Gạo Việt tăng giá đến 15 USD nhưng vẫn rớt hạng
Việc các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã góp phần tạo biến động về giá trên thị trường lúa gạo thế giới.
Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lại thị trường gạo thế giới ngay sau Tết Nguyên đán
|
Trong những ngày đầu tháng 2.2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 20 USD và thấp hơn Pakistan 10 USD.
Cụ thể, trong khi thị trường Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán (giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt 458 USD/tấn), giá gạo 5% tấm của Thái Lan đạt mức 523 USD/tấn, tăng đến 12 USD so với đầu tháng 1.2023. Còn gạo của Pakistan và Ấn Độ cũng tăng mạnh, đạt mức giao dịch lần lượt là 492 và 447 USD/tấn.
Khi các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết, giá gạo thế giới đã có biến động lớn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong đầu tháng 2 đang ở mức 473 USD/tấn, tăng 15 USD so với cuối tháng trước. Dù đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua nhưng vẫn thấp hơn 10 USD so với gạo cùng phẩm cấp của Pakistan (483 USD/tấn) và gạo Thái Lan (493 USD/tấn).
Đầu tháng 7.2022, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới với 418 USD/tấn, cách Thái Lan 5 USD và Pakistan 30 USD. Trước đó, vào tháng 3.2022, giá gạo này của Việt Nam khoảng 425 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, thị trường gạo thế giới đang có nhu cầu cao kiến giá gạo liên tục tăng, đặc biệt là sự quay lại của thị trường Trung Quốc. Rrang web của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định, dù giá gạo 5% tấm và Jasmine trong tuần qua giảm do có sự quay trở lại của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng ở phân khúc gạo thơm cao cấp như Hom Mali vẫn tiếp tục tăng từ 5 - 7 USD/tấn.
Chí Nhân
Thanh niên
|