Dư tiền từ đợt bán trái phiếu, BAF muốn mua thức ăn chăn nuôi
HĐQT CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) vừa thông qua chủ trương và triển khai phương án thay đổi mục đích sử dụng vốn của đợt chào bán 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1/2022 (ngày kết thúc chào bán là 23/08/2022).
BAF cho biết tổng số tiền Công ty đã sử dụng theo phương án sử dụng vốn ban đầu là gần 271 tỷ đồng, số còn lại chưa sử dụng hơn 29 tỷ đồng.
Các hạng mục đã sử dụng vốn theo phương án phát hành trái phiếu ngày 23/08/2022 của BAF
Nguồn: BAF
|
Giải thích lý do thay đổi phương án sử dụng vốn, BAF cho biết tới ngày 23/08/2022, Công ty mới hoàn thành đợt chào bán nên một số khoản mục thanh toán theo kế hoạch sử dụng vốn ban đầu đã quá thời gian thực hiện.
Do đó, BAF đã linh động sử dụng nguồn vốn khác để thanh toán nhằm đảm bảo dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục.
Ngoài ra, việc thu xếp các nguồn vốn khác để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở thời điểm hiện tại khá khó khăn do mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức cao. Vậy nên, việc linh động trong quá trình điều chuyển dòng tiền hoạt động kinh doanh và sử dụng phù hợp, kịp thời các nguồn vốn sẵn có là điều cần thiết giúp quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra xuyên suốt và hiệu quả.
HĐQT BAF dự định sử dụng toàn bộ số tiền thu được còn lại cho hoạt động mua sắm thức ăn chăn nuôi phục vụ hệ thống trại heo giữa BaF Việt Nam và CTCP thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý 1/2023.
CTCP thức ăn chăn nuôi BAF Tây Ninh có địa chỉ tại tỉnh Tây Ninh với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Đơn vị này được ghi nhận là công ty con của BAF (tỷ lệ sở hữu 99% - vốn thực góp 148.5 tỷ đồng). Người đại diện pháp luật là bà Bùi Hương Giang (đồng thời là Giám đốc BAF).
Phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ
Giữa tháng 11/2022, HĐQT BAF cũng đã thông qua việc triển khai phát hành trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022, với tổng giá trị huy động 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến triển khai là trong quý 4/2022-1/2023.
Đơn vị mua trái phiếu là International Finance Corporation (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5.25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5.25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10.5%/năm.
Mục đích phát hành trái phiếu của BAF
Nguồn: BAF
|
Lãi sau thuế 2022 giảm 9%, còn hơn 292 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, BAF ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trái ngược nhau trong quý 4/2022. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 60% lên hơn 2,158 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 91%, còn vỏn vẹn gần 7 tỷ đồng.
BAF cho biết ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh, ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các tác động khó lường từ vĩ mô. Kết quả kinh doanh Công ty từ đó bị ảnh hưởng trực tiếp khi giá nguyên vật liệu tăng cao và giá heo hơi đầu ra liên tục giảm.
Cả năm 2022, doanh thu thuần BAF đạt hơn 7,047 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 292 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 9% so với năm 2021. Với kết quả này, Công ty đã vượt 18% chỉ tiêu doanh thu 5,950 tỷ đồng nhưng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 402 tỷ đồng (chỉ thực hiện được 73%).
Kết quả kinh doanh 5 năm gần đây của BAF |
|
Thế Mạnh
FILI
|