Tổng kim ngạch thương mại của Campuchia đạt hơn 52 tỷ USD trong năm 2022
Trong năm 2022 vừa qua, tổng kim ngạch thương mại của Campuchia đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 9.2% so với năm 2021, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 16%, theo dữ liệu mới đây của Tổng cục Thuế và Hải quan – Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, Khmer Times đưa tin.
Theo đó, trong năm 2022, Vương quốc đã xuất khẩu tổng cộng 22.4 tỷ USD hàng hóa, tăng 16.4% so với năm 2021và nhập khẩu 29.9 tỷ USD, tăng 4.3%. Mức thâm thương mại trong năm vừa qua là 7.4 tỷ USD.
Các đối tác thương mại chính của Campuchia gồm có Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).
Theo Thứ trưởng Bộ thương mại Campuchia, ông Penn Sovicheat, các yếu tố giúp xuất khẩu tăng là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia – Trung Quốc (CCFTA) cùng với các ưu đãi thương mại từ thị trường Mỹ và châu Âu.
Theo ông Sovicheat, xuất khẩu tăng trưởng cho thấy tiềm năng của các sản phẩm của Campuchia tại các thị trường nước ngoài, ngay cả trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng.
Thứ trưởng Sovicheat phát biểu trên Khmer Times: “Các hiệp định thương mại đã tạo động lực cho tăng trưởng xuất khẩu của Campuchia”.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Campuchia là hàng may mặc, máy móc và thiết bị điện, giầy dép, sản phẩm du lịch, đồ da, ngũ cốc, đồ nội thất, cao su, trái cây, rau củ, ngọc trai, đồ chơi và hàng dệt may. May mặc, giầy dép và sản phẩm du lịch là ngành đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Vương quốc. Lĩnh vực này có khoảng 1,100 nhà máy và cơ sở sản xuất, thuê mướn gần 750,000 lao động trên cả nước.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Ky Sereyvath, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu về Trung quốc của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, cho biết ngành may mặc đóng vai trò quan trọng trong việc chống chọi với khủng hoảng và tạo thu nhập cho nền kinh tế quốc gia. Đặc biệt, ngành này đã giúp tạo ra công ăn việc làm cho người dân trong nước dù có chịu tác động của cuộc khủng hoảng đó.
Vị chuyên gia này nhận định: “May mặc là lĩnh vực tiềm năng của Campuchia. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đối mặt với những thách thức về cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi có sự quan tâm của Chính phủ và cả lĩnh vực tư nhân để duy trì chuỗi sản xuất của lĩnh vực”.
Phó chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, ông Lim Heng cho rằng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu một phần là nhờ niềm tin của nhà đầu tư, khiến hoạt động sản xuất luôn bận rộn, nhất là trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ông nói: “Việc Chính phủ kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 đã giúp khôi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội, khiến các chuỗi sản xuất luôn hoạt động nhộn nhịp để đáp ứng các đơn hàng đặt mua”.
Khai Tâm (Theo Khmer Times)
FILI
|