Khi bong bóng tài chính khó vỡ
Dù có vẻ không bền vững, song bong bóng tài chính có thể tồn tại trong thời gian dài một cách đáng ngạc nhiên. Hãy xem xét 3 tài sản gồm trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, thị trường chứng khoán Mỹ và bất động sản Trung Quốc.
Kể từ tháng 09/2016, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã kiên định với cam kết giữ lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức cận 0, ngay cả khi cơ quan đồng cấp ở Mỹ, EU và Anh bắt đầu tăng lãi suất. Các nhà giao dịch trái phiếu bắt đầu lên tiếng, nói rằng BOJ cuối cùng sẽ phải tăng lãi suất.
Theo khảo sát mới nhất của BOJ, lạm phát tiêu dùng đã cao hơn mục tiêu trong 9 tháng, và với việc cơ quan này sở hữu một nửa số trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, giới giao dịch phàn nàn rằng thị trường đang không hoạt động bình thường. Tuy nhiên, BOJ vẫn kiên trì với chính sách của mình. Trong 3 tuần đầu tiên của tháng 01/2023, ngân hàng trung ương đã chi kỷ lục 169 tỷ USD để mua trái phiếu Chính phủ nhằm duy trì chính sách lãi suất thấp của mình.
Ngoài ra còn có thị trường chứng khoán Mỹ với đà tăng liên tục. Tháng 1/2023, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng hơn 10%, ngay cả khi Big Tech cắt giảm hàng chục ngàn việc làm. Thị trường đang có suy nghĩ viển vông rằng việc kinh tế chậm lại sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang phải cắt giảm lãi suất cơ bản sớm nhất là vào nửa cuối năm nay, bất chấp việc các quan chức liên tục đưa ra thông điệp ngược lại và Big Tech nỗ lực cắt giảm chi phí để duy trì lợi nhuận.
Câu chuyện về giới bất động sản Trung Quốc xây dựng các tòa nhà cao tầng ở những thị trấn ma cũng đã xuất hiện cách đây một thập kỷ, và những người bán khống cũng đã chỉ trích khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn China Evergrande Group trong một thời gian dài. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục bùng nổ dù Chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp cụ thể để hạn chế hoạt động này vào năm 2020.
Những nhận thức này đã tồn tại trong một thời gian dài. Trước đây, bất động sản là loại tài sản tài chính có hiệu quả tốt nhất đối với các hộ gia đình Trung Quốc, giống như cổ phiếu đối với người Mỹ. Do đó, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội đã thúc đẩy họ mua bất cứ khi nào giá giảm. Trong khi đó, các hộ gia đình Nhật Bản dường như không thể rũ bỏ tâm lý giảm phát. Tốc độ tăng lương hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức 3% mà Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho là cần thiết để đạt được mục tiêu lạm phát dài hạn là 2%.
Vì vậy, rất đáng để xem xét các biện pháp mà Trung Quốc đã phải áp đặt nhằm làm vỡ bong bóng bất động sản của họ. Cơ quan quản lý đã cấm các ngân hàng thương mại cho vay đối với những doanh nghiệp bất động sản mắc nợ quá nhiều. Các ngân hàng cũng không được khuyến khích phát hành khoản vay thế chấp. Chính quyền địa phương bị yêu cầu cắt giảm việc bán đất. Các biện pháp này sau đó đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào tình trạng tăng trưởng yếu nhất kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, không chắc rằng hai bong bóng còn lại sẽ sớm nổ. Trừ khi Thủ tướng Fumio Kishida buộc các tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản tăng lương đáng kể cho nhân viên, còn nếu không, tư duy giảm phát sẽ vẫn ăn sâu vào nhận thức và tân thống đốc của BOJ, người có thể sẽ được đề cử trong tháng này, sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất. Và với sự đáng tin cậy của Fed, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi như thể sẽ không có sự sụt giảm lợi nhuận nào sắp xảy ra.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|