Chuyện nợ nước Mỹ
Thật kỳ lạ, cứ vài ba năm nước Mỹ lại rơi vào cảnh kịch trần nợ công, không thể vay tiếp nên có khả năng vỡ nợ. Hiện nay nợ nước Mỹ đã vượt ngưỡng tối đa cho phép là 31.400 tỉ đô la và chỉ nhờ các biện pháp kế toán kỹ thuật mà Bộ Tài chính nước này xoay xở lấy chỗ này đắp chỗ kia để duy trì hoạt động cho bộ máy nhà nước, nhưng cũng chỉ đến chừng đầu tháng 6. Vì sao nước Mỹ nợ nần như thế và vì sao Quốc hội nước này chưa chịu nâng trần nợ công?
Những năm đầu thập niên 2000, nước Mỹ thu ngân sách nhiều hơn chi nên xem như không cần vay nợ, thậm chí còn trả bớt nợ cũ, giảm tỷ lệ nợ công một cách đáng kể. Chính quyền Bill Clinton làm được điều này nhờ nhiều yếu tố: nhờ sự bùng nổ các công ty Internet trong giai đoạn gọi là “dot.com boom” mà tổng thu thuế của Mỹ tăng vọt; trong khi đó chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nước Mỹ không còn phải chi tiêu nhiều cho quốc phòng như trước nữa.
Tuy nhiên tình hình nhanh chóng đảo ngược dưới thời Tổng thống George Bush khi sau vụ khủng bố 11-9, ngân sách quốc phòng tăng vọt cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Khác với những cuộc chiến trước đó, Bush không phát hành trái phiếu chiến tranh để huy động tiền bạc và cũng chẳng tăng thuế, ông tiếp tục đi vay, làm nợ công bắt đầu tăng mạnh. Kết thúc nhiệm kỳ của Bush, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính năm 2008 và Tổng thống Obama phải tiếp tục vay nợ để bơm tiền giải cứu nền kinh tế. Đồng thời cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq tiếp tục hút những khoản tiền khổng lồ làm gánh nặng nợ công nước Mỹ ngày càng nặng nề hơn.
Có thể thấy các đời tổng thống Mỹ, dưới áp lực hứa hẹn khi tranh cử, phải tiếp tục chi tiêu cho các chương trình xã hội, y tế, ngày càng đắt đỏ. Tổng thống Donald Trump cũng không phải là ngoại lệ khi ông đồng thời cắt giảm thuế, đến 3.200 tỉ đô la bất kể thâm hụt ngân sách và bơm tiền giải cứu người dân và doanh nghiệp Mỹ để chống chọi với tác động của đại dịch Covid-19 lên đến vài ngàn tỉ đô la. Tổng thống Joe Biden lên thay, cũng tiếp tục bơm thêm 2.000 tỉ đô la trong nỗ lực phục hồi kinh tế.
Nợ nước Mỹ, tính đến cuối năm 2022 đã bằng 129% GDP, một tỷ lệ rất cao so với các nước khác. Mỗi ngày nước này cần khoảng 1 tỉ đô la chỉ để trả lãi. Chính phủ Mỹ đã tính toán và cho rằng để cân bằng thu chi ngân sách, phải cắt giảm ít nhất 14.600 tỉ đô la trong thập niên tới, có nghĩa mọi nguồn chi phải cắt bớt ít nhất một phần tư – một điều gần như không tưởng.
Câu hỏi đặt ra là ở nhiều nước, tỷ lệ nợ công chỉ cần vượt quá 60% GDP là đã bắt đầu báo động, rất có khả năng rơi vào khủng hoảng vì không vay được tiền nữa; vì sao nước Mỹ nợ ngập đầu như thế mà vẫn bình chân như vại, khủng hoảng trần nợ công thật ra chỉ là vấn đề kỹ thuật dễ giải quyết nếu Quốc hội Mỹ tìm được tiếng nói chung. Đó là bởi Mỹ vay nợ bằng chính đồng đô la Mỹ, khi cần trả nợ chỉ việc phát hành tiếp trái phiếu vay nợ bằng đô la Mỹ, phát hành bao nhiêu cả thế giới sẵn sàng mua bấy nhiêu. Đây là một đặc quyền không nước nào khác có được.
Hiện nay vấn đề nợ của nước Mỹ trở thành đề tài chính trị khi đảng Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ viện Mỹ cương quyết không cho nâng trần nợ công trừ phi Chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên cắt giảm chương trình gì, cắt giảm đến đâu thì các dân biểu Cộng hòa không nói vì e ngại gặp sự phản đối của cử tri.
Thật ra trong vòng 20 năm qua, tăng nợ công dưới thời tổng thống Dân chủ và tổng thống Cộng hòa là ngang bằng nhau. Theo The Daily, số nợ tăng thêm dưới thời Tổng thống Bush và Trump (Cộng hòa) là 12.700 tỉ đô la và dưới thời Tổng thống Obama rồi Biden là 13.000 tỉ đô la. Chẳng hạn với Tổng thống Trump, nợ nước Mỹ ở mức 19.900 tỉ đô la khi ông nhậm chức vào đầu năm 2017 rồi lên đến 27.800 tỉ đô la khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm 2021. Mức tăng 7.900 tỉ đô la là gần bằng một phần tư tổng nợ hiện nay.
Bề ngoài xem ra đảng Dân chủ không quan ngại lắm đến chuyện nợ công tăng, miễn sao vẫn duy trì chi tiêu cho các chương trình xã hội. Ngược lại đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu để cân đối ngân sách nhưng lại muốn cắt giảm thuế, tức cắt giảm nguồn thu ngân sách. Trong thực tế thì cả hai đều chi tiền cho chiến tranh và phục hồi kinh tế, nhất là đảng Cộng hòa còn thêm chủ trương cắt giảm thuế bất kể thu ngân sách.
Điều đáng ngạc nhiên là nhiều nhà kinh tế nổi tiếng, khi bàn đến các nền kinh tế khác thường khuyên thắt lưng buộc bụng để tránh gánh nặng nợ nhưng khi bàn đến kinh tế Mỹ, hầu như không xem chuyện nợ sẽ dẫn tới khủng hoảng hay suy thoái kinh tế. Có chăng họ chỉ lo ngại nợ công cao tức chi tiêu chính phủ cao sẽ lấn lướt chi tiêu của khối tư nhân mà thôi. Bàn đến trần nợ công, họ chỉ lo ngại nếu vì lý do chính trị, Quốc hội Mỹ không chịu thông qua trần nợ mới, Mỹ sẽ không có khả năng trả nợ trái phiếu đến hạn, từ đó uy tín tín dụng Mỹ sẽ bị chao đảo dẫn đến khủng hoảng tài chính.
Các giải pháp chưa từng thấy
Trái phiếu chính phủ đáo hạn mà Mỹ không có tiền chi trả sẽ là một cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu: cổ phiếu sẽ sụt giá không phanh, chi phí vay vốn sẽ tăng vọt, vị thế đồng đô la Mỹ như đồng tiền đầu tư và thương mại sẽ bị lung lay đến tận gốc. Hiện nay phe Cộng hòa cương quyết không nâng trần nợ công nếu phe Dân chủ không nhượng bộ, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu. Ngược lại, phe Dân chủ cũng cương quyết không chịu bị bắt làm con tin vì nỗi sợ để xảy ra vỡ nợ kỹ thuật.
Do đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết bế tắc này. Giải pháp đầu tiên, nửa đùa nửa thật là Bộ Tài chính Mỹ cứ đúc một đồng xu 1.000 tỉ đô la vì luật cho phép, rồi đem đồng xu này giao cho Fed để Fed ghi có 1.000 tỉ đô la trong tài khoản của Chính phủ Mỹ, tha hồ chi tiêu. Tuy nhiên giải pháp này được cho là không nghiêm túc, lại có hại cho kinh tế về lâu về dài. Từ nay về sau, Chính phủ Mỹ cứ đúc tiền chi tiêu thoải mái cho các chương trình họ đưa ra, không cần đến sự phê duyệt của Quốc hội – đây là tiền đề cho nạn lạm phát phi mã chắc chắn sẽ diễn ra.
Một giải pháp, cũng điên khùng không kém, là để Bộ Tài chính Mỹ phát hành trái phiếu có lãi suất ghi sổ cực cao, ví dụ 1.000 tỉ đô la trái phiếu lãi suất lên đến 105% (hiện nay lãi suất ghi sổ thường là khoảng 5% nên giá bán loại trái phiếu như thế sẽ gấp đôi mệnh giá). Do nợ công chỉ tính mệnh giá của trái phiếu nên phát hành như thế, nợ công sẽ tăng thêm 1.000 tỉ đô la nhưng Bộ Tài chính sẽ thu về 2.000 tỉ đô la, cũng có tiền để chi tiêu mà không cần đến Quốc hội Mỹ.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|