Kinh tế toàn cầu tháng đầu 2023: Tốt hơn dự đoán, lãi suất vẫn tăng
Bước sang năm mới 2023, có thể thấy tình hình sản xuất của toàn cầu vẫn trong trạng thái khó khăn. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang có dấu hiệu vững vàng hơn so với dự đoán u ám về suy thoái kinh tế hồi cuối năm 2022 khá nhiều.
Tiến trình mở cửa của Trung Quốc đã khởi đầu sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu năm 2023.
|
3 sự kiện đáng chú ý
Trong tuần cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2023, kinh tế toàn cầu đón nhận nhiều số liệu thống kê và quyết định kinh tế quan trọng. Trong đó, có 3 sự kiện đáng chú ý. Thứ nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo kinh tế toàn cầu lên 2,9%, tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.
Việc nâng dự báo kinh tế toàn cầu này nhờ sự vững chắc trong chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ và tiến trình mở cửa nền kinh tế ở Trung Quốc. Mặc dù mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng 3,4% ước tính cho cả năm 2022, nhưng nó đã khởi sắc hơn đáng kể so với con số hồi tháng 10 năm ngoái.
Thứ hai, mặc dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn ở Mỹ, châu Âu và Anh tiếp tục tăng lãi suất. Trong đó, đáng chú ý là Mỹ đã tăng lãi suất chậm lại, chỉ 0,25% trong tháng 2, như dự báo của đa số chuyên gia kinh tế. Đồng thời Mỹ cũng đưa ra tín hiệu rằng Cục Dự trữ liên bang nước này (Fed) vẫn sẽ cần phải tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm 2023.
Trong khi đó, NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) tăng lãi suất 0,5%. Mặc dù vậy, những thông điệp từ phía ECB và BoE, cho thấy họ có thể đang ở gần cuối giai đoạn tăng lãi suất của mình, có thể lãi suất mỗi bên sẽ chỉ tăng thêm 0,5% nữa trong năm nay. Như vậy, đỉnh lãi suất chính sách của Anh và châu Âu có thể nằm trong mức dưới 5%, trong khi Mỹ có thể sẽ chạm vào xung quanh khung 5% và có thể vượt một chút.
Thứ ba, các số liệu về việc làm và sản xuất của các nước cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Số liệu đáng chú ý nhất là đợt tăng rất bất ngờ 517.000 việc làm phi nông nghiệp (so với dự đoán 185.000 việc làm) của Mỹ. Số liệu này, cùng với số liệu khởi sắc hơn trong khu vực sản xuất, như chỉ số PMI của Đức, chỉ số dịch vụ ISM của Mỹ, cho thấy kinh tế toàn cầu đang không quá tệ như dự đoán, mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều.
Lấy thí dụ, các chỉ số với lĩnh vực sản xuất của Mỹ như ISM sản xuất, lượng đơn hàng mới đều tiếp tục sụt giảm. Chỉ số đơn hàng mới tháng 1-2023 giảm tiếp xuống 42,5 từ mức 45,1 của tháng 12-2022. Nước Mỹ đang ở trong một trạng thái là ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và “gánh” cho tình hình sản xuất ngày một xấu đi trong 5 tháng liên tiếp.
Ở các nước khác, chỉ số sản xuất của Đức dù thực tế vẫn thu hẹp nhưng ít hơn dự đoán. Trong khi đó, chỉ số sản xuất của Trung Quốc tuy có dấu hiệu mở rộng lại rất nhẹ trong tháng 1, nhưng vẫn rất mong manh.
Nhiều bất ngờ phía trước?
Như trên đã nói, phân tích các số liệu và chính sách của các nước trong tháng đầu năm 2023, có thể thấy tình hình sản xuất của toàn cầu vẫn trong trạng thái khó khăn. Tuy nhiên, các nền kinh tế đang có dấu hiệu vững vàng hơn so với dự đoán u ám về suy thoái kinh tế hồi cuối năm 2022 khá nhiều. Nguyên nhân chính đến từ sức đề kháng tốt của chi tiêu tiêu dùng, cũng như sự vững vàng của khu vực kinh tế dịch vụ ở nhiều nước, bao gồm nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ.
Một chủ đề cũng đáng chú ý là câu chuyện lạm phát. Với việc giá dầu giảm xuống dưới 80USD/thùng, giá cả của nhiều mặt hàng đã tăng mạnh trong 2022 đang bắt đầu giảm xuống, gồm giá xe cũ, trứng, và một số nguyên vật liệu, lạm phát đang dần đi xuống nhưng vẫn khá chậm. Fed vẫn còn tiếp tục lo ngại về khả năng lạm phát sẽ khó giảm nhanh về mục tiêu 2%. Nay với việc thị trường việc làm vẫn khá tốt, và sức chi tiêu vẫn khá, kỳ vọng của người dân về lạm phát vẫn là ẩn số. Theo Chủ tịch Fed Powell, kỳ vọng của người tiêu dùng là “nền tảng để chống lạm phát trong tương lai” (bedrock of fighting future inflation).
Với những diễn biến như gần đây, có thể thấy được rủi ro suy thoái giảm đi với kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời cũng làm cho diễn biến lạm phát trong tương lai phức tạp thêm. Việc Trung Quốc mở cửa cũng làm cho tình hình lạm phát toàn cầu khó đoán hơn. Với sức cầu của hơn 1 tỷ dân sẽ dần được khôi phục trong những tháng tới, nhu cầu với hàng hóa thô và hàng tiêu dùng từ phía Trung Quốc sẽ tăng lên.
Tác động của nó tới xu thế lạm phát toàn cầu như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Vì vậy, có thể thấy các NHTW sẽ vẫn cẩn thận đối với chính sách tiền tệ của mình. Những dự đoán của thị trường về việc Fed sẽ dừng tăng lãi suất sau đợt tăng lãi suất tháng 3 sắp tới có thể là quá sớm.
Nói cách khác, diễn biến đầu năm về mặt vĩ mô của kinh tế toàn cầu có tốt, có xấu. Tốt là ở chỗ tình hình tăng trưởng kinh tế nói chung tốt hơn dự đoán, nhưng đồng thời cũng khiến cho áp lực tăng lãi suất của nhiều NHTW không thể dịu bớt vì rủi ro lạm phát bùng phát trở lại vẫn còn.
Nhiều nhà đầu tư ở thị trường Mỹ đã đẩy giá nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm công nghệ lên mạnh, vì kỳ vọng những điều xấu nhất đã ở lại phía sau, cũng như hy vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa kể từ tháng 5. Tin về thị trường lao động mạnh hơn dự đoán đã làm sự hưng phấn này tạm dừng lại vào ngày 3-2. Đó là một lời nhắc nhở họ: vẫn có thể sẽ còn nhiều bất ngờ phía trước.
Diễn biến đầu năm về mặt vĩ mô của kinh tế toàn cầu có tốt, có xấu. Tốt: tình hình tăng trưởng kinh tế nói chung tốt hơn dự đoán. Xấu: áp lực tăng lãi suất của nhiều NHTW không thể dịu bớt vì rủi ro lạm phát bùng phát trở lại vẫn còn.
|
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
SGĐTTC
|