Thứ Hai, 20/02/2023 13:00

Thị trường xoay chiều, doanh nghiệp dệt may quay đầu đi xuống

2022 là một năm chưa trọn niềm vui với các doanh nghiệp dệt may, khi 6 tháng đầu năm “thắng lớn” với đơn hàng dồi dào nhưng tình thế xấu đi nhanh chóng ở nửa cuối năm, kéo lùi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành này.

Xuất khẩu dệt may ngấm đòn lạm phát

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 2022 là năm thách thức của ngành khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến cầu hàng dệt may sụt giảm.

Khó khăn bủa vây nửa cuối năm, lạm phát, chiến sự Ukraine ảnh hưởng đến sức mua toàn cầu khiến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp bị giảm. Tuy vậy, theo số liệu của VITAS, dệt may vẫn cán đích 43 - 44 tỷ USD, tăng gần 9% so với 2021.

Thực tế trên đã phản ánh qua kết quả kinh doanh quý 4/2022 của các doanh nghiệp ngành dệt may trên sàn. Lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong quý 4 đã bắt đầu phân hóa, không còn đạt mức tăng trưởng ấn tượng như trước đó.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong tổng số 20 doanh nghiệp dệt may trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022, có tới 10 doanh nghiệp giảm lãi, 4 doanh nghiệp báo lỗ, 1 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và 5 doanh nghiệp tăng lãi.

Tổng doanh thu và lãi ròng của doanh nghiệp dệt may quý 4/2022 là 15,840 tỷ đồng và 455 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 50% so với quý 4/2021.

Cả năm 2022, doanh thu và lãi ròng đạt 67,840 tỷ và 3,404 tỷ đồng, cùng tăng 18% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và năm 2022 của DN Dệt may
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Lợi nhuận sụt giảm nặng nề trong quý 4

Gilimex (HOSE: GIL) có lợi nhuận quý 4 giảm mạnh nhất với 92% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 10 tỷ đồng. Sự tụt dốc không phanh của Gilimex có lẽ xuất phát từ mối quan hệ căng thẳng với Amazon – đối tác đóng góp phần lớn doanh thu cho Gilimex. Trong đơn kiện gửi lên tòa án New York giữa tháng 12/2022, GIL cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp đơn đặt hàng trong tháng 4 và 5 khiến Công ty dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Cả năm 2022, Gilimex đạt doanh thu 3,167 tỷ đồng giảm 24%, song lãi ròng vẫn tăng 9%, lên gần 362 tỷ đồng nhờ sự đóng góp từ 2 quý đầu năm.

Giữa bối cảnh chung đầy rối ren của doanh nghiệp dệt may, ông Vinatex (UPCoM: VGT) bất ngờ lỗ quý 4 hơn 3 tỷ, cùng kỳ lãi 234 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên của VGT kể từ khi Công ty cổ phần hóa (năm 2015) và lên UPCoM (năm 2017) tới nay. Vinatex cho hay, do ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID của Trung Quốc, cầu một số thị trường giảm vào cuối năm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng sợi tồn kho .

Đầu quý 4, nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào thế khó khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Dù vậy, lãi ròng năm của VGT đạt gần 649 tỷ đồng, giảm 19% so với 2021 nhờ lãi lớn trong nửa đầu năm.

Đối với Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC), do lượng hàng tồn kho chưa được tiêu thụ trong quý 4, cùng việc nhận đơn hàng gia công số lượng nhỏ khiến năng suất thấp, giá cạnh tranh không đủ bù đắp chi phí là những nguyên nhân chính khiến Công ty lỗ 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 35 tỷ.

Năm 2022, GMC chỉ có lãi duy nhất vào quý 2, còn lỗ cả 3 quý, qua đó cả năm lỗ gần 66 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên GMC thua lỗ trong 19 năm (kể từ 2004).

Những tên tuổi lớn như May Sông Hồng (MSH), Sợi Thế Kỷ (STK), Everpia (EVE) cũng có kỳ kinh doanh u ám khi lợi nhuận quý 4 giảm 40 - 50%, lần lượt đạt 55 tỷ, 43 tỷ và 27 tỷ đồng.

Ngược dòng khó khăn

Trái ngược với những doanh nghiệp gặp khó khăn, May mặc Bình Dương (UPCoM: BDG) nổi lên như một ngôi sao sáng với lãi ròng 89 tỷ đồng trong quý 4/2022, gấp 10 lần cùng kỳ. Kết quả này nhờ vào Công ty tăng sản xuất, đơn hàng, đánh giá lại chênh lệch tỷ giá trong kỳ, hoàn nhập dự phòng tiền lương. Cả năm Công ty lãi 225 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) lãi gần 60 tỷ trong quý 4 (gấp 2.4 lần cùng kỳ). Cả năm đạt gần 280 tỷ đồng, cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Công ty.

Về kết quả thực hiện kế hoạch 2022, đa phần doanh nghiệp dệt may đều hoàn thành. “Ngôi vương” thuộc về MNB sau khi vượt 331% kế hoạch lợi nhuận năm. Những cái tên lớn khác như VGT, GIL, TCM… cũng vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ đề ra.

Trong khi đó, những gương mặt làm phiền lòng cổ đông khi không thể hoàn thành kế hoạch gồm STK, MSH, TDT, HSM, GMC, MPT

Gặp khó ngay từ đầu năm 2023

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, đơn hàng trong quí 1/2023 giảm 25 - 27% do sức mua của toàn cầu giảm. Dù vậy, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng  45 - 47 tỷ USD (tăng 7 - 11% so với mức kỷ lục 2022) trong năm 2023.

Trong báo cáo chiến lược ngành dệt may năm 2023, Chứng khoán SSI đánh giá mục tiêu trên của VITAS khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu lỗ trong quý 4/2022 và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Dựa vào những diễn biến xấu của tình hình vĩ mô, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá triển vọng đơn hàng kém tích cực của ngành dệt may Việt Nam trong nửa đầu năm nay, bởi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho sản phẩm may mặc ở mức cao.

Chung quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset cũng dự báo sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu nói chung và nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam trong năm 2023. Điều này có thể thúc đẩy rủi ro liên quan đến đối tác thương mại ở các thị trường xuất khẩu. Các công ty Việt Nam thường là bên chịu rủi ro khi hợp tác với các nhà phân phối, đặc biệt là vụ việc GIL kiện Amazon Robotics.

Nhìn về cơ hội năm 2023, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng  việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể là một chất xúc tác cho sự phục hồi của ngành dệt may, đặc biệt là ngành sợi do Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.

VNDirect kỳ vọng triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý 3/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế nhập khẩu vào EU năm 2023 nhờ hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   AAV: Nghị quyết của HĐQT về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 (17/02/2023)

>   FID: Ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá Asco (17/02/2023)

>   Xuất khẩu vượt xa kỳ vọng, doanh nghiệp niêm yết ngành gạo chưa thể gặt “mùa vàng” (17/02/2023)

>   HU1 góp vốn lập công ty thực hiện dự án 660 tỷ tại Phú Yên (17/02/2023)

>   BHG: NQ HĐQT VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐHĐCĐ THƯỜNG NIÊN 2023 (17/02/2023)

>   FID: Ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Thẩm định giá Asco (17/02/2023)

>   HKT: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (17/02/2023)

>   KTS: Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 (17/02/2023)

>   DZM: Báo cáo quản trị công ty năm 2022 (17/02/2023)

>   DTC: Báo cáo thường niên 2022 (17/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật