Thứ Ba, 07/02/2023 11:40

ACBS: VN-Index 2023 có thể đạt 1,400 điểm trong kịch bản lạc quan

Báo cáo chiến lược năm 2023 của Chứng khoán ACB (ACBS) đề ra 3 kịch bản triển vọng cho VN-Index. Tại kịch bản thận trọng, VN-Index được dự báo không mất mốc 1,000 điểm; còn ở kịch bản lạc quan, chỉ số có thể vượt 1,400 điểm trong năm 2023.

Nút thắt thanh khoản hệ thống được cải thiện vào cuối năm 2023

Xét riêng về vĩ mô, ACBS kỳ vọng tình hình kinh tế toàn cầu sẽ bớt căng thẳng trong nửa cuối năm 2023 với khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023 để ngăn chặn nguy cơ suy thoái của Mỹ.

Về vĩ mô trong nước, năm 2023, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao ở mức 6.5%, phù hợp với mức tăng trưởng bình quân 10 năm từ 2010-2019 (giai đoạn trước COVID-19) và cao hơn mức trung bình 5.3% trong 5 năm qua.

Theo đánh giá của ACBS, Việt Nam có thể đạt mục tiêu GDP 2023, nhờ hoạt động sản xuất mạnh mẽ cộng với sự phục hồi của lĩnh vực du lịch, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại và các hoạt động xây dựng sôi nổi nhờ thúc đẩy đầu tư công.

Bên cạnh đó, ACBS kỳ vọng thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện trong năm 2023 nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống ngân hàng sau khi lãi suất VNĐ đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn so với USD.

Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng trong năm 2023 của Chính phủ cũng sẽ giúp một lượng tiền lớn quay trở lại hệ thống và làm tăng vòng quay tiền của nền kinh tế.

ACBS cho rằng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối chặt chẽ thông qua công cụ lãi suất thay vì hạn chế room tín dụng như năm trước. Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ ở mức tương đối dồi dào nhưng trên mặt bằng lãi suất cao.

Về tỷ giá, tính đến cuối năm 2022, tỷ giá USD/VND của hệ thống ngân hàng đã dịu đi. Tỷ giá USD/VND bình quân của các ngân hàng ở mức 23,633 đồng (tăng 3.7% so với đầu năm). Ngoài ra, tỷ giá USD/VND chợ đen cũng giảm nhẹ xuống 23,745 đồng (tăng 1.1%).

ACBS kỳ vọng áp lực giảm giá đối với VNĐ trong năm 2023 sẽ ở mức thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ giá VND/USD có thể ít biến động và có thể tăng giá trong nửa sau 2023.

Bắt đầu xu hướng tăng từ cuối quý 1, VN-Index có thể vượt 1,400 điểm trong kịch bản lạc quan 

Theo nhận định của ABCS, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2023. Dù vậy, cục diện trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ khác do mức định giá hiện đang rất hấp dẫn và điều này sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại quay trở lại.

Với kỳ vọng bức tranh nửa cuối năm 2023 tươi sáng hơn, ACBS tin tưởng TTCK sẽ đi trước sự xoay trục kinh tế và bắt đầu xu hướng tăng vào cuối quý 1/2023 và đầu quý 2/2023.

Từ những dự báo trên, ACBS xây dựng ba kịch bản cho VN-Index trong năm 2023.

Trong kịch bản cơ sở, VN-Index dự kiến giao dịch ở mức P/E 11.3 lần và đạt mức 1,217 điểm. ACBS lưu ý P/E 11.3 lần tương đương P/E trung bình của VN-Index từ năm 2010 trừ đi một độ lệch chuẩn.

Kịch bản dựa trên giả định lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên VN-Index sẽ tăng trưởng 12.8% so với cùng kỳ, do khả năng phục hồi của ngành ngân hàng nhờ chất lượng tài sản và NIM sẽ duy trì ổn định.

Bên cạnh đó, kỳ vọng lạm phát nằm trong tầm kiểm soát trong năm 2023, giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy chi tiêu công, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan như logistics và khu công nghiệp.

“Vốn được bơm vào nền kinh tế thông qua chi tiêu công sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản của hệ thống và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, dễ dàng tiếp cận các khoản vay hơn”, nhóm phân tích ACBS cho hay.

Trong kịch bản lạc quan, ACBS kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 17.8% so với cùng kỳ và VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1,400 điểm, tương đương P/E 12.5 lần. Lưu ý rằng con số này vẫn thấp hơn 15% so với mức P/E trung bình 14.7 lần trong 10 năm.

Kịch bản dựa trên giả định áp lực lạm phát toàn cầu giảm bớt và nhu cầu toàn cầu tăng trở lại, thuận lợi cho dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ của Việt Nam.

Cuối cùng, trong kịch bản thận trọng có thể xảy ra với giả định các biến thể mới của COVID-19 khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới phải phong tỏa trở lại, hoặc ít nhất là tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu có thể ở mức cao gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá; đồng thời, sức mua tiếp tục giảm trên toàn thế giới; thanh khoản hệ thống tiếp tục căng thẳng và/hoặc thị trường trái phiếu tiếp tục chứng kiến các đợt điều tra như đã diễn ra trong thời gian qua.

Dựa trên kịch bản này, tăng trưởng lợi nhuận dự phóng là 7.8% so với cùng kỳ và thị trường sẽ trở lại mức P/E thấp 10.1 lần như trong tháng 11/2022.

Ma trận VN-Index trong năm 2023
Nguồn: ABCS

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán - một xu hướng mới đang hình thành? (07/02/2023)

>   Góc nhìn 07/02: Mở rộng nhịp điều chỉnh? (06/02/2023)

>   Cần tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản (07/02/2023)

>   VCSC: VN-Index sẽ đạt 1,300 điểm vào cuối năm 2023 (07/02/2023)

>   HSBC: Du lịch sẽ là ngành then chốt trong năm 2023 (06/02/2023)

>   SSI Research: VN-Index có thể lên 1,100-1,125 điểm (06/02/2023)

>   FMC, SCS và PVS có gì hấp dẫn? (06/02/2023)

>   Dùng chiến lược giao dịch nào khi thị trường còn "ẩm ương"? (05/02/2023)

>   Góc nhìn tuần 06 - 10/02: Xu hướng tăng ngắn hạn đã dừng lại? (05/02/2023)

>   6 xu hướng kinh tế chính cần quan tâm trong năm Quý Mão (03/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật