Thấy gì từ vòng xoáy nợ toàn cầu?
Làn sóng nợ giống như cuộc “xâm lược mềm”, đứng sau cùng vẫn là các tập đoàn tài chính hàng đầu kết hợp với nhà nước tư bản thông qua mối quan hệ ngoại giao.
Hơn 70 quốc gia rơi vào mức nợ nguy hiểm
|
Trung Quốc nắm giữ 21% các khoản nợ, các thành viên của Câu lạc bộ chủ nợ Paris 11%, Ngân hàng Thế giới (WB) và các bên cho vay đa phương khác 41%, trái chủ và các bên cho vay tư nhân chiếm 23%.
Khủng hoảng kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu đè nặng lên trách nhiệm trả nợ của 73 quốc gia đang phát triển thuộc nhóm nợ nhiều nhất. Từ năm 1986 đến nay, 22 quốc gia giàu có thuộc Câu lạc bộ chủ nợ Paris đã xử lý hơn 300 yêu cầu xóa nợ.
Tình hình nợ bắt đầu nghiêm trọng khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất đồng đô la lên trên 20% trong giai đoạn 1979 - 1982. Ông Paul Volker, cựu Chủ tịch lừng danh của FED thời điểm đó nói rằng: “Tôi đã không tính đến thiệt hại mà một quyết định như vậy sẽ gây ra hậu quả ở các nước nghèo hơn”.
Từ năm 2022 đến nay, FED tiếp tục đưa lãi suất lên cao khiến “đồng bạc xanh” trở nên đắt đỏ, khiến một vài quốc gia trong chuỗi nợ không còn trụ vững. Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất một cơ chế tạo ra một tòa án hỗ trợ pháp lý phá sản cho các quốc gia có chủ quyền. Nhưng Washington đã phủ quyết chương trình này, lập luận rằng có thể tìm thấy các giải pháp tốt hơn trên thị trường tài chính tự do.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu tháng 4/2020, các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Akinwumi Adesina, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Châu Phi, đã kêu gọi các chủ nợ đa phương như Ngân hàng Thế giới đề nghị hoãn nợ cho “lục địa đen”.
Các quốc gia chủ nợ đang tìm kiếm phương án tối ưu cho những nước không có khả năng trả nợ. Dĩ nhiên, việc xóa nợ luôn phải ràng buộc bởi điều kiện. Ví dụ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã giúp đỡ các nước như Angola và Zambia, và sau đó rất nhiều dự án khai khoáng béo bở rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc.
Hay như Washington đã đài thọ chục tỷ đô la trong việc xóa nợ của Câu lạc bộ chủ nợ Paris cho các nước có khuynh hướng thân cận, giống như xóa nợ cho Ai Cập vào năm 1991 vì quốc gia này đã hỗ trợ Mỹ trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.
Năm 2017, Sri Lanka ký hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD để cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm.
|
Xuất khẩu tư bản, tài chính là xu hướng của chủ nghĩa tư bản, bắt đầu phát triển mạnh từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II, dưới hình thức đầu tư phát triển, cho vay tái thiết, viện trợ có hoàn lại.
Không nhiều chính phủ có khả năng sử dụng đồng vốn vay một cách hiệu quả để thay đổi bộ mặt nền kinh tế, ngoại trừ một số rất ít trường hợp “thoát nghèo” và làm được điều “thần kỳ” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Làn sóng nợ giống như cuộc “xâm lược mềm” dưới “bàn tay sắt bọc nhung”, đứng sau cùng vẫn là các tập đoàn tài chính hàng đầu kết hợp với nhà nước tư bản có chức năng khai phá thị trường đầu tư tài chính thông qua mối quan hệ ngoại giao.
Cuối cùng tất cả đều nhằm đến một mục đích khai thác giá trị thặng dư siêu ngạch nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên, sức lao động rẻ mạt, tận hưởng chính sách ưu đãi; thống trị thế giới theo cách ít phản kháng nhất.
Albert Einstein từng nói: “Lãi suất kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Những ai hiểu được nó sẽ kiếm được tiền, ai không hiểu sẽ phải trả chi phí cho điều đó”.
Sự phụ thuộc vào các nước giàu ngày nay sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào? Không có quyền lựa chọn cách thức đề tồn tại trên bản đồ địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi trật tự toàn cầu buộc các quốc gia yếu hơn chọn cho mình cách thức ứng xử ít gây tổn hại nhất.
Trương Khắc Trà
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|