Nhịp đập Thị trường 09/02: Large Cap đồng loạt giảm, VN-Index đóng cửa thấp nhất trong ngày
Diễn biến giằng co trên VN-Index tiếp tục kéo dài trong hơn nửa phiên chiều, nhưng khi chỉ còn cách ATC chừng nửa tiếng, thì chỉ số bắt đầu rơi, thực sự rơi. Kể cả đợt ATC cũng không có dấu hiệu gì tích cực trở lại, VN-Index đóng cửa giảm hơn 8 điểm, về mức thấp nhất trong cả ngày. Đồng dạng, nhưng chỉ số nhóm VN30 còn giảm tới hơn 13 điểm. Tuy nhiên, diễn biến trên VN-Index lại không thấy sự đồng dạng ở HNX-Index và UPCoM-Index.
Cổ phiếu vốn hóa tỷ đô trên sàn HOSE đồng loạt giảm trong những phút cuối phiên chiều là nguyên nhân khiến các chỉ số trên giảm mạnh, còn về tổng thể sàn HOSE, số lượng cổ phiếu tăng – giảm giá vẫn khá cân bằng, không có bên nào chiếm quá bán. VJC là mã gấy bất ngờ nhất, khi giảm tới hơn 5%. STB, POW dù giảm ít hơn, những cũng có thể coi là bất ngờ khi trong phiên sáng còn nhiều lúc tăng giá. Ngoài ra, khá nhiều đại gia khác có dấu hiệu giảm mạnh ở trong 30 phút cuối phiên, hoặc ngay trong đợt ATC như BID, CTG, MSN, MWG, NVL, TCB, VCB, VHM, VPB, VRE… VIC ngược lại được kéo mạnh vào ATC nhưng chỉ mang tính hạ cánh mềm cho chỉ số. Tương tự, OCB ban sáng còn giảm suốt, đến gần 14h bắt đầu được kéo lên, và duy trì đà tăng cho đến cuối phiên, cũng được coi là bất ngờ.
Chỉ số HNX-Index liên tục dao động nhỏ, quấn quanh tham chiếu suốt phiên chiều, dù cũng đa số nằm bên dưới tham chiếu, nhưng ít chịu ảnh hưởng từ bên HOSE, thậm chí đóng cửa tăng 0,3 điểm. Ở nhóm Large Cap sàn HNX, có lẽ cũng có những cổ phiếu chịu ảnh hưởng mang tính rủi ro ngành, như CEO, NVB, MBS, SCG, THD, SHS… nhưng lại có đối trọng từ những mã khác như PVS, VCS, VNR… Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu nhỏ và vừa bên sàn này vẫn tăng giá khá tốt, tương quan cân bằng với số giảm giá.
Chỉ số UPCoM-Index tăng ngay khi bước vào phiên chiều, cao hơn hẳn so với bất cứ thời điểm nào của phiên sáng, và rồi… đi ngang cho đến khi đóng cửa. Dĩ nhiên, diễn biến của chỉ số cũng coi như không can hệ gì với chỉ số sàn HOSE. Ở nhóm Large Cap sàn UPCoM, tính tích cực vẫn diện diện như đã xảy ra ban sáng, với đa số tăng giá, trong đó có không ít mã tăng nổi bật như BSR, OIL, QNS, SNZ, VGT, VTP… hay “bán kỳ lân” VNZ. Chỉ có số ít mã giảm giá nhẹ như KLB hay MSR, cá biệt có VEA, có lúc giảm hơn 5% nhưng cuối phiên chỉ còn giảm hơn 3%.
Với diễn biến tiêu cực trên nhiều mã vốn hóa lớn, dĩ nhiên các nhóm ngành lớn của 3 sàn cũng nằm trong Top các nhóm ngành giảm sâu nhất, bao gồm cả ngân hàng, BĐS, sắt thép, chứng khoán, đồ uống… Tuy nhiên, nhóm Dầu khí PVN lại là ngoại lệ khi vẫn phủ sắc xanh trên diện rộng, trong đó có GAS, BSR, OIL, PVS, PVB, PVC, PVD, PVT, CNG… PVD đạt mức tăng trần, tới sát 7%, PVC cũng tăng gần 6%...
Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, nổi bật nhất là 2 nhóm ngành cấp thoát nước và thủy sản, với nhiều mã tăng hơn 5% như DNA, HPW, LKW, THW (nhóm cấp nước) hay ACL, ANV, CMX, IDI… Ngoài ra, thực phẩm và dệt may cũng có thể coi là 2 nhóm khá nổi, bởi có nhiều mã tăng giá mạnh như BBC, CAN, KTS, SGC, TFC, VSN, ANT… của bên thực phẩm, hay VGT, ADS, GIL, TNG, PPH… của bên dệt may, dù về tổng thể, 2 nhóm này có rất nhiều thành viên, và số mã tăng giá không thực sự nhiều đến mức đa số.
Với không ít dấu hiệu tiêu cực có sớm trong những phút cuối phiên sáng, đến phiên chiều vị thế của nhóm ngân hàng còn tệ hơn nữa. VCB, BID, CTG đều giảm đến hơn 1%, các đại gia tư nhân như STB, TCB, HDB… cũng tương tự. 3 sàn chỉ còn vài sắc xanh, đa phần tăng giá nhẹ, đáng kể chỉ có VBB tăng bất ngờ hơn 4% hay OCB tăng hơn 2%.
Phiên sáng: Dầu khí tăng lẻ loi, ngân hàng cùng BĐS kéo tụt chỉ số
Dù nhô lên khỏi mặt… tham chiếu vào giữa phiên, nhưng VN-Index lại nhanh chóng bị kéo tụt trở lại, tiếp tục dao động trong sắc đỏ cho đến hết phiên sáng, đồng hành cùng rất nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên các sàn châu Á (trừ Trung quốc).
Nhiều nhóm lớn trên sàn HOSE quay qua chơi với sắc đỏ, kéo tụt chỉ số. Các chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM cũng chịu ảnh hưởng mà suy giảm, chỉ số nhóm VN30 thậm chí còn rơi về mức thấp nhất vào cuối phiên.
Cổ phiếu dầu khí nhà PVN tiếp tục giữ vững sắc xanh trong nửa cuối phiên sáng nay, với đầu tàu GAS đã tăng hơn 1%, và hàng loạt đại gia khác tăng còn mạnh hơn, như PVC, PVD, PVS, PVT, OIL… Nhiều cổ phiếu nhỏ khác trong gia đình này cũng chạy nhanh, như PXS, PVB, PVG…
Nhóm thủy sản vẫn duy trì vị thế nổi bật trong phiên sáng nay, với VHC tăng gần 4%, MPC tăng gần 3% và rất nhiều cổ phiếu khác tăng mạnh hơn nữa, như ACL và CMX, ANV (dư trần), FMC, IDI (và cả công ty mẹ là ASM)… Thông tin đơn hàng mới quay trở lại và nhu cầu tuyển dụng cao đang là yếu tố mang tính động lực cho cổ phiếu nhóm này.
Cổ phiếu nhóm dệt may cũng giữ đà tăng trong nửa cuối phiên sáng nay, dẫn đầu bởi VGT, TNG và nhiều tên tuổi khác như GIL, PPH, HUG…
Cổ phiếu nhóm ngân hàng có diễn biến xấu đi với hàng loạt mã, vốn còn xanh đầu hay giữa phiên, thì cuối phiên đã mang sắc đỏ như BID, EIB, MBB, STB, VIB… VCB, HDB, MSB, TCB hay OCB cũng là những tên tuối lớn nhưng dành đa số thời gian giảm giá. Chỉ có số ít như VPB hay TPB là tăng giá nhẹ.
Nhóm BĐS nhà ở đang ngày càng chìm sâu vào trong sắc đỏ về cuối phiên sáng nay. Ở những tên tuổi hàng đầu, dù VRE đã quay về tham chiếu, nhưng VIC và VHM vẫn giảm hơn 2%, NVL giảm 1%, PDR không còn níu giữ được đà tăng, và hàng loạt tên tuổi khác chuyển từ tăng qua giảm giá như DIG, DXG, IJC, HDC, QCG, SCR… Có lẽ những sự kiện gần đây, vốn tưởng chừng sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp nhóm này, lại chẳng mang lại kết quả cụ thể nào, thậm chí còn tiếp tục khiến doanh nghiệp bơi trong triển vọng mơ hồ, bất định.
Nhóm BĐS khu công nghiệp ngược lại đã có diễn biến tích cực hơn nhiều so với đầu phiên sáng. Dù BCM vẫn giữ nguyên sắc đỏ, nhưng rất nhiều mã khác đã đổi màu, diện sắc xanh như IDC, ITA, KBC, NTC, PHR, SNZ, SZC, SZL…
2 trong 3 đại gia đầu ngành thép là HPG và NKG đã quay xe giảm giá, HSG còn tăng nhưng về sát tham chiếu vào cuối phiên sáng nay. Dù vậy ở những mã vốn hóa nhỏ hơn, vẫn đa số tăng giá tốt hơn cổ phiếu lớn, trong đó nổi bật có TDS.
Được coi là có diễn biến tốt nhất trong 3 sàn, chỉ số UPCoM Index cũng đã thoái lui về sát đường tham chiếu, chỉ còn tăng 0,1 điểm vào cuối phiên. Dù vậy, nhóm largecap sàn này vẫn đa số tăng giá, trong đó có thể nhắc đến BSR, FOX, MCH, OIL, QNS, SNZ, TVN, VGI, VTP… và 2 mã tăng mạnh là VGT (tăng gần 5%). “Bán kỳ lân” VNZ tiếp tục tăng trần gần 15% với chỉ 1 lô khớp lệnh.
10h30: VN-Index vướng víu vì Large Cap
Số lượng Large Cap tăng giá trên sàn HOSE vẫn nhiều hơn số giảm giá, nhưng VN-Index và cả VN30-Index vẫn chịu lực đè từ vài mã khủng, nên dao động bên dưới đường tham chiếu vài điểm.
Trong nhóm vốn hóa tỷ đô sàn HOSE, bộ ba cổ phiếu đại gia nhà Vin duy trì sắc đỏ trên sàn HOSE, trong đó VHM vẫn giảm hơn 2%, riêng cổ phiếu VIC còn giảm sâu hơn hẳn so với đầu phiên, kéo lùi cả VN-Index lẫn VN30-Index. Ngoài ra, SAB cũng nổi lên nhưng 1 lực đè khác, khi giảm 2.4%, mức giảm này còn mạnh hơn cả VIC. Tuy vậy chỉ có 3 mã này giảm trên 2%. Ở chiều tăng giá, lại chỉ có mỗi PLX tăng trên 2%, còn lại hầu hết tăng dưới 1%.
Nhóm thủy sản dậy sóng, cả nhóm cá lẫn nhóm tôm, với nhiều mã tăng từ 3% trở lên, kể cả VHC hay MPC. Trong số này, có những mã tăng trên 5% như ANV, ACL, CMX, IDI… có lẽ nhờ thông tin rằng Mỹ công nhận trình độ nuôi cá của Việt Nam ở mức tương đương với bản địa.
Nhóm dệt may cũng đang nổi sóng, dù không ấn tượng như thủy sản. Cổ phiếu của Tập đoàn dệt may tăng hơn 6%, ngoài ra còn có TNG, GIL, GMC… riêng TNG đang có lượng khớp hơn 3 triệu đơn vị, nhiều gấp 3 lần so với cả ngày hôm qua.
Sắc xanh tiếp tục phủ rộng trên nhóm ngân hàng sàn HOSE, nhưng đã nhạt khá nhiều ở nhóm BĐS nhà ở. Nói cách khác, so với đầu phiên, đã nổi lên ngày càng nhiều đốm đỏ, ví dụ như tại CRE, HDC, QCG, SCR… NVL đã quay lại về tham chiếu, nhưng NLG, DIG, DXG lại có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Nhóm dầu khí nhà PVN khởi đầu chậm chạp, có lúc giảm đồng loạt, nhưng đến giờ thì đã tăng trở lại. Sắc xanh đang phủ khá kín, nhất là ở BSR, PVD, PVC, PVS, PVT, PXS… hay OIL.
Có lẽ chịu ảnh hưởng tâm lý từ HOSE, chỉ số chính sàn HNX cũng trồi sụt trong nửa đầu phiên sáng, may thay, là bên trên tham chiếu. trong nhóm được cho là Large Cap sàn này, KSF đang giảm hơn 5%, nhưng là của hiếm, còn lại giảm nhẹ, hoặc thậm chí nhiều mã đã tăng trở lại, bao gồm VCS, PVS, IDC…
Chỉ số chính sàn UPCoM đang có diễn biến tốt hơn hẳn 2 chỉ số sàn niêm yết, nhờ lực đẩy luân phiên không ngừng ở nhiều Largec Cap, bao gồm BSR, MCH, OIL, QNS, TVN, VTP, VGI… hay VGT, mã này bất ngờ tăng hơn 6%.
Mở cửa: Tâm lý dè dặt
VN-Index mở đầu phiên sáng nay giảm nhẹ nhưng sàn HOSE mở cửa với đa số sắc xanh.
VN-Index sáng nay mở cửa giảm rất nhẹ, chỉ chừng hơn 1 điểm. Số liệu giảm điểm từ sàn Mỹ có thể là một yếu tố tâm lý, nhưng thực tế sàn HOSE vẫn có hơn 50% số cổ phiếu tăng giá, so với chỉ chừng 20% giảm giá.
Các nhóm ngành lớn đều phủ nhiều sắc xanh, dù không có mấy nhóm nổi bật. Ở các nhóm nhỏ hơn, nổi lên có khai khoáng hay bảo hiểm với mức tăng bình quân trên 2% mổi cổ phiếu. Thậm chí nếu xét ở góc độ vốn hóa thì tính tích cực vẫn thể hiện ở mọi nhóm. Có vẻ như chỉ số đang chịu sức ép từ bộ ba cổ phiếu nhà Vin hay một số mã khủng bên ngân hàng như VCB hay TCB.
Nhóm bất động sản nhà ở liên tục đón thông tin, nhưng tin đó có mang tính hỗ trợ hay không thì vẫn khó nói. Tiếp sau thông tin về buổi họp giữa đại diện Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp lớn, thông tin mới nhất là gói sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp. Đầu phiên sáng nay, hàng loạt tên tuổi trong nhóm này hiện sắc xanh, trong đó có NVL, PDR, DXG, KDH, DIG, CEO, NTL, QCG… tuy nhiên bộ ba VIC, VHM và VRE lại giảm, trong đó VHM giảm tới hơn 2%.
Nhóm ngân hàng đang có khởi đầu khá tích cực, dù không có VCB. Cổ phiếu này giảm nhẹ 300 đồng ngay sau tiếng còi ATO. Cùng màu với VCB còn có HDB, MSB, OCB… hay TCB, nhưng là số ít so với phía tăng giá. STB tăng gần 1.5% có vẻ như do lực kéo từ khối ngoại.
Chỉ số HNX-Index sớm tăng điểm, và duy trì cho đến khi HOSE mở cửa, dù mức tăng cũng rất nhẹ. Diễn biến tích cực của chỉ số dường như lấy từ nhóm Mid Cap và Small Cap, trong khi trên nhóm Large Cap sàn này, có khá nhiều mã giảm giá như CEO, VCS, MBS, SCG… cá biệt có KSF giảm hơn 3%.
Nhóm sắt thép tiếp tục có phiên mở cửa xanh nhẹ nhàng, sau phiên chiều qua nổi sóng. Cụ thể, 2 đại gia HPG và NKG đều nhích tăng rất nhẹ trên tham chiếu, trong khi HSG giảm 50 đồng. Ở các mã vốn hóa nhỏ hơn, nổi bật lên là TDS với mức tăng hơn 8%. Còn lại tăng loanh quanh trên dưới 1% như POM, SMC, TLH, TIS, TVN…
Có thông tin MWG đang xem xét lại độ chính xác của số liệu về sa thải nhân viên mà doanh nghiệp vừa công bố, nhưng có vẻ cũng không thể chối bỏ thực tế rằng doanh nghiệp đã vừa trải qua giai đoạn khó khăn. Cổ phiếu này sáng nay giảm 200 đồng, nhưng đang là phiên thứ 5 giảm liên tiếp.
Hoàng Nam
FILI
|