Thứ Tư, 15/02/2023 11:04

Loạt đề xuất của Bộ Tài chính để gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính đề xuất một số quy định của Nghị định 65 sẽ lùi thời điểm thực hiện sang năm 2024 thay vì áp dụng ngay.

Bộ Tài chính vừa có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với một số quy định tại Nghị định số 65, gồm quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc; và quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Loạt đề xuất của Bộ Tài chính để gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn sau khi một số trường hợp vi phạm bị xử lý

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Như vậy, nếu được thông qua, từ ngày 1-1-2024 mới tiếp tục thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65.

Nghị định 65 hiện hành quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỉ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc lùi thời hạn áp dụng quy định nêu trên sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Phương án này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn năm 2023 - 2024.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý có thể sẽ có một lượng nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục mua TPDN vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu. Từ đó, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro thời gian trước đây.

Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ cho phép giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc tại Nghị định 65.

Theo quy định, từ ngày 1-1-2023, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, được áp dụng với những doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc; tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Bộ Tài chính đề xuất lùi đến ngày 1-1-2024 mới thực hiện quy định này.

Với đề xuất lùi thời hạn áp dụng, Bộ Tài chính cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chí phí phát hành của doanh nghiệp.

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm. Theo cơ quan này, việc cho phép gia hạn này về tổng thể sẽ giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào năm 2023 - 2024. Đối với trái phiếu đáo hạn vào 2023 - 2024, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thanh toán thì có thể thỏa thuận với nhà đầu tư để gia hạn sang 2025 - 2026 để qua giai đoạn đỉnh nợ.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chính phủ yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung các quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Minh Phong

Người lao động

Các tin tức khác

>   Lời giải cho trái phiếu doanh nghiệp (13/02/2023)

>   PC1 giải trình về việc chậm công bố thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ (11/02/2023)

>   Bộ trưởng Tài chính nói gì về việc xử lý sai phạm trái phiếu? (10/02/2023)

>   Dư tiền từ đợt bán trái phiếu, BAF muốn mua thức ăn chăn nuôi (10/02/2023)

>   “Ông trùm” đại lý xăng dầu miền Tây mua lại trước hạn 90 tỷ đồng trái phiếu (10/02/2023)

>   Chính phủ yêu cầu trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về TPDN trước ngày 10/2 (09/02/2023)

>   Ẩn số thị trường trái phiếu doanh nghiệp (08/02/2023)

>   Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh... kiến nghị gì với NHNN? (08/02/2023)

>   VBMA: Hơn 285 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 (08/02/2023)

>   Nên cho phép 'gán nợ' trái phiếu doanh nghiệp? (08/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật