Hoạt động sản xuất hàng hóa tại Campuchia tăng trưởng mạnh
Trong khi lĩnh vực may mặc hiện vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Campuchia, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bên ngoài lĩnh vực may mặc tại nước này có xu hướng tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, theo Khmer Times.
Trong năm 2023 này, Chính phủ Vương quốc đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa (ngoại trừ may mặc) nhờ nhu cầu trong và ngoài nước theo các hiệp định thương mại.
Trong năm nay, lĩnh vực sản xuất hàng hóa (ngoại trừ may mặc) được dự dự báo tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt, trong đó một phần nhờ duy trì cân đối hoạt động sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu trong nước. Trong một báo cáo được công bố gần đây, Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF) cho biết Campuchia sẽ tăng trưởng sản xuất tối ưu nhằm phục vụ xuất khẩu.
Báo cáo nêu: “Xu hướng nhu cầu nước ngoài được cải thiện và các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của ngành phụ này trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu”.
Báo cáo cũng cho biết thêm, những hàng hóa chính bên cạnh hàng may mặc của Campuchia gồm có đồ nội thất, lông thú, da, gỗ, vật liệu xây dựng làm bằng nhựa, tấm pin năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử và các sản phẩm nông nghiệp chế biến khác.
Quốc vụ khanh thường trực của MEF, ông Vongsey Visoth, cho rằng xuất khẩu hàng hóa (ngoại trừ may mặc) có dấu hiệu tăng đáng kể trong vài năm qua so với xuất khẩu sản phẩm may mặc.
Ông nói: “Hiện nay, trong khi ngành may mặc vẫn duy trì ở mức 56% -57%, xuất khẩu nông sản chiếm hơn 10%. Đặc biệt, ngành sản xuất hàng hóa (ngoại trừ may mặc) đang tăng trưởng tốt với mức tăng gần 30%”.
Ông Vongsey Visoth cũng cho hay, hiện dòng vốn đầu tư mới cũng có xu hướng chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngoài ngành may mặc.
Theo Chuyên gia kinh tế cấp cao Ky Sereyvath, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu về Trung quốc của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, sản xuất hàng hóa (ngoại trừ may mặc) là một lĩnh vực quan trọng giúp tạo thêm công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Vương quốc cần chuẩn bị để thu hút nhiều đầu tư hơn nhằm thúc đẩy sản xuất để đáp ứng các thị trường xuất khẩu.
Ông nói: “Vài năm trở lại đây, lĩnh vực sản xuất đã phát triển nhanh chóng. Điều đó phản ánh bước ngoặt phát triển công nghiệp tại Campuchia”
Chia sẻ trên trang Khmer Times, vị chuyên gia này cho rằng: “Campuchia đã chuyển hướng từ nông nghiệp sang lĩnh vực may mặc và từ may mặc chuyển hướng sang phát triển các ngành công nghiệp ngoài may mặc, công nghiệp điện tử”.
Vương quốc hiện đang trong quá trình triển khai dây chuyền sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, hàng điện tử, dây điện và linh kiện điện. Đặc biệt, với việc sản suất phụ tùng xe, quốc gia Đông Nam Á có thể thúc đẩy ngành công nghiệp phi may mặc tăng trưởng nhanh hơn nữa, chuẩn bị thu hút thêm đầu tư để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút lao động có tay nghề.
Chính phủ Campuchia đang theo đuổi chính sách chuyển đổi từ lĩnh vực may mặc sử dụng nhiều lao động nhưng có giá trị gia tăng thấp vào thời điểm nước này cũng như thế giới đang hướng tới cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Sự phát triển công nghiệp đã giúp Campuchia đa dạng hóa các loại sản phẩm sản xuất trong nước. Những sản phẩm phi may mặc hầu hết được sản xuất từ các nhà máy tại các đặc khu kinh tế.
Các thị trường tiêu sản phẩm phi may mặc của Campuchia gồm có Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Trong năm 2022, Hội đồng Phát triển Campuchia đã phê duyệt các dự án đầu tư tài sản cố định trị giá hơn 4.685 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Đó là các dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - nông nghiệp, sản xuất, du lịch và cơ sở hạ tầng cùng với một số lĩnh vực khác.
Cũng trong năm 2022 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia đạt 22.5 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm trước.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)
FILI
|