Doanh nghiệp gặp khó vì 2 Bộ ‘bao sân’ 1 mặt hàng
Mặt hàng đông trùng hạ thảo là điển hình của sự quản lý chồng chéo gây bất cập cho doanh nghiệp khi cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Y tế đều "bao sân". Ngay trong Bộ NN&PTNT cũng có đến 2 cục nói thuộc thẩm quyền. Trong khi quan điểm của Chính phủ là mỗi mặt hàng chỉ do 1 Bộ quản lý.
Ngày 2/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND của 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh), với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh”.
Ông Trương Đức Trọng - Ban Pháp chế VCCI - cho biết, hiện doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp rất nhiều vướng mắc trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, có 3 nhóm vấn đề nổi trội gồm: Tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục hải quan và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị.
|
Theo ông Trọng, khảo sát của VCCI cho thấy có khoảng 38% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính. Trong đó, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm phản ánh càng hoạt động, doanh nghiệp càng gặp bất cập về thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện. Doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài, thời gian kiểm tra và nội dung kiểm tra chồng chéo.
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI - chia sẻ một ví dụ cụ thể liên quan đến mặt hàng đông trùng hạ thảo.
Theo ông Tuấn, mặt hàng này là bất cập của sự chồng chéo trong quản lý chuyên ngành gây bất cập cho doanh nghiệp khi cả Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đều "bao sân". Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho rằng mặt hàng này liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng Bộ Y tế cũng cho rằng đây là dược phẩm.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI.
|
"Ngay trong Bộ NN&PTNT cũng có sự chồng chéo. Cục Bảo vệ thực vật nói đông trùng hạ thảo liên quan đến nguồn gốc thực vật, nhưng một cơ quan khác trong bộ này cho rằng mặt hàng có yếu tố động vật. Trong khi quan điểm của Chính phủ là mỗi mặt hàng chỉ do một Bộ quản lý", ông Tuấn nêu bất cập.
Đại diện VCCI cho biết sẽ tập hợp các kiến nghị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị đề xuất các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính chồng chéo, bất cập, giúp doanh nghiệp giảm các chi phí và rào cản khi hoạt động.
Dương Hưng
Tiền phong
|