Đầu tư chứng khoán: Tản mạn về xu hướng
Xác định xu hướng là điều kiện cần để giúp nhà đầu tư có những quyết định mua/bán hợp lý. Tuy nhiên, để xác định chính xác xu hướng không phải dễ khi xu hướng có thể thay đổi dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như đặc tính thị trường hoặc tính cách của nhà đầu tư.
Xu hướng là gì?
Xu hướng là hướng di chuyển chính của thị trường hoặc giá của tài sản. Trên thị trường chứng khoán, có 3 loại xu hướng chính: (1) xu hướng tăng (2) xu hướng giảm (3) xu hướng sideway. Theo đó, xu hướng tăng được xác định khi giá hình thành các đỉnh và đáy mới cao hơn các đỉnh và đáy cũ. Trong khi xu hướng giảm lại được xác định khi giá hình thành các đỉnh và đáy mới thấp hơn đỉnh và đáy trước đó. Cuối cùng, xu hướng sideway thể hiện cho giai đoạn các đỉnh và đáy mới gần bằng với đỉnh và đáy cũ.
Để xác định được xu hướng, phân tích kỹ thuật sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Thứ nhất là đường xu hướng - đường thẳng đi qua các đỉnh/đáy nếu xu hướng đó là giảm/tăng. Nếu đường xu hướng đi lên thì đó là xu hướng tăng và ngược lại. Nếu giá phá vỡ đường xu hướng thì đó là tín hiệu cho thấy xu hướng hiện tại đã kết thúc. Bên cạnh đó, đường trung bình cũng hay được sử dụng để đánh giá xu hướng. Cách dễ sử dụng nhất là nếu đường trung bình hướng lên thì đó là xu hướng tăng và hướng xuống là xu hướng giảm còn đường này đi ngang là giai đoạn sideway.
Khung thời gian
Nếu dựa vào định nghĩa trên, việc xác định xu hướng rất đơn giản. Tuy nhiên, thực tế, điều này không hề dễ dàng do các yếu tố liên quan đến khung thời gian. Theo đó, thị trường sẽ có những xu hướng trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đặc biệt thị trường còn có những dao động nhiễu. Xu hướng trong dài hạn của thị trường có thể là phục hồi, nhưng xu hướng trung hạn có thể là điều chỉnh và cuối cùng là xu hướng ngắn hạn có thể là phục hồi, chưa kể đến hàng tá những dao động nhiễu ở các khung thời gian nhỏ hơn. Vì vậy, khi phân tích xu hướng thường phải chú ý đến khung thời gian như xu hướng tăng đó đang là xu hướng tăng trong ngắn, trung hay dài hạn.
Việc phân tách khung thời gian như vậy sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn từ tổng quan đến chi tiết về thị trường. Nếu thị trường đang trong một xu hướng tăng dài hạn thì xu hướng tăng trong trung hạn sẽ là xác nhận quan trọng cho xu hướng trên khung thời gian lớn hơn. Đồng thời, bất kỳ một sự điều chỉnh trong ngắn hạn nào cũng chỉ là điều chỉnh mang yếu tố kỹ thuật. Do các xu hướng trong khung thời gian ngắn sẽ bị chi phối bởi xu hướng ở khung thời gian dài hơn. Theo đó, xu hướng giảm ngắn hạn trong một xu hướng tăng dài hạn có thể chỉ là đợt điều chỉnh nhỏ trước khi thị trường tăng tiếp. Vì thế, việc mua ở những giai đoạn điều chỉnh như vậy sẽ được khuyến khích.
Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
Một vấn đề nảy sinh ở đây là: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là trong bao lâu. Theo phân tích kỹ thuật, đây là khái niệm mang tính tương đối và phụ thuộc nhiều vào đặc điểm thị trường mà nhà đầu tư đang giao dịch cũng như thời gian đầu tư kỳ vọng của mỗi người.
Với những nhà đầu tư giao dịch trong ngày thì ngắn hạn là vài giờ, trung hạn là vài ngày và dài hạn là vài tuần. Còn với nhà đầu tư lướt sóng, ngắn hạn có thể là vài ngày, trung hạn là vài tuần và dài hạn là vài tháng. Đối với những nhà đầu tư lướt sóng “lớn” thì khái niệm này lại thay đổi.
Bên cạnh đó, đặc điểm của thị trường cũng ảnh hưởng đến vấn đề phân chia khung thời gian rất nhiều. Những thị trường có mức độ biến động cao như ngoại hối thì việc nắm giữ vị thế trong vài ngày có thể tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt những thông tin xuất hiện vào buổi tối (lúc nhà giao dịch đang ngủ) có thể làm vị thế đang lời thành lỗ. Vì thế, nhà giao dịch trường có xu hướng mở và đóng vị thế trong ngày, nên cách hiểu về ngắn, trung và dài hạn có thể rút ngắn đi rất nhiều.
Hay như thị trường Việt Nam, quy định về T+2 làm cổ phiếu về tài khoản trễ hơn nên việc giao dịch trong phiên sẽ đòi hỏi nhà đầu tư phải có được một “kho” cổ phiếu trước (không phải nhà đầu tư nào cũng làm được). Do đó, khái niệm ngắn hạn thường chỉ vài ngày.
Trước khi đi vào phân tích thị trường, nhà đầu tư cần đánh giá xem đặc điểm thị trường hiện tại là gì và khung thời gian đầu tư là gì, từ đó có cái nhìn tổng quan về xu hướng.
Chọn khung thời gian phân tích
Việc phân tích xu hướng trên các khung thời gian đặc biệt quan trọng trong quá trình đầu tư. Điều này giúp quá trình đầu tư trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Giả sử, nếu nhà đầu tư xác định được xu hướng trong trung hạn là tăng trưởng (được xác nhận bởi nhiều tín hiệu khác nhau) thì một sự điều chỉnh trong khung thời gian nhỏ hơn (trung và ngắn hạn) có thể là giai đoạn tích lũy, đây là cơ hội gia tăng vị thế nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Ngược lại, nếu xu hướng trong ngắn và trung hạn là đi lên thì đó sẽ là tín hiệu xác nhận cho xu hướng tăng trong dài hạn.
Một vấn đề nữa cần lưu ý là ngoài 3 khung thời gian nêu trên, chúng ta sẽ thường gặp các biến động nhiễu từ thị trường. Những biến động này diễn ra ở khung thời gian rất nhỏ, thường không tuân theo bất kỳ một quy tắc nào và rất khó dự đoán. Trên thị trường chứng khoán, các biến động nhiễu thường nằm ở khung thời gian dưới 1 giờ. Nếu nắm được xu hướng ở các khung thời gian lớn hơn thì nhà đầu tư có thể loại bỏ được những tác động tiêu cực về mặt tâm lý của các dao động này.
Điểm đảo chiều
Như đã phân tích, xu hướng ở khung thời gian ngắn sẽ chịu ảnh hưởng từ xu hướng trong dài hạn và sự điều chỉnh trong xu hướng ngắn hạn sẽ là giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, xu hướng tăng ngắn hạn sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế trở lại. Điều này đúng ở 90% trường hợp, 10% còn lại nằm ở các điểm đảo chiều. Các điểm này sẽ là những điểm làm cho xu hướng trong dài hạn của thị trường thay đổi.
Một xu hướng tăng trong dài hạn đảo chiều thành xu hướng điều chỉnh sẽ bắt đầu từ các khung thời gian nhỏ hơn. Có thể hiểu quá trình này sẽ diễn ra như sau: ban đầu, xu hướng của thị trường là tăng trưởng trong dài, trung và ngắn hạn. Sau đó, thị trường sẽ bắt đầu điều chỉnh thành: Xu hướng ngắn hạn là điều chỉnh nhưng xu hướng trong dài hạn và trung hạn vẫn là tăng trưởng. Tiếp đến là xu hướng điều chỉnh trong ngắn và trung hạn trong khi xu hướng dài hạn là tăng trưởng. Cuối cùng là xu hướng giảm trong ngắn, trung và dài hạn. Như vậy, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra từ từ ở những khung thời gian nhỏ và chuyển dần lên các khung thời gian lớn.
Vậy, khi một xu hướng điều chỉnh xuất hiện trong ngắn hạn, làm sao biết được đó là một giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn hay là điểm bắt đầu cho một xu hướng điều chỉnh trong dài hạn? Đứng trên góc độ phân tích kỹ thuật, rất khó để phân biệt 2 giai đoạn này, nhưng nếu sử dụng phân tích cơ bản thì phần nào câu hỏi sẽ được giải quyết.
Xu hướng trong dài hạn của thị trường thường sẽ được quyết định bởi các yếu tố cơ bản, do các yếu tố cơ bản là nền tảng để dẫn dắt dòng tiền và hỗ trợ thị trường, nền kinh tế… Nếu các yếu tố này có sự thay đổi thì xu hướng dài hạn có thể bị ảnh hưởng/thay đổi theo. Nếu một xu hướng giảm xuất hiện khi thị trường không có thông tin quan trọng nào được công bố (yếu tố cơ bản không đổi) thì giai đoạn đó nhiều khả năng sẽ là giai đoạn tích lũy. Ngược lại, nếu có thông tin xấu kèm theo thì khả năng xu hướng trên khung thời gian lớn sẽ thay đổi.
Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam
FILI
|