chẳng hạn như ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng. Các tài liệu sản phẩm phải phản ánh đủ, rõ ràng mà không tạo cho người mua bảo hiểm bất kỳ kỳ vọng hoặc hiểu lầm nào.

Về phần các công ty bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn và phối hợp xử lý khiếu nại với các nhà băng, trong đó có kiểm tra độc lập trước khi quyết định phát hành hợp đồng. Điều này là cần thiết dù các ý kiến ban đầu cho rằng sẽ làm tăng chi phí cho các bên tham gia thị trường.

Nhìn ở một góc độ khác, các vụ việc bancassurance hiện nay lại là một cơ hội tốt để điều chỉnh quỹ đạo thị trường đi đúng hướng, đúng bản chất, tránh trường hợp “vỡ trận” lớn hơn trong tương lai.

Nhưng câu chuyện bảo hiểm hiện nay đòi hỏi sự ứng xử mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý, thay vì chờ đợi những bằng chứng cụ thể từ phía các cá nhân, các vụ việc riêng lẻ. Có lẽ cần kiên quyết xử lý vài trường hợp cụ thể để mang tính răn đe cho thị trường, cũng như kéo lại sự uy tín chung cho ngành bảo hiểm nhân thọ trong dài hạn.

D.Nguyễn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Một ngân hàng lên tiếng về khiếu nại liên quan hợp đồng bảo hiểm (03/03/2023)

>   Nhiều người lo mất trắng trăm triệu đồng vì gửi 'tiết kiệm đầu tư' (27/02/2023)

>   Chấn chỉnh các ngân hàng, không để xảy ra việc 'ép' khách mua bảo hiểm (25/02/2023)

>   Ngân hàng bị tố bán bảo hiểm đội lốt 'tiết kiệm đầu tư' (22/02/2023)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tăng cường kiểm soát hoạt động (22/02/2023)

>   Bốn công ty bảo hiểm liên kết ngân hàng bị thanh tra (22/02/2023)

>   Xử lý nghiêm ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm (21/02/2023)

>   Cử tri 12 tỉnh, thành kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy (21/02/2023)

>   Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo nóng về việc "Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm" (20/02/2023)

>   Xu hướng nào cho nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ? (16/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật