Thứ Hai, 13/03/2023 07:00

'Cà phê Việt Nam cần tăng giá trị hơn nữa'

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng cà phê Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhưng cần tăng giá trị hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm, cần chú ý yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm, phát triển du lịch với cà phê.

Phát triển cà phê chất lượng cao

Ngày 12/3, tại TP.Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo ngày 12/3

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, với diện tích cả nước hơn 710.000ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Cây cà phê được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% sản lượng cà phê của cả nước.

Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà - cho biết, việc sản xuất cà phê của Việt Nam cũng như tỉnh Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị, nhiều HTX được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; đặc biệt là cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê.

Tại hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp nhận định việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi phù hợp để nâng tầm ngành hàng cà phê Việt Nam nhằm kích thích và khai thác tiêu dùng thị trường cà phê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) - đưa ra 5 ý kiến nhằm xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, đặc sản gồm: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; tập trung chế biến sâu, biến Tây Nguyên trở thành trung tâm chế biến cà phê của thế giới; Nâng cấp hệ thống giao thông, logistics; thực hiện quảng bá thương hiệu và chất lượng cà phê Việt Nam; xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành cà phê.

Cơ hội và thách thức

Chia sẻ tham luận thông qua hình thức trực tuyến, bà Luccy Fu - Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Trung Quốc - nhận định, xu hướng sử dụng cà phê của người dân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng cà phê vào bữa sáng đang phổ biến hơn đối với giới trẻ, người dân thành thị, đây là phân khúc khách hàng tiềm năng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam.

Bà Luccy Fu, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Trung Quốc chia sẻ tham luận

“Tôi mong có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam ký kết hợp tác trong lĩnh vực cà phê”, bà Luccy Fu nói.

Trưởng ban điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) Gerardo Patacconi khuyến nghị, ngành hàng cà phê Việt Nam cần sớm triển khai các kế hoạch, sẵn sàng thông qua đánh giá của Liên minh Châu Âu để đạt được xếp loại. Đồng thời ngành cà phê Việt Nam cần sẵn sàng đáp ứng những tiêu chí khắt khe mà Liên minh Châu Âu yêu cầu, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của cà phê Việt Nam vào thị trường Châu Âu.

Trưởng ban điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) Gerardo Patacconi trình bày tham luận qua hình thức trực tuyến

Phát biểu kết thúc hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan biểu dương và ghi nhận những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu là “tài liệu quý” để sau khi hội thảo kết thúc, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện chương trình phát triển cà phê trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành hàng cà phê Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhưng cần tăng giá trị hơn nữa, không chỉ dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm, cần chú ý yếu tố văn hóa, yếu tố trải nghiệm, phát triển du lịch với cà phê.

Khả Hưng

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Hơn 9 triệu đồng một con cua dừa (11/03/2023)

>   19 tỷ USD ngay bên cạnh, thời cơ để Việt Nam chiếm phần (10/03/2023)

>   Tận dụng lợi thế để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu năm 2023 (08/03/2023)

>   Giá lợn hơi giảm mạnh nhất 2 năm qua (07/03/2023)

>   Giá gạo xuất khẩu tăng gần 10% so với cùng kỳ dù khối lượng giảm (06/03/2023)

>   Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục năm 2023 (04/03/2023)

>   Doanh nghiệp gặp khó vì 2 Bộ ‘bao sân’ 1 mặt hàng (02/03/2023)

>   Xuất khẩu thủy sản tăng 4% trong tháng 2, thị trường Trung Quốc khả quan (02/03/2023)

>   Giá phân bón giảm thấp nhất trong vòng 2 năm (01/03/2023)

>   Lạ mắt thanh long vàng độc lạ, giá đắt gấp 15 lần loại thường (01/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật