PAN báo lãi ròng 2022 tăng 22% dù gặp khó quý cuối năm
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) chứng kiến doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ, lên hơn 3.9 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt "quay đầu", xuống gần 235 tỷ đồng (giảm 16%) và 131 tỷ đồng (giảm 25%).
PAN giải thích lợi nhuận giảm do lợi nhuận 2 mảng lớn là thủy sản và giống cây trồng suy giảm. Biên lợi nhuận gộp chịu sức ép từ sức mua yếu (giảm giá) cũng như chi phí giá thành sản phẩm tăng (do chia nhỏ đơn hàng).
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và năm 2022 của PAN
(Đvt: Tỷ đồng)
|
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất Tập đoàn đạt hơn 13,663 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2021. Trong cơ cấu doanh thu chính năm 2022, mảng thủy sản đóng góp 6,300 tỷ đồng (chiếm 46%), mảng nông nghiệp 4,900 tỷ đồng (36%), thực phẩm 2,400 tỷ đồng (17.9%).
Lãi sau thuế hơn 774 tỷ đồng, tăng 51% và lãi ròng gần 363 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua (755 tỷ đồng lãi sau thuế và 355 tỷ đồng lãi ròng).
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của PAN hơn 16,054 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 20%, hơn 3,041 tỷ đồng, chủ yếu do biến động từ thành phẩm, nguyên vật liệu và hàng hóa, trong đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 92 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 30%, lên hơn 2,082 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 34%, còn gần 1,870 tỷ đồng; khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh giảm 14%, còn hơn 2,206 tỷ đồng, trích lập dự phòng giảm giá hơn 3 tỷ đồng.
Nợ phải trả tới cuối năm 2022 gần 8,205 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn gần 5,121 tỷ đồng, tăng 33%; phải trả người bán ngắn hạn hơn 1,100 tỷ đồng, tăng 44%. Trái ngược, vay nợ thuê dài hạn giảm mạnh từ 1,152 tỷ đồng xuống còn hơn 4 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu gần 7,850 tỷ đồng (đi ngang so với đầu năm), trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1,186 tỷ đồng, tăng 37%.
Với tình hình thị trường chung năm 2023 được dự báo còn nhiều thách thức, đặc biệt trong nửa đầu năm, PAN cho biết Công ty sẽ tập trung nguồn lực ở các mảng kinh doanh mũi nhọn nhằm đảm bảo mức tăng trưởng bền vững.
Động lực trong thời gian tới có thể đến từ việc phát huy các hợp tác chiến lược, tiếp tục tăng trưởng về quy mô và phát triển sản phẩm mới trong mảng nông dược.
Ở mảng thủy sản, diện tích ao nuôi hơn 500 ha và các nhà máy mới ở điều kiện sẵn sàng sản xuất sẽ là cơ sở để tăng trưởng mạnh về sản lượng, trong điều kiện thị trường được dự đoán phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, việc tổ chức lại hệ thống bán hàng và cơ cấu lại danh mục sản phẩm phù hợp với thị trường ở mảng bánh kẹo đã chứng minh hiệu quả và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2023.
Thế Mạnh
FILI
|