GVR thực hiện 98% mục tiêu lợi nhuận 2022 nhờ điều chỉnh kế hoạch
Với lợi nhuận ròng đi lùi 37% trong quý 4, kết quả kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) không thể tăng trưởng như mong đợi.
Cụ thể, quý 4, doanh thu thuần của GVR giảm 7% so với cùng kỳ, còn 9,013 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự sụt giảm doanh thu mủ cao su và chế biến gỗ. Doanh thu sản phẩm cao su và kinh doanh bất động sản tăng đáng kể, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho phần doanh thu sụt giảm.
Cơ cấu doanh thu của GVR trong quý 4/2022
Nguồn: GVR
|
Đáng chú ý là, dù doanh thu thuần giảm nhưng giá vốn của Công ty lại tăng, dẫn đến lãi gộp giảm 34%, còn 1,688 tỷ đồng. Không những thế, các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý lần lượt tăng 14% và 20%, lên 220 tỷ đồng và 556 tỷ đồng.
Giải thích cho việc doanh thu đi lùi nhưng chi phí tăng cao, GVR cho biết do tình hình kinh tế biến động, giá bán các mặt hàng chủ lực giảm so với cùng kỳ trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Bên cạnh đó, Công ty phải trích lập dự phòng suy giảm giá trị của các khoản đầu tư sang Lào do đồng Kip Lào giảm giá trị.
Điểm sáng của GVR trong kỳ có lẽ đến từc lợi nhuận khác ghi nhận 581 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ. Đây chủ yếu là tiền bồi thường Công ty nhận được khi giao đất cao su để làm KCN.
Dù vậy, GVR chỉ lãi ròng 912 tỷ đồng trong quý 4, giảm 37% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế 2022 của GVR. Đvt: Tỷ đồng
|
Với kết quả quý 4, GVR có 2 quý liên tiếp giảm lãi trong năm 2022. Do đó, kết quả kinh doanh chung cả năm 2022 cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 3% và 8%, về mức 25,315 tỷ đồng và 3,819 tỷ đồng.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2022 điều chỉnh vào cuối tháng 12 vừa qua, kết quả trên đã thực hiện được lần lượt gần 90% mục tiêu doanh thu và hơn 98% mục tiêu lợi nhuận.
Ngày 28/12/2022, HĐQT GVR thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất giảm 5% xuống còn gần 28.3 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 24% xuống còn 4.9 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 27% xuống còn 3.88 ngàn tỷ đồng.
Có 3 nguyên nhân khiến Công ty phải điều chỉnh kế hoạch năm 2022. Thứ nhất, thị trường chứng khoán có nhiều biến động, chưa thoái vốn được như kế hoạch được giao. Thứ hai là các đơn vị thành viên Tập đoàn chưa thực hiện được việc bàn giao đất do đang trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thứ ba, Công ty phải lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào, do sự suy giảm giá trị Kip Lào trong kỳ lập báo cáo.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của GVR gần như đi ngang so với đầu năm, duy trì ở mức hơn 78 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền mặt Công ty nắm giữ cũng tương tự khi giữ trên mức 15 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho tăng 15%, lên 4 ngàn tỷ đồng.
Nợ phải trả của GVR giảm 8%, về gần 25 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay giảm 18%, về hơn 7 ngàn tỷ đồng.
Hà Lễ
FILI
|