Các ngân hàng trung ương châu Á đẩy mạnh bổ sung dự trữ ngoại hối
Các ngân hàng trung ương ở các thị trường châu Á mới nổi, dẫn đầu là Ấn Độ, đang nhanh chóng củng cố kho dự trữ ngoại hối để giúp họ bảo vệ đồng tiền của mình trong trường hợp giá đồng đô la Mỹ bật tăng trở lại.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) là ngân hàng trung ương mua ròng đô la Mỹ mạnh mẽ nhất ở các thị trường châu Á mới nổi trong 3 tháng qua.
|
Thu hồi hơn một nửa lượng đô la bị hao hụt năm ngoái
Theo dữ liệu của Bloomberg, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á đã bổ sung tổng cộng khoảng 132 tỉ đô la kể từ tháng 11-2022. Con số này cao hơn một nửa lượng đô la mà họ bán ra vào năm ngoái.
Dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế này giảm 243 tỉ đô la trong 10 tháng đầu năm 2022 khi họ tìm cách ngăn đồng nội tệ giảm sâu hơn nữa so đồng đô la. Nỗ lực bổ sung lại dự trữ ngoại hối có thể giúp các thị trường mới nổi của châu Á chống lại bất kỳ sự phục hồi tiềm năng nào của đô la Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư bắt đầu định giá đồng bạc xanh dựa trên kịch bản Mỹ sẽ tăng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến.
“Nếu xu hướng tái phân bổ tài sản của nhà đầu tư vào các thị trường châu Á mới nổi tiếp tục, chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á, không bao gồm Nhật Bản, sẽ tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối trong những tháng tới”, các nhà chiến lược của Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng hôm 9-2.
Ngân hàng Goldman Sachs khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng nắm giữ đồng rupee của Ấn Độ một phần là do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) bổ sung dự trữ ngoại hối nhanh chóng. Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) khuyến nghị nắm giữ hoặc hạ tỷ trọng nắm giữ đối với phần lớn tiền tệ châu Á trong xu hướng dài hạn.
Kể từ khi mất 100 tỉ đô la, phần lớn do bán đồng đô la để hỗ trợ đồng rupee vào năm ngoái, RBI đã tận dụng mọi cơ hội để bổ sung lại, tăng dự trữ ngoại hối thêm gần 50 tỉ đô la trong ba tháng qua. Theo ước tính của Bloomberg, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng bổ sung dự trữ ngoại hối 26 tỉ đô la trong cùng kỳ sau khi mất 49 tỉ đô la trong năm ngoái. Indonesia đã thu hồi 9 tỉ đô la trong số 15 tỉ đô la sử dụng vào năm ngoái.
Không phải tất cả các ngân hàng trung ương ở châu Á đều quyết liệt củng cố dự trữ ngoại hối. Trong tháng 1, ngân hàng trung ương Indonesia đã không hành động dù chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào khá lớn. Ngược lại, trong cùng tháng, Ấn Độ đã mua ròng ước tính 10,1 tỉ đô la trên thị trường ngoại hối giao ngay, trong khi Hàn Quốc mua 4,2 tỉ đô la, theo tính toán của Ngân hàng Nomura. Thái Lan cũng mua ròng 5,3 tỉ đô la trên các thị trường ngoại hối giao ngay và kỳ hạn trong tháng trước.
Đồng baht Thái Lan và peso Philippines tăng giá mạnh nhất
Hầu hết các tiền tệ mới nổi của châu Á tăng giá trong ba tháng qua, dẫn đầu là đồng baht của Thái Lan và đồng peso của Philippines. Đồng peso đã tăng gần 5% khi đồng bạc xanh suy yếu do giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố hôm 14-2 đã đặt ra những hoài nghi cho kỳ vọng đó. Các quan chức Fed đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng lãi suất lên mức cao hơn nữa để giúp kiềm chế lạm phát sau khi dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy đà tăng giá cả tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1 vẫn cao hơn dự báo của các nhà kinh tế.
Tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,6 tỉ đô la giá trị tài sản tại các thị trường châu Á mới nổi ngoại trừ Trung Quốc, theo ước tính của Ngân hàng ANZ. Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ANZ dự báo dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào các thị trường này bất chấp các rủi ro bao gồm lạm phát của Mỹ không giảm nhanh như kỳ vọng và nguy cơ trì hoãn đàm phán về mức trần nợ công ở nước này.
Mallika Sachdeva, Giám đốc chiến lược vĩ mô châu Á tại Ngân hàng Deutsche Bank, nói: “Sẽ là điều hợp lý nếu các ngân hàng trung ương châu Á bắt đầu can thiệp để kiểm soát tỷ giá. Chúng tôi nhận thấy các hành động can thiệp của họ có xu hướng làm chậm đáng kể các chuyển động của tỷ giá hối đoái, nhưng không thành công trong việc đảo ngược xu hướng”.
Lê Linh (Theo Bloomberg)
TBKTSG
|