Thứ Sáu, 17/02/2023 13:47

Xuất khẩu vượt xa kỳ vọng, doanh nghiệp niêm yết ngành gạo chưa thể gặt “mùa vàng”

Đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường lương thực thế giới, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kết quả ấn tượng trong năm 2022. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gạo trên sàn chứng khoán lại hoàn toàn tương phản.

Theo Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 12 và năm 2022, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12/2022 ước đạt 500 ngàn tấn, tương đương 257.2 triệu USD, tăng 1.2% về khối lượng và 0.9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo ước tính đạt 7.17 triệu tấn, tương đương 3.49 tỷ USD, tăng 14.9% về khối lượng và 6.2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm của ngành gạo, giúp Việt Nam duy trì vững chắc vị trí top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới.

Doanh nghiệp ngành gạo, theo đó, được kỳ vọng có một “mùa vàng” bội thu khi có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng. Tuy nhiên, kết quả của nhiều doanh nghiệp lại không như ý.

Chi phí cao ăn mòn lợi nhuận

Theo thống kê từ VietstockFinance, trong số 8 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022, chỉ có 1 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi và 1 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Tổng doanh thu quý 4/2022 của doanh nghiệp ngành gạo đạt 15,872 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận ròng lại giảm 14%, còn gần 198 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp gạo là biến động về tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao.

Quý 4, doanh thu giảm trong khi giá vốn và các chi phí tăng vọt khiến CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) lỗ gần 105 tỷ đồng, nối dài mạch lỗ quý thứ 3 liên tiếp.

Kết quả năm 2022 Angimex lỗ hơn 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 45 tỷ đồng. Sau biến cố liên quan ông Đỗ Thành Nhân, đây là mức lỗ kỷ lục từ khi Công ty cổ phần hóa (năm 2008) và niêm yết trên HOSE (cuối năm 2012) tới nay.

Cùng chung bối cảnh “trầy trật”, CTCP Xuất Nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, UPCoM: AFX) ghi nhận lãi ròng quý 4 lao dốc tới 92%, còn vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng; trong khi doanh thu cao gấp 2.5 lần cùng kỳ, đạt gần 623 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2022, doanh thu AFX đạt 1,612 tỷ đồng, tăng 110% và lãi ròng 28.5 tỷ đồng, tăng 36%.

Với việc nhận được đơn hàng từ sớm, doanh thu thuần 3 tháng cuối năm của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) tăng hơn 35% so với cùng kỳ, lên gần 1,576 tỷ đồng; tuy nhiên lãi ròng giảm 59%, đạt khoảng 16 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm, doanh thu thuần TAR đạt 3,798 tỷ đồng, tăng 22% và cũng là mức doanh thu cao nhất của Công ty kể từ năm 2016. Tuy nhiên, do nhiều loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng 25%, lên hơn 89 tỷ đồng khiến lãi ròng giảm 29%, còn 63 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Điểm sáng toàn ngành

Trái ngược với đà giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) ghi nhận lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước tới nay, gần 210 tỷ đồng, tăng 30%.

Cả năm 2022, Lộc Trời đạt doanh thu hơn 11,690 tỷ đồng, tăng 14%. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của Công ty. Mức tăng này chủ yếu từ doanh thu mảng lương thực khi đem về hơn 6,430 tỷ đồng, tăng 60%.

Nguồn: VietstockFinance

Tuy vậy, gánh nặng chi phí lãi vay khiến chi phí tài chính tăng gần 50%, cộng thêm giá vốn bán hàng tăng 15%, khiến lãi ròng năm giảm 1%, còn gần 413 tỷ đồng.

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) có được kỳ kinh doanh cải thiện hơn so với khoản lỗ triền miên trong những năm trước, nhưng kết quả quý 4 nhìn chung vẫn ảm đạm so với doanh nghiệp cùng ngành.

Cụ thể, doanh thu quý 4 VSF đạt 6,474 tỷ đồng, tăng 59% và lãi gần 3 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 103 tỷ. Cả năm 2022, Vinafood II đạt doanh thu 17,734 tỷ đồng, tăng 5%; song Công ty vẫn lỗ gần 9 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2022 lên 2,786 tỷ đồng.

Cơ hội rộng mở đi kèm rủi ro

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VAF) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu, khiến nhu cầu thu mua lương thực của thế giới tăng lên; bên cạnh đó là nguồn cung gạo của nhiều nước đã bị thu hẹp do biến đổi khí hậu.

Trong Báo cáo chiến lược đầu tư 2023, CTCK VNDirect dự báo 2023 sẽ là năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng vì điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Dù vậy, rủi ro có thể tới từ giả định Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam, đẩy giá xuất khẩu giảm. Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), việc đa dạng hóa các giống cây trồng và hiện tượng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng tới diện tích trồng lúa.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   HU1 góp vốn lập công ty thực hiện dự án 660 tỷ tại Phú Yên (17/02/2023)

>   BHG: NQ HĐQT VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐHĐCĐ THƯỜNG NIÊN 2023 (17/02/2023)

>   FID: Ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Thẩm định giá Asco (17/02/2023)

>   HKT: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (17/02/2023)

>   KTS: Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 (17/02/2023)

>   DZM: Báo cáo quản trị công ty năm 2022 (17/02/2023)

>   DTC: Báo cáo thường niên 2022 (17/02/2023)

>   V11: Báo cáo quản trị công ty năm 2022 (17/02/2023)

>   TDS: Báo cáo tài chính năm 2022 (17/02/2023)

>   CST: Nghị quyết Hội đồng quản trị (17/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật